Tiếp viên hàng không vi phạm quy định cách ly có thể bị xử lý hình sự

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý về trường hợp vi phạm quy định về cách ly khiến dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng vừa qua.

 
Tiếp viên hàng không vi phạm quy định cách ly có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1.
 

TP.HCM đã triển khai phong tỏa căn hộ nơi bệnh nhân 1347 từng ở chung phòng với bệnh nhân 1342 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Nguyễn Quốc Cường (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo công văn 3588 ngày 2-7-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thì thành viên thuộc tổ bay cách ly tại khu tập trung trong 72 giờ nếu có đủ 2 lần xét nghiệm âm tính sẽ được về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi.

Do đó, việc bệnh nhân 1342 (tiếp viên hàng không) được về nhà sau khi cách ly tập trung 4 ngày và 2 lần xét nghiệm âm tính là đúng quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình cách ly tập trung ở khu cách ly của Vietnam Airlines, người này có tiếp xúc một tiếp viên của chuyến bay khác là bệnh nhân 1325. Đây có thể là một kẽ hở trong quá trình cách ly tập trung.

Theo quy định tại công văn 3588 thì sau khi cách ly tập trung thì bệnh nhân 1342 phải tiếp tục cách ly tại nơi cư trú đến khi đủ 14 ngày. Tuy nhiên người này đã không tuân thủ quy định về cách ly y tế tại nhà, tiếp xúc gần với 3 người khác, làm lây lan dịch bệnh.

Hành vi của bệnh nhân 1342 có thể được coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c, khoản 1, điều 240 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), được hướng dẫn bởi Công văn số 45 của TAND tối cao.

Theo luật sư Đặng Xuân Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) thì không chỉ bệnh nhân 1342 mà người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý cũng đã có hành vi vi phạm quy định về cách ly.

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 117 hoặc xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại điều 240 BLHS.

Cơ chế riêng trong phòng bệnh có hợp lý?

Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho rằng Bộ Y tế có công văn 4995 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó quy định sau khi lấy mẫu xét nghiệm lần 1, thì tất cả trường hợp nhập cảnh đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì được về nơi lưu trú để tiếp tục tự cách ly đến khi đủ 14 ngày. Tuy đối tượng áp dụng của công văn 4995 và công văn 3588 là khác nhau, song cần phải nhìn nhận việc áp dụng đã tạo ra một cơ chế không công bằng và tạo kẽ hở trong phòng dịch.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Trung Phát (đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng mặc dù công văn 4995 chỉ là công văn hướng dẫn tạm thời. Thế nhưng đây là công văn áp dụng chung cho tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang lây khắp thế giới, thì việc rút ngắn thời gian lấy mẫu là không phù hợp, vừa cho thấy sự không thống nhất, không công bằng trong việc tạo ra cơ chế riêng trong việc phòng chống dịch bệnh.

Công văn số 45 của TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì: – Người đã được thông báo mắc bệnh; – Người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi trốn khỏi nơi cách ly; – Không tuân thủ quy định về cách ly; – Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; – Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lan truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1,điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Theo TUYẾT MAI

https://tuoitre.vn/tiep-vien-hang-khong-vi-pham-quy-dinh-cach-ly-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-2020120208083674.htm
1,054 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết