EU muốn tăng hiện diện ở Biển Đông

Theo đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans, một số đối tác châu Á muốn EU hiện diện nhiều hơn trong các vấn đề an ninh khu vực và đó cũng là mục tiêu mà khối này đang hướng tới.

EU muốn tăng hiện diện ở Biển Đông - Ảnh 1.
Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans (trái) trò chuyện với Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi trong buổi trình thư ủy nhiệm năm 2019 – Ảnh: ASEAN

Trung Quốc đã đẩy mạnh chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương, gây lo ngại không chỉ cho các nước láng giềng nhỏ hơn, mà còn cho Mỹ và Ấn Độ.

Nhật báo Ấn Độ Times of India viết ngày 26-4.

Theo TTXVN ngày 27-4, đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương ở Biển Đông trong thời gian qua như triển khai lực lượng trên các thực thể nhân tạo, quấy rối và đe dọa ngư dân và cố gắng áp đặt các địa giới hành chính mới, ám chỉ các hành động hung hăng của Trung Quốc ở khu vực gần đây.

Làm suy yếu lòng tin quốc tế

Đại sứ EU nhấn mạnh những hành động nói trên đã “làm gia tăng căng thẳng” và “hủy hoại” môi trường an ninh hàng hải trong khu vực, “đe dọa nghiêm trọng” đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực, đồng thời “làm suy yếu” hợp tác và lòng tin quốc tế giữa lúc thế giới đang cần những điều này để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Ông Driesmans lập luận những gì xảy ra ở Biển Đông cũng đều là vấn đề của thế giới bởi hơn 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu đi qua vùng biển này. Một số đối tác châu Á muốn nhìn thấy sự hiện diện nhiều hơn của EU trong khu vực và bản thân EU cũng đang mong muốn điều này thông qua theo đuổi các cơ chế đa phương do ASEAN làm trọng tâm như Diễn đàn khu vực ASEAN.

Đại diện EU tại ASEAN khẳng định EU đang hợp tác “chặt chẽ hơn bao giờ hết” với ASEAN và sẽ tiếp tục hỗ trợ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp, củng cố hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ với các bên thứ ba.

Ông Driesmans cũng gợi ý các bên ở Biển Đông có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba trong vai trò hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp. Vị đại sứ tỏ ra đầy ẩn ý khi cho biết EU có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các yêu sách lãnh thổ chồng chéo và “rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm này với các đối tác châu Á”.

Trung Quốc bất nhất với luật quốc tế

Thái độ của Bắc Kinh đối với luật quốc tế luôn thay đổi. Khi bị nhiều nước công kích và lên án, Trung Quốc sử dụng luật quốc tế để phản pháo nhưng khi thúc đẩy các yêu sách vô lý ở Biển Đông, Trung Quốc lập tức ngó lơ, thậm chí diễn giải lại luật quốc tế theo hướng có lợi cho mình.

Giới học giả tự hỏi liệu luật quốc tế có còn quan trọng với Trung Quốc? Câu trả lời là vẫn còn, nhưng tùy thời điểm và vấn đề là gì. Những người theo xu hướng hiện thực từ lâu đã nói về việc luật chơi do các nước lớn đặt ra. 

Trung Quốc có lẽ vẫn chưa đủ sức để làm điều đó nhưng đang lợi dụng những kẽ hở của luật quốc tế để diễn giải lại các điều luật nhằm phục vụ cho mưu đồ của mình. Trong số này có cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Có một điểm đáng chú ý là từ sau khi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” – cơ sở của đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vẽ trên Biển Đông – bị Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (gọi tắt là tòa PCA) bác bỏ năm 2016, Bắc Kinh đã bắt đầu diễn giải và biện minh cho các hành động của mình bằng các điều luật, nguyên tắc quốc tế. Các tiếng nói của học giả được sử dụng nhiều hơn, với những câu chữ được tính toán kỹ để ra vẻ Trung Quốc là một nước thượng tôn luật pháp.

Chẳng hạn theo trang Modern Diplomacy, vào tháng 6-2018, Hiệp hội luật quốc tế Trung Quốc đã cho công bố công trình nghiên cứu dài 500 trang bằng tiếng Anh trong đó viện dẫn nhiều thuật ngữ, điều luật quốc tế để chứng minh tòa PCA không có thẩm quyền xử lý vụ kiện do Philippines đệ trình. Nhóm học giả Trung Quốc cũng cáo buộc tòa PCA vi phạm nguyên tắc “non ultra petita”, tức ra phán quyết về các vấn đề không nằm trong đơn kiện của Philippines.

Hay trong một bài viết hồi tháng 3 năm nay trên tờ Jakarta Post, giáo sư Lei Xiaolu của Đại học Vũ Hán khẳng định ngư dân Trung Quốc có quyền đánh bắt cá trong vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia. 

Thay vì lập luận vùng biển này nằm trong đường 9 đoạn vốn luôn mơ hồ và bị chỉ trích mạnh mẽ, bà Lei đã biện minh bằng “quyền đánh bắt hải sản truyền thống” được quy định trong điều 51 của UNCLOS. Mặc dù vậy, bà này lại quên rằng Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo nên không thể đòi hỏi các quyền như trong điều 51 quy định.

Nói như một nhà quan sát, thái độ của Trung Quốc đối với luật quốc tế rất bất nhất và họ chỉ chọn những điều luật có lợi cho mình để tuân thủ. Ngược lại, khi có nhiều điều luật cùng chống lại những điều vô lý mà Bắc Kinh tự vẽ ra, họ vẫn bất chấp xem như không có.

Cần tiếng nói phản đối chung Rõ ràng tình trạng vô chính phủ trong quan hệ quốc tế đã dẫn tới sự tương đối trong việc thực thi luật quốc tế. Việc thiếu vắng một thể chế đứng trên tất cả các quốc gia, có quyền điều chỉnh, phán xét và chế tài các quốc gia vi phạm đã dẫn tới sự coi thường luật quốc tế của một số nước. Chỉ có cách các nước cùng lên tiếng chống lại hành vi sai trái đó thì luật quốc tế mới tiếp tục được tôn trọng, bởi lẽ bất kỳ quốc gia nào cũng có thể trở thành nạn nhân kế tiếp của sự bất tuân luật pháp quốc tế.

Theo DUY LINH

https://tuoitre.vn/eu-muon-tang-hien-dien-o-bien-dong-20200428074242157.htm
5,335 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết