Không 'đóng cửa' nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP.HCM

TP.HCM không đóng cửa hay phong tỏa nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP qua hàng loạt biện pháp.

Không đóng cửa nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP.HCM - Ảnh 1.
 

Theo quy định mới, người ra vào TP.HCM phải có giấy xét nghiệm âm tính. Trong ảnh: kiểm tra giấy xét nghiệm tại chốt kiểm soát phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Đây là quyết định trong ngày 5-7 sau buổi họp giữa lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Chính phủ để thảo luận những biện pháp mạnh phòng chống dịch. Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền tin đồn TP.HCM sẽ đóng cửa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong vài ngày sắp tới.

Vào ra TP phải có giấy xét nghiệm âm tính

Sau khi thảo luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiện nay số lượng ca bệnh tại TP.HCM đang tăng nhanh, cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng đều từ các cấp cơ sở. 

Trong đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm để cung ứng đủ cho người dân TP. 

“Người được xét nghiệm âm tính không có nghĩa tuyệt đối an toàn, mọi người dân vẫn phải tuyệt đối cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K” – ông Đam nói.

Ông Đam giao TP.HCM sớm kết nối và phối hợp với các tỉnh thành lân cận để thống nhất phương án kiểm soát người đi và đến TP, người điều khiển các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào TP…

Theo Phó thủ tướng, trong công tác xét nghiệm, nhiều đơn vị tham gia lấy mẫu và kết nối dữ liệu đã rút kinh nghiệm và ngày càng tổ chức bài bản, hiệu quả hơn. 

Ngành y tế và ngành thông tin – truyền thông cần phối hợp nghiên cứu để triển khai việc cấp mã QR cho các đối tượng đã có kết quả xét nghiệm, góp phần thuận lợi trong quá trình người dân ra/vào TP hoặc đến các địa điểm, khu vực trong TP. 

Việc xét nghiệm tầm soát diện rộng trong tình hình đang có nhiều điểm giãn cách, phong tỏa phải có phương án phù hợp hơn.

Với việc khai báo y tế, ông Đam đề nghị địa phương rà soát xem đã triển khai toàn dân hay chưa. Ở những nơi nào chưa có khai báo điện tử thì khẩn trương hỗ trợ để người dân khai báo y tế bằng giấy đầy đủ.

Ông Đam cũng lưu ý TP cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm khác nhau, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên tinh thần “tiết kiệm, hiệu quả, không chạy theo số lượng” để phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca mắc COVID-19. 

“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus để phục vụ công tác truy vết” – ông Đam yêu cầu.

Không đóng cửa nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP.HCM - Ảnh 2.

Người dân nhận kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện 175 TP.HCM, chiều 5-7 – Ảnh: TỰ TRUNG

Tập trung tối đa xét nghiệm, truy vết

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cho biết sau cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì (ngày 4-7), lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo củng cố, kết nối thông tin, dữ liệu dịch bệnh với trung ương để phân tích, đánh giá diễn biến dịch sát thực tế. 

Đặc biệt, TP đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu… 

Tất cả các bộ phận phải tập trung tối đa cho công tác truy vết, bởi truy vết càng nhanh, càng sớm phát hiện cách ly F0, F1, ngăn chặn lây lan ra xã hội.

Theo ông Nên, thời gian tới, TP đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1 được thực hiện trong thời gian ngắn, ngành y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1. 

Tiến hành xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao. TP.HCM tăng cường quản lý giám sát phòng chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp và kiểm soát tốt khu lưu trú, ký túc xá, nơi công nhân thuê trọ.

Về lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, ông Nên đề nghị ngành y tế triển khai có trọng tâm, trọng điểm và trả kết quả nhanh để hỗ trợ công tác truy vết, khoanh vùng và điều tra dịch tễ. Đồng thời, xem xét việc kết hợp giữa test nhanh và xét nghiệm PCR khẳng định để đảm bảo tính chính xác cao hơn.

Tất cả trong mã QR cá nhân

Bí thư Nên cũng cho rằng cần có sự đồng bộ khi thực hiện quy định trong công điện của Bộ Y tế về tăng cường phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với người trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh. 

Trong đó xem xét việc cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để sử dụng như giấy thông hành đi lại. Vì vậy, ông Nên đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các tỉnh thành cùng thực hiện công điện này. Trước đề nghị này, Bộ Y tế cam kết sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết về mặt công nghệ, tất cả người dân đều đã được cấp mã QR qua các ứng dụng khai báo y tế hay Bluezone hoặc NCOVI. Vì vậy, khi đi qua các điểm kiểm soát, người dân chỉ cần quét mã. 

Trong vòng 24 giờ tới, Bộ Thông tin – truyền thông cùng với Bộ Y tế sẽ tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin vào mã QR cá nhân. 

Bộ Thông tin – truyền thông đề nghị tất cả những người có nhu cầu ra vào TP.HCM bắt buộc khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm đầy đủ. Đối với công nhân ngoại tỉnh làm việc tại TP, TP sẽ có thỏa thuận cụ thể với các tỉnh lân cận.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng nếu thực hiện đúng những chỉ đạo về thực hiện tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin vào trong một mã QR cho người dân, vận tải hàng không cũng như đường bộ sẽ giảm, thậm chí không xảy ra ách tắc.

Không đóng cửa nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP.HCM - Ảnh 3.
Người ra vào TP.HCM phải lưu ý Những người từ các tỉnh thành đến TP.HCM và người từ TP.HCM đi ra các tỉnh thành phải xét nghiệm, khai báo y tế. Riêng người trong khu vực phong tỏa của TP.HCM (theo chỉ thị 16) đến các tỉnh thành khác còn buộc phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Thông tin từ cuộc họp ngày 5-7.
Theo Tiến Long – Thảo Lê (tuoitre online) https://tuoitre.vn/khong-dong-cua-nhung-se-kiem-soat-chat-che-nguoi-ra-vao-tp-hcm-20210705235736901.htm
998 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết