Không thể chống dịch nghẽn luôn làm ăn

Đây là câu chuyện điển hình cho việc hóa giải ngăn sông cấm chợ. Bài học của Bắc Giang là gì?

Không thể chống dịch nghẽn luôn làm ăn - Ảnh 1.
 

Người dân Bắc Giang đi bán vải đều được xét nghiệm COVID-19 và cấp giấy xác nhận không thuộc diện cách ly y tế – Ảnh: NAM TRẦN

Chủ điểm cân vải Cương Hoài, một điểm cân vải khá lớn ở Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết từ ngày 24-5 đến nay, mỗi ngày điểm cân này vẫn chuyển 2 xe vải loại 15 tấn/xe đến chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM.

Địa phương sát sao, năng động

“Ban đầu chúng tôi cũng lo lắng nhưng huyện đã hướng dẫn, cho lái xe đi test miễn phí, cấp giấy thông hành, lái xe chở vải sẽ trình giấy tại các chốt kiểm dịch, vào đến chợ đầu mối Thủ Đức thì lái xe từ vùng dịch không vào chợ, có 1 tổ sẽ hỗ trợ thay lái xe vào chợ và khi cân xong vải, lái xe của chúng tôi lại đánh xe ra” – chị Hoài cho hay.

Việc xuất khẩu vải đi các thị trường vẫn tốt nên giá vải tại Lục Ngạn thời điểm này khoảng 28.000 đồng/kg loại đẹp nhất, hàng trung trung cỡ 17.000 – 18.000 đồng/kg, không kém nhiều so với năm 2020.

“Nhà nào có người diện F1 có dán chữ chú ý ở cửa, huyện đã khoanh vùng rất giỏi, giao hàng xóm bán hộ. Nhà ai không có F1 thì thôn chứng nhận cho mỗi gia đình một người đi bán vải, người đó có số chứng minh nhân dân trong giấy chứng nhận, đi bán vải cầm theo chứng minh nhân dân nên chúng tôi không có vải ế” – chủ điểm cân Cương Hoài cho biết.

Theo bà Lê Thị Thu Hồng – phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang, từ kinh nghiệm năm 2020, Bắc Giang triển khai các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến, làm việc với các siêu thị lớn, các tỉnh để bán hàng trong mùa dịch.

Bên cạnh xúc tiến thương mại, Bắc Giang đã điều tiết lực lượng chức năng đến tận các điểm cân, hỗ trợ cả việc dẹp đường không để tắc đường, giải tỏa lo ngại ách tắc hàng hóa.

Không thể chống dịch nghẽn luôn làm ăn - Ảnh 2.

Người dân đi qua chốt kiểm soát ở chân cầu Đồng Nai được đo thân nhiệt và phải khai báo y tế (ảnh chụp sáng 5-6) – Ảnh: HOÀNG AN

Sẽ nhắc nhở các địa phương

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng triển khai được như vậy. Đợt dịch đầu năm nay, rất nhiều su hào, cà chua, ổi… ở Hải Dương ế ẩm do khó vận chuyển hàng hóa.

Tối 5-6, Thủ tướng đã yêu cầu không ngăn sông cấm chợ, cách ly đúng quy định. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho biết các quy định tránh ngăn sông cấm chợ đã có hết rồi, nhưng địa phương lại có quy định riêng. 

“Chúng tôi sẽ nhắc nhở để các địa phương mềm hóa quy định, vừa bảo đảm chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội” – vị này cho biết.

Bắc Giang dù đang là điểm nóng nhất của dịch nhưng vải thiều tươi vẫn xuất khẩu đi Nhật, Úc, Trung Quốc; ở trong nước thì bán cho tất cả các tỉnh thành.

Đồng Nai – bài học cho nhiều tỉnh thành Sau khi tỉnh Đồng Nai nới lỏng quy định đi lại với TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cho hay đã “dễ thở” vì tài xế, công nhân, chuyên gia qua các chốt kiểm tra giáp ranh chỉ cần khai báo y tế, đo thân nhiệt. Anh Lê Nhật Trường – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) – nhấn mạnh Đồng Nai và TP.HCM giáp ranh nhau chỉ cách một con đường. Do đó, việc quy định “người từ TP.HCM về Đồng Nai bị cách ly 21 ngày” là quá khắt khe và có thể ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp. Theo anh Trường, quy định trên đã điều chỉnh kịp thời, chứ còn áp dụng doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Bởi công ty làm theo dây chuyền sản xuất, như tại Công ty Pousung, chỉ cần 5 người không đi làm sẽ ảnh hưởng tới cả một dây chuyền rộng, dài… Anh Hùng – một chủ doanh nghiệp ở TP.HCM – cho rằng từ chuyện Đồng Nai ra quy định đã bị phản ứng sẽ là bài học cho rất nhiều tỉnh thành. H.MI – A LỘC Theo Nguyễn Trí – L.Anh (tuoitre online) https://tuoitre.vn/khong-the-chong-dich-nghen-luon-lam-an-20210607083520998.htm
876 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết