Hà Nội mờ đục bởi ô nhiễm không khí, dù thời tiết có nắng, ghi nhận sáng 10-12 – Ảnh: PHẠM TUẤN
Trong sáng 10-12, các điểm quan trắc không khí trong khu vực nội thành của Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội) hiển thị chỉ số ở mức kém (AQI từ 101-150); một số nơi ngoại thành ở mức trung bình; không có điểm chỉ số không khí tốt.
Trong đó, tại điểm quan trắc 57 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm), chỉ số không khí đo được ở mức xấu (AQI trên 150), mức nguy hại cho sức khỏe con người.
Ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều tuyến đường Hà Nội mờ đục bởi khói bụi. Ngay từ sáng sớm, dù có nắng, nhiều tuyến phố vẫn bị phủ một lớp bụi mờ, người đi đường phải bật đèn xe.
Ghi nhận trong khu vực Cầu Giấy sáng 10-12, các đường như Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Xuân Thủy… mịt mù, người dân ra đường phải đeo khẩu trang, mắt kính để tránh bụi.
Tại quận Nam Từ Liêm, tòa nhà KeangNam (tòa nhà cao nhất thủ đô) cũng bị khói bụi che mờ. Những đường đông xe như Phạm Hùng, Lê Quang Đạo, Đại lộ Thăng Long (đoạn Trung tâm hội nghị Quốc Gia)… tình trạng ô nhiễm, bụi bặm còn nghiêm trọng hơn.
Riêng đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến… (Thanh Xuân), vào 8h30 sáng, theo kết quả quan trắc của Air Visual, chất lượng không khí ở mức kém (AQI từ 101-150).
Bạn Nguyễn Thanh Tâm (22 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) cho biết mấy ngày nay, thời tiết Hà Nội lúc nào cũng mù mịt, ngay cả giữa trưa. “Những ngày này mình rất ngại ra đường vì không khí quá ô nhiễm. Mắt mình khá nhạy cảm nên ra đường một lúc là bị cay, chảy nước mắt”, Tâm nói.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào khoảng thời gian ô nhiễm trầm trọng hơn.
“Ngoài những nguyên nhân chính như giao thông, xây dựng, đốt rác… thì hình thái thời tiết mùa đông cũng làm cho mức độ ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn so với những mùa khác”, ông Tùng nói và cảnh báo người dân nên đeo khẩu trang để tự bảo vệ bản thân trong khi chờ các biện pháp từ cơ quan chức năng.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số mức kém nghĩa là nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nên hạn chế hoạt động ngoài trời; ở mức xấu, những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng tới sức khỏe, còn nhóm nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng xấu, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế đi tập thể dục, làm việc ngoài trời; cần vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa thuốc lá.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.