Rối với quy định chống COVID-19 của các tỉnh

Sau khi Lâm Đồng yêu cầu toàn bộ người về từ TP.HCM phải cách ly tập trung 21 ngày, Sở Công thương tỉnh này vừa có văn bản đề nghị Sở Công thương TP.HCM mở cửa chợ hoa Đầm Sen vì lo hoa Đà Lạt thiệt hại.

Rối với quy định chống COVID-19 của các tỉnh - Ảnh 1.
 

Ghi lại thông tin người đi về từ TP.HCM tại chốt kiểm soát dịch huyện Cần Giuộc, Long An – Ảnh: SƠN LÂM

Rất nhiều quy định của các địa phương đang khiến doanh nghiệp, người dân phân tâm, khó áp dụng, gây khó cho chính địa phương ban hành.

Lâm Đồng kêu cứu, TP.HCM hứa tăng tiêu thụ hoa

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-6, ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – thừa nhận chợ hoa Đầm Sen ngưng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng hoa về TP của một số địa phương như Lâm Đồng, Đồng Tháp…

Trước đó, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi đến Sở Công thương TP.HCM cho biết hoạt động tiêu thụ hoa của tỉnh bị ảnh hưởng nhiều khi TP.HCM đóng cửa chợ hoa Đầm Sen, đặc biệt lo lắng dịp Tết Đoan ngọ tới đây.

Theo ông Phương, để hỗ trợ các địa phương duy trì ổn định hoạt động cung ứng hàng hóa, sở đã chỉ đạo các chợ hoa bán sỉ còn lại đang hoạt động trên địa bàn như Bình Điền, Thủ Đức, Hồ Thị Kỷ… tăng cường công tác phòng chống dịch và tổ chức tiếp nhận, phân phối hoa của các tỉnh. 

Ngoài ra, quận 11 chỉ đạo chợ hoa Đầm Sen hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương tổ chức bán hàng trực tuyến để duy trì tiếp nhận, phân phối hoa.

“Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các đơn vị phải báo cáo ngay về sở để có hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng hóa ùn ứ, ngưng trệ hoạt động cung ứng, phân phối”, đại diện Sở Công thương khẳng định.

Trong khi đó, ông Lý Phú Quí – giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Đầm Sen (chợ hoa Đầm Sen) – xác nhận chợ đóng cửa từ ngày 31-5, và chủ trương của UBND quận là sẽ đóng cửa trong vòng 15 ngày để phòng chống dịch COVID-19. 

Sau khi chợ đóng cửa, nhiều ngày qua ông nhận được rất nhiều lời “kêu cứu” của nông dân, doanh nghiệp kinh doanh hoa tại Lâm Đồng vì hoa không tiêu thụ được, đang ùn ứ.

“Chợ hoa Đầm Sen là chợ sỉ nên sức tiêu thụ lớn, thu mua khoảng 60-70% lượng hoa của Lâm Đồng”, ông Quí thông tin.

Theo đại diện ban quản lý chợ hoa Đầm Sen, nếu không cho mở cửa nhiều ngày, cơ quan nhà nước có thể xem xét cho chợ mở bán trong 1 hoặc 2 ngày vào thời điểm mùng 5-5 âm lịch (Tết Đoan ngọ). Chợ cam kết sẽ tăng cường mạnh các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 như đảm bảo giãn cách, yêu cầu tài xế ngồi trên xe và quay về địa phương ngay khi bốc xong hàng…

Chiều 6-6, đại diện UBND quận 11 cho biết việc chợ hoa Đầm Sen nghỉ 15 ngày chủ yếu tiểu thương theo vận động của quận, TP trong việc phòng chống dịch. Với đề nghị của Lâm Đồng, UBND quận sẽ xem xét lại và phản hồi sau.

Mỗi nơi mỗi kiểu, thương nhân hoa mắt 

Tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), ông Nguyễn Nhu – phó giám đốc – cho hay khoảng 50% lượng hàng tại chợ hiện nay là từ các tỉnh phía Bắc, Lâm Đồng nên muốn nhập hàng buộc phải đi ngang Đồng Nai. Còn hàng từ miền Tây phải đi qua Long An.

Trước thông tin đồn đoán, nhiều thương nhân ở Đồng Nai lên chợ bỏ hàng hoặc mua hàng từ chợ về Đồng Nai bán lại đang rối bởi không biết có bị cách ly hay xử lý gì không.

Ông Nguyễn Ngọc An – tổng giám đốc Vissan – cho biết vài ngày qua nhiều chuyến hàng đơn vị gặp khó ở các tỉnh do các quy định phòng chống dịch COVID-19 thiếu đồng nhất. Như xe chở hàng hóa đơn vị đi được qua Long An, Cần Thơ… nhưng khi đến Bạc Liêu thì bị ách lại dù nhân viên chứng minh được là người công ty và xe chở hàng thiết yếu. Cuối cùng, xe chở hàng vẫn phải quay ra.

“Các tỉnh cần có một quy định rõ ràng từ trung ương đến địa phương, thông báo rộng rãi và thống nhất. Bởi nguồn hàng hóa các tỉnh luôn chi phối lẫn nhau, một tỉnh không thống nhất là các tỉnh còn lại gặp khó”, ông An nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông An, với nhu cầu cần khoảng 700 con heo mỗi ngày từ nhiều nhà cung cấp, đơn vị đang căng sức xử lý bởi nhiều đối tác bị rối trước các quy định phòng chống dịch chồng chéo giữa các địa phương. Nếu xử lý không ổn, lượng heo sẽ thiếu hụt.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Thương – giám đốc mua vào hệ thống Bách Hóa Xanh – cho biết hiện đơn vị phải tập trung phối hợp và hướng dẫn 100% nhà cung cấp chuẩn bị đủ giấy tờ theo yêu cầu của Đồng Nai và Long An để được lưu thông.

Tuy nhiên, theo bà Thương, nguồn hàng nhiều thời điểm thiếu ổn định vì nhà cung cấp chưa sẵn sàng, lo lắng không đáp ứng quy định phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến các mặt hàng như rau bị giảm chất lượng, hụt hàng. “Nếu tình trạng tái diễn, giá các mặt hàng thiếu hụt sẽ tăng”, bà Thương nhận định.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp cho biết hiện nhiều tỉnh đưa ra yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với tài xế, phụ xe chở hàng. “Việc đòi hỏi giấy tờ này với các xe chở hàng thiết yếu trong vùng không có dịch là không cần thiết”, vị này nêu quan điểm.

Nhiều giải pháp linh động

Ông Nguyễn Nhu cho biết hiện tài xế, lơ xe chở hàng ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương vào chợ sẽ được tập trung tại một điểm, không tiếp xúc với người khác để cán bộ tại chốt kiểm dịch ở chợ lấy mẫu xét nghiệm, sau đó mời cách ly tại khách sạn 1-2 ngày, hàng bán hết sẽ quay về, trường hợp mẫu xét nghiệm dương tính COVID-19 sẽ liên hệ xử lý ngay.

 

“Tuy không tiếp xúc với khách hàng, nhưng nhờ chợ đã vận động thương nhân có giải pháp trao đổi, mua bán từ trước như cho nhân viên mặc đồ bảo hộ, liên hệ nhận hàng qua điện thoại… nên không xảy ra tình trạng hàng ùn ứ”, ông Nhu thông tin.

Hiện tại, Long An cũng đã lập lại tổng cộng 15 chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên cửa ngõ các tuyến quốc lộ và các tỉnh lộ từ TP.HCM về.

Theo Công an huyện Cần Giuộc, đơn vị này tham gia vào 3 chốt trên các đường tỉnh kiểm soát giao thông từ TP.HCM sang địa bàn. Huyện cũng đã quán triệt chủ trương những giờ cao điểm, công nhân đi làm đông, việc kiểm soát sao cho không để xảy ra ách tắc giao thông.

Ông Huỳnh Minh Phúc – giám đốc Sở Y tế Long An – cho biết việc kiểm soát người từ các vùng dịch về Long An không chỉ dựa vào các chốt ở các cửa ngõ mà được triển khai nhiều lớp. 

“Các chốt ở cửa ngõ sẽ tuyên truyền hạn chế di chuyển và nhắc nhở khai báo y tế. Còn các tổ, chốt trong cộng đồng từng ấp, khu phố sẽ kiểm tra, nhắc nhở với những người lạ, người vừa trở về sinh sống trong khu phố để phát hiện kịp thời những trường hợp cần phải được cách ly, bảo đảm an toàn phòng chống dịch”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nhiều địa phương không linh động, cách hiểu quy định cũng khác nhau; nên trung ương cũng như địa phương cần rõ bàn tay nhạc trưởng, thêm đường dây nóng để cả lực lượng chức năng và người dân có thể tham khảo nhanh trước khi ra quyết định hoặc hành động. 

Điều này cũng giúp tránh biện pháp thái quá, đến khi gỡ bỏ cũng đã nảy sinh thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong khi thực tế cho thấy nếu chăm chút, các vướng mắc đều có thể xử lý được.

Rối với quy định chống COVID-19 của các tỉnh - Ảnh 2.

Chợ hoa Đầm Sen ngưng hoạt động khiến tỉnh Lâm Đồng “kêu cứu” đến TP.HCM – Ảnh: Đ.S.

Ùn ứ vụ hoa Tết Đoan ngọ có thể thiệt hại nhiều tỉ Trước việc chợ hoa Đầm Sen (quận 11, TP.HCM) và các điểm kinh doanh hoa tự phát trên địa bàn quận 11 đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19, giá bán hoa Đà Lạt tại cửa vườn “rẻ như cho” hoặc “bán cho đỡ mất công đổ”. Hiệp hội hoa Đà Lạt đề nghị Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM phối hợp mở lại chợ hoa Đầm Sen từ ngày 7-6 đến hết ngày 14-6 (tức 27-4 đến hết mùng 5-5 âm lịch) nhằm giải phóng lượng hoa đã xuống giống cho dịp đầu tháng 5 âm lịch và dịp Tết Đoan ngọ đang thu hoạch. “Đóng cửa chợ hoa, nguyên cả vụ hoa quan trọng của nông dân Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung không có nơi tiêu thụ, thiệt hại có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng” – ông Phan Thanh Sang, chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, cho biết. Theo thông tin từ Hiệp hội hoa Đà Lạt, cùng thời điểm năm ngoái, chợ hoa Đầm Sen tiêu thụ khoảng 20 triệu cành hoa Đà Lạt. Hoa từ chợ Đầm Sen tỏa đi các chợ khác. Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, đóng cửa chợ hoa Đầm Sen là cắt đứt chuỗi cung ứng hoa từ Đà Lạt đến TP.HCM cũng như các tỉnh miền Tây. MAI VINH

Long An khẳng định không ngăn sông cấm chợ

Theo ông Huỳnh Minh Phúc – giám đốc Sở Y tế Long An, tinh thần của Long An là không ngăn sông cấm chợ. 

Tuy nhiên, chỉ từ 0h đến 15h ngày 5-6, thực hiện theo tinh thần văn bản mới của tỉnh Long An về kiểm soát người về từ vùng dịch, đã rà soát được hơn 2.000 trường hợp người về từ TP.HCM và hơn 600 trường hợp về từ các tỉnh khác. Trong số đó có 420 người trở về từ TP.HCM được yêu cầu và chấp thuận việc cách ly tại nhà.

Trước đó, theo tinh thần của văn bản do UBND tỉnh Long An đưa ra, từ 0h ngày 5-6, những người từng đến, về từ các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố, người không có hộ khẩu tại Long An khi về Long An sẽ thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đủ 4 lần…

Nhưng văn bản này cũng nêu rõ các trường hợp là chuyên gia, công nhân lao động vẫn sẽ được đi làm bình thường giữa TP.HCM và Long An dưới sự giám sát y tế chặt chẽ của các sở, ngành.

Bạc Liêu giải thích “xe hàng phải quay đầu”

Trả lời Tuổi Trẻ về phản ánh của Công ty Vissan, ông Nguyễn Huy Dũng – giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu – khẳng định tới thời điểm hiện tại tỉnh này chỉ ngưng hoạt động tuyến xe khách cố định tới một số địa phương, không cấm xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu. 

Trường hợp của Vissan, ông Dũng nói chưa nghe phản ảnh, nhưng vừa qua có những tin đồn Bạc Liêu cấm đối với xe vận chuyển hàng hóa và đây là thông tin không đúng.

Theo ông Dũng, tại các chốt kiểm tra y tế, lực lượng chức năng cũng xử lý linh hoạt. Như quy định chung tài xế phải có giấy xét nghiệm COVID-19 (chỉ có giá trị 5 ngày), doanh nghiệp phải xét nghiệm cho tài xế hoài cũng khó, nên có trường hợp đến điểm chốt, doanh nghiệp đề nghị có tài xế khác từ trong tỉnh ra lái xe vào vẫn được cho phép. 

Hoặc có những trường hợp tài xế khai báo rõ địa điểm đỗ hàng, trong thời gian bao lâu thì vẫn cho qua chốt, lực lượng chức năng sẽ báo về địa phương để giám sát.

Ông Dũng hướng dẫn để việc lưu thông qua chốt được nhanh chóng, doanh nghiệp cần liên hệ trước với Sở Giao thông vận tải để đăng ký thông tin trước.

“Vừa qua tỉnh có văn bản quy định cách ly chung với công dân từ TP.HCM về nên cũng có thể có những trường hợp hiểu lầm là tài xế vào tỉnh là bị cách ly. Dự kiến ngày mai tỉnh sẽ quy định cụ thể hơn, theo đó tài xế đi vô và trở ra trong ngày thì đăng ký địa điểm đến đỗ hàng, khi trở ra báo cho lực lượng chức năng biết. Còn nếu tài xế lưu trú, phải thực hiện cách ly”, ông Dũng nói.

Đi lại không hỏi kỹ, coi chừng phải cách ly Thực tế, nhiều người vẫn bất ngờ vì các quy định mới. Đi chữa bệnh cũng khó Chị V.L.T. (ngụ Bình Thuận) cho biết ba mình đang suy thận giai đoạn cuối, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 6 năm qua. Do bệnh viện địa phương không đủ thuốc, sinh phẩm để điều trị nên buộc phải đưa vào Chợ Rẫy. Tuy nhiên mới đây, Bình Thuận thông báo sẽ cách ly 21 ngày đối với người đi, về từ TP.HCM nên nhà xe đã từ chối chở đi Chợ Rẫy tái khám, trong khi xe khách chạy tuyến cố định cũng tạm dừng khiến việc di chuyển càng khó hơn. “Mẹ tôi đang gói quần áo để mai đi xe máy lên Chợ Rẫy lấy thuốc thay ba. Không có thuốc kiểu này ba tôi sao sống được” – chị T. chia sẻ. Còn anh L.P. – ngụ huyện Đồng Phú, Bình Phước – cho biết sáng 1-6, anh chở vợ bằng ôtô riêng lên Bệnh viện Từ Dũ khám bệnh. Đến chiều về lại Bình Phước thì bị lực lượng chốt trực kiểm soát dịch tại ĐT 741 (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, giáp ranh với Bình Dương) dừng xe, lấy mẫu xét nghiệm và buộc hai vợ chồng cách ly tại nhà 21 ngày khiến anh không đi làm được, mọi công việc của anh hầu như bị ngưng hết khiến anh không khỏi bức xúc.
kiem-soat

Nhân viên y tế tại chốt kiểm soát trên đường tỉnh 741 (đoạn tiếp giáp với Bình Dương) lấy mẫu xét nghiệm một trường hợp từ các tỉnh thành vào Bình Phước – Ảnh: A LỘC

Chính quyền: vì nhiệm vụ phòng chống dịch Ông Lê Tuấn Phong – chủ tịch UBND Bình Thuận – xác nhận người đi, về từ TP.HCM sẽ phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Danh sách các địa phương phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tại cơ sở tập trung đều theo quy định của bộ và tỉnh Bình Thuận cập nhật hằng ngày những địa phương này. Còn ông Nguyễn Quốc Việt – giám đốc Sở Y tế Bình Thuận – khẳng định địa phương không “ngăn sông cấm chợ”, mà “chỉ đảm bảo tốt nhất công tác kiểm soát dịch bệnh”. Bình Thuận không cấm người dân đi lại từ TP.HCM cũng như những nơi khác đang có dịch, mà chỉ yêu cầu hạn chế trong thời điểm này nếu như không cần thiết. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quách Ái Đức – giám đốc Sở Y tế Bình Phước – cho biết trường hợp của anh P. bị cách ly tại nhà 21 ngày là đúng theo quy định mà địa phương đã ban hành. Theo ông Đức, người từ các tỉnh thành không phải vùng dịch, có ca nhiễm trong cộng đồng đến Bình Phước sẽ không phải cách ly, chỉ cần khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Người từ các tỉnh thành, vùng có dịch về Bình Phước đều phải lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế tại nhà 21 ngày. Đặc biệt, các trường hợp về từ tâm dịch như quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) của TP.HCM về Bình Phước thì phải cách ly tập trung 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định. Ngoài ra, theo ông Đức, đối với những người mắc bệnh mãn tính, khám bệnh định kỳ hay công việc gấp… buộc phải lên TP.HCM để khám và điều trị, theo quy định của tỉnh vẫn phải cách ly 21 ngày, kể cả các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính. Ngay cả khi có việc cần kíp, người dân cũng cần tìm hiểu kỹ để tránh việc bị cách ly không lường trước. Theo NGUYỄN TRÍ – SƠN LÂM – CHÍ QUỐC – A LỘC – ĐỨC TRONG – L.ANH (tuoitre online) https://tuoitre.vn/roi-voi-quy-dinh-chong-covid-19-cua-cac-tinh-20210607075820751.htm
 
797 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết