Cảm ơn Việt Nam từ tận đáy lòng!

Sau 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân COVID-19 ca thứ 91 (phi công người Anh) chính thức xuất viện trở về Anh ngày 11-7. Ông đã đi qua trọn một vòng tử – sinh với sự tận tâm ở Việt Nam.

Cảm ơn Việt Nam từ tận đáy lòng! - Ảnh 1.

Đại diện Bộ Y tế, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới bên bệnh nhân 91 ngày ra viện 11-7 – Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy

Sáng qua 11-7, bệnh nhân 91 ngồi trên xe lăn với khuôn mặt tươi tỉnh đón nhận hoa và giấy ra viện từ tay của PGS.TS Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cùng lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông chia sẻ rằng từng đến rất nhiều nơi nhưng đặc biệt ấn tượng với sự hiếu khách của người dân Việt Nam.

Cảm ơn Việt Nam từ tận đáy lòng! - Ảnh 2.

Chiều 11-7, bệnh nhân 91 rời Bệnh viện Chợ Rẫy để chuẩn bị hành trình trở về nước – Ảnh: DUYÊN PHAN

Chào tạm biệt

Bệnh nhân người Anh cho biết ông rất cảm kích trước sự tận tình, chuyên nghiệp của đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

“Vào viện là điều không ai muốn nhưng dù sao tôi cũng đã ở đây. Tôi muốn nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người vì những việc họ đã làm cho tôi. Trở về nhà là một niềm vui nhưng có lẽ cũng là một nỗi buồn bởi đến lúc tôi phải chia tay với những người nơi đây, những người tôi coi như là bạn” – ông tâm sự.

Trong dòng người có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy để chào tạm biệt bệnh nhân 91 về quê hương, ngoài sự hiện diện của đại diện Bộ Y tế, Tổng lãnh sự Anh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Phòng khám Gia đình (đơn vị trực tiếp vận chuyển bệnh nhân về nước)… còn có các phi công trong đoàn bay 919 Vietnam Airlines. Họ là đồng nghiệp của bệnh nhân 91.

Phó trưởng đoàn bay 919 nói rất vui mừng, vinh dự khi được đến tận bệnh viện để đón đồng nghiệp của mình về nước, điều mà trước đó cứ ngỡ không thể xảy ra. 

Những ngày đầu, khi biết đồng nghiệp của mình nhiễm virus corona, tình trạng ngày càng xấu đi, mọi người vô cùng lo lắng. Họ làm đủ cách, như lập cả nhóm để động viên đồng nghiệp yên tâm điều trị, rồi được sự hỗ trợ tận tình từ phía bệnh viện họ còn chuyển tới đồng nghiệp những kỷ vật quen thuộc, món ăn ưa thích.

“Với sự nỗ lực của hai bệnh viện và cả ngành y tế đã mang tới điều kỳ diệu cho đồng nghiệp của chúng tôi. Với kế hoạch về nước được chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi rất tin tưởng chuyến bay sẽ đảm bảo an toàn” – đại diện đoàn bay 919 bày tỏ và cho biết bệnh nhân 91 sẽ về quê hương trên chính chiếc máy bay mà anh từng cầm lái.

Gần hai tháng túc trực bên bệnh nhân đặc biệt này, mái tóc của bác sĩ Trần Thanh Linh – phó khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy – dần điểm bạc. Anh được giao là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91 từ ngày đầu. 

Trong cảm nhận của bác sĩ Linh, quá trình điều trị cho bệnh nhân 91 giống như một chuyến bay dài, vốn là nghề nghiệp của phi công người Anh. Trong đó, người bệnh trải qua hai giai đoạn quan trọng là từ khi vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (18-3) và sau đó được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy (22-5).

“Suốt quá trình ấy, người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ bệnh nhân có thể hồi sinh ngoạn mục như thế. Trải qua nhiều lần thót tim, cho đến ngày 12-6 lần đầu tiên bệnh nhân cai được máy thở, câu đầu tiên ông ấy nói ra là ‘thật tuyệt vời’, lúc đó êkip điều trị như được tiếp thêm động lực để điều trị đến cùng” – bác sĩ Linh nhớ lại.

 
Cảm ơn Việt Nam từ tận đáy lòng! - Ảnh 3.

Nỗ lực được đền đáp

Cho đến ngày hôm nay, bệnh nhân 91 là ca bệnh nhiễm COVID-19 nặng nhất và có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam. Để neo sự sống cho ông, cả ngành y tế Việt Nam phải huy động lực lượng chuyên gia đông đảo, giàu kinh nghiệm nhất của tất cả các chuyên khoa. Và đặc biệt phải trải qua sáu cuộc hội chẩn cấp quốc gia để đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Ông Lương Ngọc Khuê khẳng định với việc mới chỉ phát sinh 369 ca nhiễm COVID-19, gần 90 ngày không có ca bệnh mới và đặc biệt bệnh nhân 91 được xuất viện sau 115 ngày điều trị là tin vui rất lớn với những người thầy thuốc và cả ngành y tế Việt Nam.

Theo ông Khuê, khác hẳn với các loại bệnh khác, riêng COVID-19 là bệnh mới chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắcxin phòng ngừa. Do đó, trong suốt quá trình điều trị các bác sĩ vừa phải mò mẫm “dò đường”, cập nhật tài liệu tìm ra các phương án tối ưu để điều trị cho bệnh nhân được tốt nhất. 

“Với lương tâm nghề nghiệp của một người thầy thuốc, tất cả mọi người bệnh đều phải cứu chữa như nhau với một quyết tâm còn nước còn tát. Và sự nỗ lực ấy đã được đền đáp, không gì vui hơn với người thầy thuốc khi được nhìn thấy bệnh nhân khỏi bệnh” – ông Khuê chia sẻ.

Có mặt trong ngày bệnh nhân 91 xuất viện, ông Ian Gibbons – tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM – chia sẻ ông rất ấn tượng với nỗ lực của cả ngành y tế, Chính phủ Việt Nam trong suốt hành trình phòng chống COVID-19. Và càng vui mừng khi biết rằng cho đến nay Việt Nam không có ca tử vong nào do COVID-19.

“Không chỉ bệnh nhân 91, có rất nhiều công dân Anh được ngành y tế Việt Nam quan tâm chu đáo trong việc cách ly, điều trị. Họ đều tỏ lòng biết ơn Việt Nam” – ông Ian Gibbons chia sẻ. Khẳng định hành trình cứu sống bệnh nhân 91 là sự nỗ lực rất lớn của cả ngành y tế, của Chính phủ Việt Nam, ông Ian Gibbons nói: “Tôi xin được mượn lời của bệnh nhân phi công 91: Cảm ơn Việt Nam từ tận đáy lòng!”.

Cảm ơn Việt Nam từ tận đáy lòng! - Ảnh 4.

Đồng nghiệp của bệnh nhân 91 tặng hoa cảm ơn bác sĩ Trần Thanh Linh – phó khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh: DUYÊN PHAN

Cảm ơn Việt Nam từ tận đáy lòng! - Ảnh 5.

Ông Ian Gibbons – tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM – bắt tay cảm ơn ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – Ảnh: DUYÊN PHAN

Chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm đưa bệnh nhân về nước Chiều 11-7, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với Phòng khám Gia đình đã làm thủ tục bàn giao để bệnh nhân người Anh lên chuyến bay Boeing dòng 787-10 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM ra Hà Nội lúc 19h. Đến 23h, chuyến bay xuất phát từ sân bay Nội Bài, quá cảnh tại sân bay Frankfurt (Đức), đưa bệnh nhân về Anh. Đây là loại máy bay hiện đại nhất và có kích thước lớn nhất được khai thác tại Việt Nam hiện nay và cũng chính là chiếc máy bay mà viên phi công người Anh từng cầm lái. Đại diện Phòng khám Gia đình, đơn vị vận chuyển bệnh nhân 91, cho rằng đây là ca bệnh phức tạp, do đó việc vận chuyển rất phức tạp. Tuy nhiên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm nên rất tin tưởng. “Đây là vinh dự rất lớn và chúng tôi xin hứa không làm các bạn thất vọng. Tôi hiểu rằng đối với bệnh nhân 91, được ra viện là điều rất tốt và để trở về với cuộc sống đời thường là một hành trình dài phía trước cần có sự nỗ lực rất lớn” – đại diện Phòng khám Gia đình nói.

Theo HOÀNG LỘC

https://tuoitre.vn/cam-on-viet-nam-tu-tan-day-long-20200711231251551.htm
1,918 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết