Chuẩn bị 'mở cửa' lại bầu trời: Đổi cách xét nghiệm, giảm cách ly

Ngày 15-9, Việt Nam sẽ chính thức “mở cửa” lại bầu trời sau gần 6 tháng (từ cuối tháng 3-2020), mối quan tâm lớn nhất là làm sao “mở cửa” nhưng vẫn an toàn, giảm thiểu tối đa nguồn lây nhiễm.

Chuẩn bị mở cửa lại bầu trời: Đổi cách xét nghiệm, giảm cách ly - Ảnh 1.
 

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm virus corona cho người dân Đà Nẵng – Ảnh: TẤN LỰC

Mối quan tâm trên được đặt ra khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khá phức tạp trên toàn thế giới, nhiều quốc gia lân cận có tình trạng dịch tái xuất hiện. Một trong những biện pháp đang được triển khai là xây dựng chiến lược xét nghiệm mới để giảm số người phải cách ly. Không cách ly cả khu vực, không cách ly tất cả mọi người từ nước ngoài về trong 14 ngày như đã áp dụng.

Dịch vụ xét nghiệm

Ngày 15-9, các chuyến bay thương mại giữa VN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được mở lại và sau đó một tuần, ngày 22-9 tiếp tục với các chuyến bay đi và đến Lào, Campuchia, Đài Loan. Với việc mở lại các đường bay, trong tháng đầu tiên sẽ có 20.000 khách nước ngoài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ một khái niệm mới là “thay đổi chiến lược xét nghiệm”, để khi mở cửa lại bầu trời không làm phát sinh ổ dịch mới như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia mới đây, có 3 doanh nghiệp tham dự để bàn phương án xã hội hóa dịch vụ xét nghiệm khi bay quốc tế trở lại. Trong đó có 2 doanh nghiệp đều đã cung cấp test xét nghiệm Realtime PCR trong giai đoạn vừa qua. Các doanh nghiệp này được mời đến bàn về khả năng cung cấp loại test nhanh, đồng thời tổ chức cả dịch vụ xét nghiệm tại các sân bay, cửa khẩu.

Một doanh nghiệp cho biết hiện có gần 20 quốc gia đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại sân bay, trong đó có gần 10 nước châu Âu, ở châu Á có Philippines, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Tại các quốc gia này, phần lớn xét nghiệm được làm luôn tại khu cách ly tạm thời ở sân bay, thời gian hành khách chờ lấy kết quả là 6-24 giờ. Nếu hành khách muốn kết quả nhanh hơn thì trả phí cao hơn.

Chuẩn bị mở cửa lại bầu trời: Đổi cách xét nghiệm, giảm cách ly - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm hành khách tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) giữa tháng 4-2020 – Ảnh: Văn Bình

“Giai đoạn vừa rồi chúng tôi hỗ trợ Hà Nội và Đà Nẵng xét nghiệm với hiệu quả tốt và hoàn toàn đủ khả năng trả kết quả 5.000 mẫu/giờ. Trong giai đoạn đầu tiên mở cửa đường bay, tổng số kết quả trả mỗi ngày sẽ khoảng 50.000 mẫu. Về lâu dài, khi tổ chức xét nghiệm cả sân bay, cửa khẩu đường bộ, có thể sử dụng phương pháp trộn mẫu và trả được 250.000 kết quả/ngày” – đại diện doanh nghiệp kể trên cho biết.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, hiện có 3 phương pháp xét nghiệm COVID-19 là Realtime PCR (cho kết quả sau 3 giờ), xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm nhanh kháng thể (cho kết quả sau 30 phút – 1 giờ).

Trong 3 phương pháp này, xét nghiệm nhanh kháng thể có hiệu quả đối với người đã tiếp xúc với nguồn bệnh từ 7 ngày trở lên, không phát hiện được bệnh trong thời gian ủ bệnh nên không ưu tiên sử dụng tại sân bay, cửa khẩu mà ưu tiên sử dụng Realtime PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Ở giai đoạn đầu, mỗi tuần có khoảng 5.000 hành khách nhập cảnh, ông Sơn cho rằng có thể sử dụng Realtime PCR và trả kết quả sau khoảng 4 giờ. Hành khách âm tính có thể về nhà hoặc nơi lưu trú ngay sau đó, hành khách dương tính về khu cách ly điều trị. Phí dịch vụ xét nghiệm hành khách sẽ chi trả cho doanh nghiệp tổ chức dịch vụ.

Hiện có nhiều phương án về mức phí được gửi đến nhà chức trách để xem xét, quyết định nhưng tối đa có thể tương đương mức phí bảo hiểm y tế đang trả cho xét nghiệm Realtime PCR hiện nay là 734.000 đồng/mẫu.

Giảm chi phí xét nghiệm, giảm cách ly

Từ kinh nghiệm tại Đà Nẵng thời gian qua, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã sử dụng phương pháp trộn mẫu, giúp giảm chi phí xét nghiệm và tăng số lượng xét nghiệm trả được trong ngày. Theo chuyên gia, hành khách nhập cảnh (diện công tác, làm việc, người Việt về nước…) thuộc đối tượng nguy cơ thấp, hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp trộn mẫu này.

Trở lại thời điểm 1-8, Đà Nẵng đã phê duyệt phương án tổ chức xét nghiệm COVID-19, ông Lê Thành Chung – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng – cho hay việc áp dụng xét nghiệm gộp từ 3-5 mẫu (theo nhóm) vừa bảo đảm yêu cầu về độ chính xác, vừa rút ngắn thời gian lại vừa tiết kiệm tối đa sinh phẩm trong bối cảnh phải làm diện rộng.

Một đại diện Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết khi số ca mắc COVID-19 về không, Đà Nẵng lại tiếp tục triển khai xét nghiệm theo diện hộ gia đình trên toàn TP để sớm có cơ sở mở cửa lại. Lúc này nguy cơ tương đối thấp, cho nên nếu lấy theo đại diện gia đình lại ít tốn kém, vừa nhanh mà coi như tầm soát được toàn diện TP và tiếp tục sử dụng phương pháp này.

“Đó là một sự tính toán vừa tiết kiệm từ thời gian, nhân lực chi phí mà mang đến hiệu quả nhất” – vị đại diện này nói.

Chuẩn bị mở cửa lại bầu trời: Đổi cách xét nghiệm, giảm cách ly - Ảnh 3.

Xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – Ảnh: D.PHAN

Cụ thể, các kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ lấy mẫu bằng que lấy mẫu hầu họng, nhúng 5 que vào 1 ống dung dịch, thay cho cách nhúng từng mẫu vào 1 ống riêng sẽ dẫn đến mẫu bị pha loãng và gây tình trạng âm tính giả (do phương pháp xét nghiệm Realtime PCR phát hiện được mẫu dương tính khi chứa từ 5 virus, nhưng nếu mẫu bị pha loãng, khả năng phát hiện sẽ giảm đi).

Trường hợp mẫu trộn phát hiện dương tính sẽ tách mẫu để xét nghiệm lại. Như vậy những trường hợp xét nghiệm bằng mẫu trộn (chi phí rẻ hơn) nhưng nếu dương tính sẽ phải chờ thêm 180 phút để xét nghiệm lại. Những người này phải chờ tối đa 360 phút, vẫn hiệu quả hơn so với cách ly tập trung 14 ngày.

Dịch COVID-19 đã kéo dài gần 8 tháng ở VN. Ở giai đoạn đầu, Bộ Y tế đã quyết định cách ly cả những khu vực hàng chục ngàn dân để khống chế ổ dịch nhưng thời gian gần đây chỉ cách ly những khu vực nhỏ sát vùng có ổ dịch, như cách ly tổ dân phố, cách ly một đoạn trong khu phố…

Thay đổi về cách ly và lần này cũng thay đổi về chiến lược xét nghiệm hi vọng việc mở cửa lần này sẽ giúp VN thực hiện tốt 2 mục tiêu phát triển kinh tế và phòng dịch.

180 phút xét nghiệm, không phải cách ly 14 ngày

Để thực hiện xét nghiệm tại sân bay và cửa khẩu, các đơn vị tham gia sẽ lắp đặt phòng lab, trong đó có tủ an toàn sinh học cấp 2 tại đây, đồng thời thiết lập khu cách ly tại sân bay để tổ chức lấy mẫu và chờ xét nghiệm.

Sau khi được lấy mẫu, hành khách sẽ phải chờ 180 phút để nhận kết quả với xét nghiệm Realtime PCR, với test nhanh, kết quả sẽ được trả trong vòng 1 giờ. “Test nhanh có ưu điểm hơn về thời gian, nhưng độ nhạy không bằng Realtime PCR nên không sử dụng được phương pháp gộp mẫu. Nếu sử dụng phương pháp Realtime PCR gộp mẫu thì chi phí sẽ rẻ hơn so với cả test nhanh, chi phí chỉ khoảng 4 USD/mẫu.

Với cách xét nghiệm này, thay vì chính sách cách ly 14 ngày với nhiều người tham gia quản lý thì xét nghiệm tại sân bay hành khách chỉ cần chờ đợi 180 phút” – đại diện một đơn vị mong muốn tham gia xét nghiệm nói.

Tính từ tháng 2-2020 đã có nhiều quyết định cách ly xã hội ở nhiều vùng địa lý để truy tìm nguồn lây như xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hơn 10.000 dân; xã Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội); phố Trúc Bạch (Hà Nội), 3 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng, 1 khu phố ở Phan Thiết (Bình Thuận)…

Ở phạm vi lớn hơn, cả nước từng cách ly xã hội 15 ngày, ở đợt dịch thứ 2, nhiều TP như Đà Nẵng, một phần tỉnh Quảng Nam, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)… cũng phải thực hiện cách ly xã hội.

Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ – cho biết hiện tại trung tâm vẫn chưa nhận được chỉ đạo mới về việc thực hiện xét nghiệm với hành khách nhập cảnh tại sân bay Cần Thơ từ ngày 15-12.

Tuy nhiên, Cần Thơ hiện có 3 cơ sở thực hiện xét nghiệm sàng lọc và phòng xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cũng đang tiến hành các thủ tục gửi Bộ Y tế để thẩm định điều kiện xét nghiệm khẳng định COVID-19.

“Về sinh phẩm xét nghiệm, dụng cụ test nhanh COVID-19, Cần Thơ luôn trong tư thế sẵn sàng không chỉ đảm bảo cho xét nghiệm tại địa phương, hiện Sở Y tế Cần Thơ đang đề xuất mua thêm sinh phẩm xét nghiệm trong tư thế sẵn sàng chi viện, hỗ trợ khi nhận được chỉ đạo hoặc đề xuất hỗ trợ” – bác sĩ Trúc nói.

T.LŨY

Hơn 6 tháng sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đại dịch COVID-19, nhiều nước đã xây dựng, điều chỉnh cách thức xét nghiệm, cách ly cho phù hợp với tình hình mới.
corona pháp xếp hàng chờ xét nghiệm 11920 reuters 1(read-only)

Người dân Paris (Pháp) xếp hàng chờ xét nghiệm – Ảnh: Reuters

* Pháp: chỉ còn cách ly 7 ngày

Chính phủ Pháp ngày 11-9 đã công bố các biện pháp mới giúp xử lý cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm cũng như số người nhập viện điều trị căn bệnh này đang tăng lên.

Thủ tướng Jean Castex thông báo giảm thời gian tự cách ly với những người nghi nhiễm COVID-19 từ 14 ngày xuống còn 7 ngày bởi vì đây là khoảng thời gian “có nguy cơ lây nhiễm thực sự” và để đảm bảo việc thực thi biện pháp tự cách ly một cách hiệu quả hơn. Tuần này, các quan chức ngành y tế Pháp đã tranh cãi rằng thời hạn cách ly 14 ngày không được nhiều người trong nước tuân thủ vì quá dài, theo AP.

Ngoài ra, ông Castex cũng tuyên bố các trung tâm xét nghiệm đặc biệt sẽ ưu tiên trả kết quả cho những người có triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với những người đã có kết quả dương tính hoặc nhân viên y tế.

Trước đó, truyền thông Pháp đã chỉ trích việc chính phủ cam kết tiến hành 1 triệu xét nghiệm COVID-19 một tuần. Cam kết này dẫn đến tình trạng nhiều hàng dài người xếp hàng trong khoảng thời gian dài để được xét nghiệm, trong khi kết quả phải mất nhiều ngày mới có.

* Nhật Bản: xét nghiệm ở sân bay để đón khách

Các sân bay tại thủ đô Nhật đã bắt đầu thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên đối với du khách quốc tế với kết quả có trong vòng 1 giờ từ tháng 8-2020, giúp tăng gấp đôi năng lực xét nghiệm, theo Nikkei Asian Review.

Trước đó, hai sân bay Haneda và Narita tại Tokyo đã dựa vào xét nghiệm PCR để sàng lọc các ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, xét nghiệm PCR cần 2 ngày mới có kết quả. Bộ Y tế Nhật cho biết sẽ nâng cao công suất xét nghiệm của sân bay Haneda lên 3.800 lượt/ngày để mở rộng lượng du khách quốc tế. Sân bay Narita cũng chuyển sang xét nghiệm kháng nguyên từ tháng 8 trong khi sân bay Kansai gần Osaka áp dụng trong tháng 9.

* Hàn Quốc: đi bộ đến điểm lấy mẫu xét nghiệm

Hàn Quốc từng là quốc gia thành công trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng trong nước nhờ hệ thống truy vết các ca tiếp xúc với ca bệnh COVID-19 nhanh chóng và hiệu quả cao, cũng như việc xét nghiệm diện rộng với nhiều trung tâm xét nghiệm trên cả nước.

Theo Hãng tin ABC News, tại Hàn Quốc, một người khi nhận thấy họ có triệu chứng COVID-19 thì họ sẽ gọi đến đường dây nóng COVID-19 để nhận thông tin về các điểm xét nghiệm ở địa phương, đi bộ đến địa điểm gần nhất, thăm khám gọn nhẹ với bác sĩ và được lấy dịch mũi hoặc họng.

Toàn bộ quá trình này diễn ra chưa đầy 30 phút. Cuối buổi tối hôm đó kết quả xét nghiệm sẽ gửi cho người này qua tin nhắn. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng nhanh chóng truy vết và khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh, cách ly họ ngay lập tức.

ANH THƯ

Sau 6 tháng công bố đại dịch: số ca nhiễm tăng 237 lần

Ngày 11-3-2020, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Lúc bấy giờ, trên thế giới có hơn 120.500 ca nhiễm. Tuy nhiên 6 tháng sau, số người mắc COVID-19 toàn cầu đã tăng lên đến hơn 28,6 triệu người, theo trang worldometers.info.

Theo LAN ANH – TRƯỜNG TRUNG

https://tuoitre.vn/chuan-bi-mo-cua-lai-bau-troi-doi-cach-xet-nghiem-giam-cach-ly-20200913080734121.htm
1,026 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết