Từ ngày 1-1-2021, thí điểm giao dân phòng, dân phố tham gia chữa cháy

Bộ Công an đang đề xuất Chính phủ cho thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng. Việc thí điểm sẽ tiến hành ngay đầu năm 2021 tại 17 tỉnh, thành.

Từ ngày 1-1-2021, thí điểm giao dân phòng, dân phố tham gia chữa cháy - Ảnh 1.
 

Dân phòng, người dân phụ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tham gia chữa cháy một đám cháy ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Bên cạnh việc thông thuộc địa hình, có thể chữa cháy nhanh trong một số trường hợp cháy nhỏ, trong hẻm, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về khả năng thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này. Họ thiếu kỹ năng, chuyên môn và phương tiện để thực hiện chữa cháy.

Chữa cháy phải có nghiệp vụ, phương tiện

11 năm làm trưởng ban bảo vệ dân phố phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội), ông Phạm Thế Thọ cho biết nhiều năm qua cán bộ tổ dân phố của phường vẫn thường xuyên đi tới các doanh nghiệp, nhà dân trên địa bàn để tuyên truyền về an toàn phòng chống cháy nổ.

Về kinh nghiệm PCCC, ông Thọ nói mỗi năm được đội PCCC của Công an quận Hà Đông cho đi tập huấn, diễn tập về PCCC và cứu hộ, cứu nạn 2 lần, sau đó cán bộ tổ dân phố của phường về tuyên truyền cho người dân, chủ nhà xưởng, doanh nghiệp trên địa bàn phường cùng cộng tác, phối hợp thực hiện.

“Chúng tôi đi chữa cháy rất nhiều, bất cứ nhà dân nào trên địa bàn xảy ra cháy nổ thì ban bảo vệ dân phố của phường đều là lực lượng đầu tiên cùng với người dân tham gia chữa cháy. Sau đó, ban bảo vệ dân phố của phường sẽ điện báo cho đội PCCC của quận đưa lực lượng, phương tiện, xe cứu hỏa vào chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” – ông Thọ cho hay.

Nhưng về phương tiện để lực lượng bảo vệ dân phố tham gia PCCC, ông Thọ chia sẻ ban bảo vệ dân phố của phường không được giao phương tiện gì để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. 

Khi xảy ra cháy, lực lượng bảo vệ dân phố chỉ biết chạy đến đám cháy, hô hào người dân sử dụng các vật dụng sẵn có để chữa cháy trong lúc chờ đội PCCC của quận tới làm nhiệm vụ.

Đại diện Công an phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng cho biết lực lượng công an phường, ban bảo vệ dân phố theo phân cấp chỉ phối hợp với đội PCCC của quận và các ban ngành, đoàn thể, chính quyền làm công tác tuyên truyền phòng ngừa cho người dân là chính. 

Bên cạnh đó, lực lượng công an phường làm nhiệm vụ phát hiện nguy cơ cháy, nổ và kiến nghị Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn của thành phố, hoặc đội PCCC của công an quận để xử lý kịp thời.

Đánh giá về đề xuất thí điểm giao lực lượng bảo vệ tổ dân phố, dân phòng thực hiện một số nhiệm vụ PCCC và cứu hộ, cứu nạn, ông Lưu Bình Nhưỡng – ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội – cho rằng PCCC là nhiệm vụ của cả xã hội chứ không của riêng ai.

Về thí điểm giao cho bảo vệ dân phố, dân phòng thực hiện công tác PCCC cần cân nhắc xem đây có phải lực lượng chuyên nghiệp không, có cần thiết không? Vì bình thường muốn thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải có phương tiện, nghiệp vụ, có tính chuyên nghiệp cao.

Từ ngày 1-1-2021, thí điểm giao dân phòng, dân phố tham gia chữa cháy - Ảnh 2.

Người dân, dân phòng, công an phường là những người đầu tiên tiếp cận đám cháy trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến (ảnh chụp vụ cháy tại một chung cư ở P.9, Q.4, TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

Thí điểm 17 tỉnh, thành phố từ năm 2021

Theo dự thảo nghị quyết về thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho bảo vệ dân phố đang được Bộ Công an lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành, việc thí điểm sẽ được thực hiện từ ngày 1-1-2021, ở các phường, thị trấn, tại 17 tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai.

Lực lượng dân phòng tại các địa phương thí điểm sẽ thực hiện các nhiệm vụ như tham gia chữa cháy, sơ cứu người bị nạn, cứu tài sản; phối hợp với lực lượng bảo vệ chuyên trách các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để bảo đảm PCCC theo chỉ đạo của UBND phường, thị trấn, công an phường, thị trấn; tham gia bảo vệ hiện trường vụ cháy khi có yêu cầu.

Bảo vệ dân phố tại địa phương thí điểm được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, được trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Được hưởng chế độ chính sách với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy.

Về lực lượng dân phòng, Bộ Công an cho biết tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố hiện đều có lực lượng tổ dân phòng, biên chế từ 10 – 30 người. 

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện cả nước đã thành lập 42.476 đội dân phòng, với khoảng 543.000 người tham gia. Số đội dân phòng có thể tăng lên 180.799 đội theo quy định pháp luật về PCCC.

Ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông – cho rằng hiện chúng ta có lực lượng PCCC và cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp trong cả 2 lực lượng công an và quân đội. 

Việc đưa lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng tham gia công tác PCCC tại cơ sở có thể đi ngược lại xu hướng chuyên nghiệp hóa, trong khi bộ máy vẫn phình to. Nếu cảnh sát PCCC thiếu thì cần tăng biên chế phù hợp với tỉ lệ dân cư đô thị.

Tuy vậy, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Minh Khương – phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an – nói lợi ích của việc thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng là giảm biên chế, giảm chi phí, không có 2 lực lượng ở cơ sở, một lực lượng thực hiện luôn cả nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm công tác an toàn PCCC. Đặc biệt việc thí điểm này sẽ kết hợp với đào tạo kỹ năng chuyên sâu, giúp cho công tác PCCC ở cơ sở hiệu quả hơn…

615.456

Đó là tổng số người làm công tác dân phòng, bảo vệ dân phố trên cả nước. (Nguồn: thống kê của Bộ Công an)
Bảo vệ tổ dân phố sẽ làm gì? Bảo vệ tổ dân phố tại những nơi thí điểm được giao thực hiện các nhiệm vụ như: đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về PCCC; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu theo chỉ đạo của UBND phường, thị trấn và công an phường, thị trấn…
Cần hơn 4.500 tỉ đồng/năm để chi trả chế độ Hiện mỗi cụm dân cư được thành lập một tổ bảo vệ dân phố và mỗi phường được thành lập một ban bảo vệ dân phố. Cả nước hiện đã thành lập 1.882 ban bảo vệ dân phố, 15.656 tổ bảo vệ dân phố, với 72.456 người. Bộ Công an tính toán, cả nước có 180.799 đơn vị cấp thôn, tương đương cấp tổ dân phố, nếu lập đủ 180.799 đội dân phòng, chi trả chế độ cho đội trưởng, đội phó mỗi tháng 372.500 đồng (tương đương 25% mức lương cơ sở), thì mỗi tháng ngân sách phải chi khoảng 134 tỉ đồng, một năm chi khoảng 1.608 tỉ đồng chế độ cho dân phòng. Với bảo vệ dân phố, trung bình một thành viên được hưởng chế độ bằng lương cơ sở, hiện khoảng 1.490.000 đồng/tháng, thì một tháng phải chi khoảng 100 tỉ đồng, một năm cần khoảng 1.200 tỉ đồng để trả phụ cấp cho 72.456 thành viên thuộc ban bảo vệ dân phố trên cả nước. Ngoài ra, nếu tính trang bị trang phục và thiết bị bảo hộ cho đội viên đội dân phòng với số tiền trung bình 1.000.000 đồng/người, thì số tiền chi trả cho lực lượng này mỗi lần trang bị theo tính toán của Bộ Công an khoảng 1.807 tỉ đồng. Tổng số dân phòng, bảo vệ dân phố trên cả nước theo thống kê của Bộ Công an hiện nay là 615.456 người.
Từ ngày 1-1-2021, thí điểm giao dân phòng, dân phố tham gia chữa cháy - Ảnh 6.

Tập huấn PCCC tại một cơ quan ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Theo Bảo Ngọc 

https://tuoitre.vn/tu-ngay-1-1-2021-thi-diem-giao-dan-phong-dan-pho-tham-gia-chua-chay-20201214075830495.htm

1,099 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết