Các bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm, phun hóa chất tiêu độc tại ổ dịch xã Quảng Hòa, Đắk Glong, Đắk Nông – Ảnh: TÂM AN
Tỉ lệ tiêm chủng cực thấp
Nói thêm về vấn đề này, ông Trịnh Quang Trí – phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk – cho biết tỉ lệ tiêm chủng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Mông ở Đắk Lắk cũng cực thấp.
Cấp trên luôn giao chỉ tiêu tiêm chủng cho các cấp cơ sở phải đạt trên 95% để phòng tránh các bệnh lây nhiễm, tuy nhiên việc vận động ở địa phương thực tế rất khó khăn.
Từ năm 2013, Chính phủ đã có nghị định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định xử phạt người không chấp hành việc tiêm chủng, phòng bệnh lây nhiễm. Nhưng thực tế các địa phương, trong đó có Đắk Lắk không xử phạt được trường hợp nào. “Người dân không hợp tác thì không thể đè họ ra mà tiêm được. Vậy nên chỉ còn cách vận động, tuyên truyền, kết hợp với địa phương để người dân hợp tác”, ông Trí nói.
Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Huynh – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong – cho biết các trường hợp ký giấy không đồng ý tiêm chủng đã có từ rất lâu.
“Việc để người dân ký giấy từ chối tiêm là bất đắc dĩ và tôi yêu cầu các trạm y tế xã cần thận trọng. Nhân viên phải tăng cường vận động chứ không thể đổ lỗi người dân từ chối tiêm là xong”, ông Huynh khẳng định. “Và việc viết giấy cam kết chỉ là tình huống tạm thời, không đại trà, không in sẵn phiếu hàng loạt mà chỉ sử dụng cho những người dân cá biệt, làm cơ sở để địa phương có thêm giải pháp tuyên truyền, vận động cho phù hợp”, ông Huynh nói.
Chỉ còn biết “mưa dầm thấm lâu”
Về giải pháp, ông Huynh cho rằng những người Mông sống rất rải rác và có tập quán đẻ đông con mà việc nuôi con đều do phụ nữ. Đàn ông đi làm rẫy, có khi cả tuần mới về, phụ nữ người Mông lại thường không hiểu tiếng Kinh nên khi nhân viên đến vận động, tuyên truyền họ không hiểu.
“Chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên Huyện ủy, UBND huyện Đắk Glong và Sở Y tế, trong đó có đề ra một số giải pháp như tiếp cận người dân cần thông qua các mục sư, trưởng nhóm cầu nguyện, già làng, người có uy tín tại các thôn, cụm dân cư để tuyên truyền, thuyết phục người dân tình nguyện tiêm chủng. Ngoài ra, tới đây chúng tôi sẽ không tuyên truyền dồn dập mà kết hợp sẽ thay đổi hình thức, nội dung tuyên truyền để người dân từ từ hiểu ý nghĩa công tác tiêm chủng của ngành”, ông Huynh đề xuất.
Theo ông Trịnh Quang Trí, địa phương này cũng đã lập kế hoạch tuyên truyền để nâng tỉ lệ tiêm chủng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, ngoài việc nhờ các chức sắc tôn giáo tuyên truyền, tác động thì cũng in thêm các tờ rơi, ápphích truyền thông về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng có vắcxin phòng bệnh.
“Về tuyên truyền bằng âm thanh, hình ảnh, chúng tôi dự kiến sẽ phát 6 thứ tiếng như Ê Đê, M’Nông, Mông… ở những khu vực đặc thù để người dân hiểu, hợp tác”, ông Trí nói.
Cần tăng kinh phí cho công tác dự phòng
Cũng theo ông Trí, hiện nay công tác tiêm chủng mở rộng đang gặp khó cả từ sự thiếu hợp tác của người dân đến nguồn kinh phí để thực hiện công tác này rất hạn hẹp. Từ lâu, trung ương chỉ tài trợ vắcxin và kim, ống tiêm, kinh phí tổ chức tiêm do địa phương lo.
Ông Trí ví dụ, sắp tới đây Chính phủ, Bộ Y tế sẽ cấp 11 triệu liều vắcxin uốn ván – bạch hầu (Td) để tiêm cho người dân từ 2 tháng tuổi đến 40 tuổi tại Tây Nguyên.
Như vậy, chỉ tính riêng đợt này, Đắk Lắk phải chi thêm khoảng 30 tỉ đồng để thực hiện chiến dịch tiêm phòng uốn ván – bạch hầu cho khoảng 1,4 triệu dân, chưa biết sẽ lấy từ nguồn nào.
Tây Nguyên có 80 ca bệnh bạch hầu
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 13-7 cho hay 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk) tiếp tục có thêm ca mắc bạch hầu mới, số mắc cho đến nay đã là 80 người, gấp 4 so với trung bình hằng năm của toàn quốc.
“Năm 2019 dịch chỉ xuất hiện tại tỉnh Đắk Lắk. Nhưng năm nay cả 4 tỉnh Tây Nguyên đều có bệnh nhân và số ca mắc vẫn đang tăng”- đại diện Bộ Y tế cho biết.
Hiện có trên 23.000 liều vắcxin có thành phần ngừa bạch hầu đã được cấp cho khu vực Tây Nguyên ngay sau khi dịch xảy ra. Các địa phương vùng dịch vẫn đang triển khai tiêm chủng, bên cạnh vắcxin phục vụ chiến dịch tiêm ngừa bạch hầu (tiêm trên 10 triệu liều vắcxin cho 4,7 triệu người) cũng đang được triển khai.
Trước tình trạng người dân một số vùng có dịch không chịu tiêm chủng, ngành y tế yêu cầu phải viết cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm.
Cục Y tế dự phòng cho biết chiến dịch tiêm ngừa được tổ chức để bảo đảm phòng bệnh toàn dân, nếu người dân nào có chỉ định tiêm ngừa nhưng từ chối tiêm thì cán bộ y tế phải vận động để họ hiểu được ý nghĩa của chiến dịch và tham gia tiêm ngừa.
Chiến dịch tiêm ngừa vắcxin phòng bạch hầu lần này, Bộ Y tế đặt mục tiêu tiêm cho trên 90% người trong diện tham gia tiêm chủng. Qua theo dõi thời gian qua, đa số ca mắc bạch hầu là trẻ lớn trên 7 tuổi và có cả người lớn, trong đó có cả bệnh nhân đã 60 tuổi.
L.ANH