Ông Kidong Park, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến – Ảnh: QUANG HÙNG
Theo bộ trưởng Bộ Y tế, biến thể của virus corona mới xuất hiện tại Anh có thể làm tăng mức độ lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19 lên tới 70%. Tuy nhiên, chủng virus này chưa có dấu hiệu làm tăng số ca bệnh nặng và tử vong.
Trước đây khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, giới chức y tế Việt Nam từng ghi nhận chủng virus gây bệnh COVID-19 đã biến thể. Trước đó chủng này đã xuất hiện tại khu vực Nam Á với tốc độ lây lan không lớn bằng sự biến chủng của virus tại Anh, nhưng đã gây nhiều khó khăn cho Việt Nam trong đối phó với dịch bệnh.
Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm chủng virus mới đang xuất hiện tại Anh. Đến 23-12 là 21 ngày chưa ghi nhận thêm ca bệnh tại cộng đồng sau chùm 4 ca mắc tại TP.HCM hồi đầu tháng 12.
Ông Đặng Quang Tấn, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn trang thiết bị chống dịch, tăng cường giám sát tại khu cách ly. Tiếp viên hàng không và các tổ bay đều phải cách ly đủ 14 ngày (bao gồm cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú). Sở Y tế Hà Nội đề nghị không cách ly tại chung cư đông người, không đảm bảo điều kiện.
Ngày 23-12, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 mới. Bệnh nhân nữ mới từ Mỹ về, được cách ly ngay và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Đây là ca mắc thứ 1.421 tại Việt Nam tính từ đầu vụ dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phát động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27-12 tại Việt Nam, theo tinh thần nghị quyết ngày 7-12 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và khu vực, các cá nhân tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh hằng năm nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa, chuẩn bị và hợp tác ứng phó với dịch bệnh.
Ngày 27-12 được chọn làm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, được chọn theo ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế dự phòng. Theo Bộ Y tế, các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều người trên toàn thế giới.
Theo LAN ANH