Vòng loại thứ 3 World Cup 2022: Tuyển Việt Nam và bài học từ Thái Lan

Cho đến lúc này, có thể khẳng định một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Thái Lan đánh mất vị thế số 1 khu vực bắt nguồn từ thất bại tại vòng loại thứ 3 World Cup 2018.

Vòng loại thứ 3 World Cup 2022: Tuyển Việt Nam và bài học từ Thái Lan - Ảnh 1.

Niềm hân hoan tiến vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018 của tuyển Thái Lan nhanh chóng biến thành “cơn ác mộng” kéo dài cho đến hiện nay và không biết bao giờ mới kết thúc.

Người Thái đòi hỏi quá nhiều?

Dưới thời của HLV Kiatisak Senamuang, tuyển Thái Lan thống trị Đông Nam Á một cách tuyệt đối với 2 chức vô địch AFF Cup, 2 HCV SEA Games, vào bán kết Asiad 2014… Nhưng đỉnh cao nhất vẫn là việc tuyển Thái Lan vượt qua Iraq, đoạt ngôi đầu bảng F ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018 để tiến vào vòng loại cuối cùng.

Những chiến tích vang dội đó giúp Thái Lan mơ vé đến Nga, hoặc chí ít là một màn trình diễn “sòng phẳng” trước các anh hào châu lục ở vòng loại cuối cùng. Nhưng mọi thứ diễn ra không như mong đợi khi tuyển Thái Lan của HLV Kiatisak chỉ có 1 điểm sau 7 trận, và để lọt lưới đến 19 bàn. Không khí thất bại tại vòng loại thứ 3 World Cup 2018 đã làm lu mờ tất cả những chiến tích trước đó của HLV Kiatisak.

Mâu thuẫn giữa Kiatisak và Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) nhen nhóm khi chủ tịch Somyot Poompunmuang “không chấp nhận thực tế”. Bên cạnh đó, đội tuyển Thái Lan chịu áp lực lớn từ các CĐV sau hàng loạt thất bại. Chủ tịch Somyot liên tục cạnh khóe về thành tích của đội tuyển Thái Lan và công khai nói về sự thay đổi ở vị trí HLV trưởng. Và quả bom cuối cùng được kích nổ khi HLV Kiatisak từ chức vào đầu tháng 4-2017 lúc vòng loại cuối cùng World Cup 2018 còn đến 3 trận.

Thời điểm đó, giới chuyên môn đều cho rằng dù thống trị Đông Nam Á nhưng thực lực của Thái Lan vẫn còn kém xa các đội bóng hàng đầu châu lục. Việc Thái Lan thất bại tại vòng loại cuối cùng là điều được dự báo trước. Tuy nhiên, đòi hỏi của FAT và phản ứng của một bộ phận CĐV với tuyển Thái Lan được cho là không thực tế.

Hành trình trượt dài

HLV Kiatisak ra đi, tuyển Thái Lan bổ nhiệm Milovan Rajevac – HLV người Serbia từng đưa Ghana vào tứ kết World Cup 2010. Nhưng HLV Rajevac nhanh chóng bị sa thải khi liên tục thất bại với tuyển Thái Lan. Sau Rajevac, FAT bổ nhiệm cựu HLV tuyển Nhật Bản Akira Nishino. Nhưng ông Nishino cũng chịu chung số phận với Rajevac khi không thể giúp Thái Lan tìm lại vị thế số 1 tại khu vực.

Ngay khi chứng kiến thất bại liên tiếp của các HLV ngoại, người hâm mộ Thái Lan “cầu cứu” người cũ Kiatisak. Lúc này, những thành tựu của Kiatisak mới được trân trọng và nhắc lại trên khắp các mặt báo. Nhiều người cho rằng chu kỳ thành công của bóng đá Thái Lan đã đến đỉnh và việc “xuống dốc” cũng bình thường. Do đó, các HLV ngoại có năng lực nhưng đến không đúng thời điểm nên phải hứng chịu thất bại.

Tuy nhiên cũng có nhiều luồng ý kiến cho rằng tuyển Thái Lan tìm được HLV phù hợp nhất là Kiatisak. Nhưng việc nôn nóng hướng đến thành công, không đủ sự tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề khiến Thái Lan mất HLV Kiatisak và mất luôn phương hướng. Nếu vẫn nằm trong tay Kiatisak, tuyển Thái Lan vẫn là đội bóng đáng gờm ở khu vực Đông Nam Á.

Những gì xảy đến với Thái Lan là bài học cần tránh với tuyển Việt Nam. Dưới bàn tay của HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam đang là số 1 khu vực với hàng loạt chiến tích vượt bậc trong thời gian qua. Cơ sở đó giúp người hâm mộ có quyền mơ mộng tại vòng loại World Cup 2022. Nhưng mọi thứ phải thực tế khi so sánh tương quan của tuyển Việt Nam với các “đại gia” ở châu Á.

Vì vậy, sau bài học từ tuyển Thái Lan, việc tiến vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là bàn đạp để tuyển Việt Nam hướng về tương lai. 

Theo Hoài Dư (tuoitre Online)

https://tuoitre.vn/vong-loai-thu-3-world-cup-2022-tuyen-viet-nam-va-bai-hoc-tu-thai-lan-20211018112521896.htm

 
2,117 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết