Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15-12-2020 đạt 515,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, nhóm hàng ô tô, hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có mức tăng đột biến. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vấn đề này cũng đặt ra nhiều nỗi lo cho ngành sản xuất điện tử trong nước.
Mức tăng kỷ lục
Chỉ tính riêng trong tháng 11, Việt Nam nhập khẩu hơn 1.200 chiếc xe từ Trung Quốc (tăng khoảng 160% so với cùng kỳ năm trước); nâng tổng lượng xe nhập từ nước này vào Việt Nam hết tháng 11 đạt hơn 6.300 chiếc, tăng 1.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường, xe Trung Quốc vẫn bị đánh thuế từ 45%-70% theo mức thuế suất. Tuy nhiên, do lợi thế quy mô của nước sản xuất, lắp ráp xe với sản lượng hơn 20 triệu chiếc/năm, các mẫu xe Trung Quốc có lợi thế về chi phí và sức cạnh tranh ở nội địa cũng như xuất khẩu đi các thị trường nước khác.
Tương tự, tình hình nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy vi tính và linh kiện từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao. Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng của năm 2020, Việt Nam nhập khẩu tới 57,57 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt con số 51,3 tỷ USD trong cả năm 2019.
Đáng chú ý, nhóm hàng điện tử, máy vi tính… nhập khẩu tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc với 16,4 tỷ USD, tăng 47,9% và từ thị trường Đài Loan với 7 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo phân tích, việc tăng cao lượng nhập khẩu nhóm mặt hàng này trong năm qua bất chấp dịch Covid-19 bùng phát là do nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang làm việc tại nhà nên đầu tư thêm các sản phẩm mới để tiện sử dụng. Mặt khác, do nhu cầu mặt hàng này tăng cao nên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước cũng tăng cường nhập khẩu linh phụ kiện về lắp ráp.
Theo giới phân tích, người tiêu dùng sử dụng hàng Trung Quốc vì hàng này có mức giá thấp, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người.
Tăng cường kiểm soát chất lượng
Theo lộ trình, thuế nhập đối với xe Trung Quốc tại Việt Nam sẽ được miễn giảm, cắt bỏ theo cơ chế của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP (được Việt Nam và các đối tác ký kết tháng 11-2020). Đến khi đó, các mẫu xe nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ được giảm, miễn thuế và như vậy mức giá sẽ rẻ hơn nhiều so với hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, việc này sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên các hãng xe liên doanh, xe tư nhân trong nước. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay thị trường ô tô đã bắt đầu phát triển mạnh và các loại ô tô Hàn Quốc, Nhật Bản rất đa dạng, mặt bằng giá cũng dần được kéo xuống thấp, trong khi cuộc đua trang bị công nghệ ngày càng mạnh mẽ. Do đó sẽ rất khó để ô tô Trung Quốc có thể chiếm ưu thế mãi.
Trong khi đó, với diễn biến hiện nay, giới phân tích nhận định khả năng số tiền Việt Nam chi mua nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ vượt mốc 60 tỷ USD khi kết thúc năm 2020, trong đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn. Thậm chí, các năm tới, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu tăng mạnh ở thị trường này. Bởi nhóm hàng hóa này hiện có giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng Việt nam (nếu so với các mặt hàng có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ).
Không chỉ đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng mà còn được phân loại theo nhiều mức độ khác nhau, tương ứng với mỗi sản phẩm là chất lượng và giá cả khác nhau. Chính điều này làm thỏa mãn được nhu cầu của nhiều người tiêu dùng, khi thu nhập không thể với tới hàng cao cấp. Vấn đề là các nhà sản xuất trong nước có giải pháp để sớm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đón đầu xu hướng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, để Nhà nước không bị thất thu thuế và người tiêu dùng không mua phải những sản phẩm kém chất lượng.
Ngoài ra, việc lệ thuộc quá nhiều vào thị trường nhập khẩu sẽ góp phần làm suy yếu năng lực sản xuất trong nước, khiến nền công nghiệp điện tử trong nước ngày càng khó cạnh tranh. Chưa kể, việc hình thành xu hướng tiêu dùng hướng đến những sản phẩm công nghệ giá rẻ và có vòng đời ngắn ngủi còn đặt ra một nỗi lo khác lớn hơn nhiều, đó là nguy cơ Việt Nam sẽ biến thành bãi rác công nghệ trong tương lai không xa.
Theo LẠC PHONG
https://www.sggp.org.vn/noi-lo-gia-tang-hang-dien-tu-trung-quoc-nhap-khau-705752.html