Phác đồ mới trị COVID-19: Có thể ra viện khi dương tính

Bộ Y tế công bố phác đồ chẩn đoán, điều trị COVID-19 mới nhất (phác đồ sửa đổi lần thứ 5), có nhiều điểm mới.

Phác đồ mới trị COVID-19: Có thể ra viện khi dương tính - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 – Ảnh: PHẠM TUẤN

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất có rất nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó thay vì đưa toàn bộ bệnh nhân COVID-19 vào một nhóm, bệnh nhân đủ 2 xét nghiệm âm tính mới được ra viện, hướng dẫn mới đã phân nhóm bệnh nhân hợp lý hơn và cho phép bệnh nhân còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, ít nguy cơ lây nhiễm được xuất viện.

Phân nhóm bệnh nhân nặng, nhẹ

Theo hướng dẫn này, các ca bệnh nghi ngờ: theo dõi và cách ly ở khu riêng, chờ xét nghiệm khẳng định. Ca bệnh đã được xác định: theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn.

Ca bệnh F0 nhẹ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại buồng bệnh thông thường.

Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có bệnh mãn tính, người cao tuổi: điều trị tại phòng hồi sức tích cực.

Ca bệnh nặng (suy hô hấp nặng, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan): điều trị hồi sức tích cực. Do chưa có thuốc đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Có thể áp dụng một số phác đồ điều trị đang ở dạng nghiên cứu và được Bộ Y tế cho phép

Nồng độ virus thấp được xuất viện

Theo hướng dẫn trước đây, người bệnh COVID-19 phải có từ 2 kết quả xét nghiệm âm tính trong 2 lần xét nghiệm liên tiếp mới được xuất viện.

Hướng dẫn mới chia ra ba tình huống:

1. Có thể xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính nếu người bệnh không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày, đồng thời tối thiểu lấy 2 xét nghiệm PCR cách nhau 24 giờ có kết quả âm tính hoặc vẫn dương tính nhưng nồng độ virus thấp (Ct < 30).

2. Trường hợp thứ 2 là có thể xuất viện vào ngày thứ 14 nếu 10 ngày không có dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm nồng độ virus Ct > 30.

3. Trường hợp thứ 3, có thể xuất viện sau ngày thứ 14 kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính, ngày ra viện là ngày thứ 3 kể từ ngày không còn triệu chứng lâm sàng và đảm bảo tiêu chuẩn xét nghiệm.

 

Sau xuất viện, người bệnh được giám sát tại nhà bởi y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày. Mỗi ngày đo thân nhiệt 2 lần, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở 2 lần đo liên tiếp và có bất thường sức khỏe thì báo ngay cho y tế địa phương.

Một thay đổi nữa là các ca bệnh dương tính đã được điều trị và đủ tiêu chuẩn xuất viện, nếu có kết quả xét nghiệm tái dương tính thì không phải trở lại bệnh viện điều trị.

Phác đồ mới trị COVID-19: Có thể ra viện khi dương tính - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Chú ý các dấu hiệu sức khỏe tâm thần

Một tỉ lệ khá lớn người bệnh COVID-19 và những người phải cách ly y tế do COVID-19 đã gặp những vấn đề như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… trong vụ dịch này. Chính vì vậy, các vấn đề sức khỏe tâm thần rất được chú ý.

“Phát hiện và xử trí các dấu hiệu thần kinh, tâm thần, nhất là các triệu chứng mê sảng, đặc biệt trường hợp bệnh nhân nặng phải áp dụng thang điểm đánh giá sảng, có biện pháp điều trị thích hợp. 

Đánh giá các dấu hiệu lo âu và trầm cảm, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tâm lý, xã hội phù hợp. Phát hiện và xử trí rối loạn giấc ngủ. Hỗ trợ sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội cơ bản cho người nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19″- hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế cũng cho biết trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đã có nhiều thuốc kháng virus được thử nghiệm nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng. Khi có khuyến cáo, Bộ Y tế sẽ cho phép sử dụng.

Với kháng thể đơn dòng, hướng dẫn cho biết hiện đang trong quá trình thử nghiệm, đề nghị báo cáo hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế xin ý kiến trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời phục hồi chức năng và dinh dưỡng sớm cho người bệnh: cân nhắc phục hồi chức năng hô hấp sớm, chế độ dinh dưỡng đầy đủ calo và các vitamin thiết yếu. 

Các biện pháp điều trị COVID-19 chung * Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh đảm bảo thông thoáng, có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh. * Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng cách sử dụng nước muối sinh lý, súc miệng, họng bằng dung dịch vệ sinh miệng, họng thông thường. * Giữ ấm. * Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải. * Thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi nhưng không có dấu hiệu của sốc. * Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết. Các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch áp dụng hướng dẫn dinh dưỡng của Hội Hồi sức chống độc đã ban hành. * Hạ sốt nếu sốt cao, có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg thể trọng/lần, không quá 60 mg/kg thể trọng/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn. * Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết. * Đánh giá, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mãn tính kèm theo nếu có. * Tư vấn, hỗ trợ, động viên người bệnh. * Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lâm sàng, tiến triển của tổn thương phổi trên phim X-quang hoặc CT phổi, đặc biệt ở ngày thứ 7-10 của bệnh. * Các cơ sở điều trị cần có dụng cụ, trang thiết bị cấp cứu: máy theo dõi bão hòa oxy, hệ thống bình cung cấp oxy, thiết bị thở oxy, bóng, mặt nạ và dụng cụ đặt ống nội khí quản phù hợp lứa tuổi. Trong tình huống người bệnh suy hô hấp, suy hô hấp nguy kịch và ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, bệnh nhân là trẻ em… Bộ Y tế cũng hướng dẫn kỹ từng tình huống cụ thể.
Chuẩn bị gì nếu là F1 ở tại nhà? Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, một số quy định về địa điểm cách ly đã được nới bớt. Trong đó, thay vì chỉ được cách ly tại nhà riêng như trước, Bộ Y tế bắt đầu cho phép cách ly F1 tại nhà là căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện kèm theo là trước cửa nhà phải có biển cảnh báo, phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, giặt quần áo riêng của người cách ly… Phòng cách ly cũng phải đảm bảo thông thoáng khí, không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng, tốt nhất là thường xuyên mở cửa sổ. Đồng thời phải bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. F1 cách ly tại nhà phải thực hiện không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác, không tiếp xúc với động vật nuôi. Đồng thời cài đặt, bật và khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly. Trong hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế cũng cho phép giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế). Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo, thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly, bàn giao và theo dõi, giám sát y tế sau cách ly, đảm bảo không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thanh Hà
THEO LAN ANH (TUOITRE ONLINE)
https://tuoitre.vn/phac-do-moi-tri-covid-19-co-the-ra-vien-khi-duong-tinh-20210716084435812.htm
871 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết