Xét nghiệm gộp thần tốc, Đà Nẵng khống chế dịch

Trải qua hai lần bùng phát dịch với số lượng ca nhiễm lớn, trong đó nhiều ca nhiễm ở bệnh viện và khu công nghiệp, Đà Nẵng đã tổ chức truy vết cấp với mô hình ra sao?

Xét nghiệm gộp thần tốc, Đà Nẵng khống chế dịch - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đợt dịch giữa năm 2020 cũng như lần này, khi đứng trước nguy cơ dịch lan rộng, lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết định xét nghiệm gộp để đẩy nhanh việc truy vết. Xét nghiệm gộp tốn kém ít vật tư thiết bị, chi phí giảm xuống 20 lần so với thông thường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Chinh – phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – nói: “Nhờ xét nghiệm gộp và cách làm quyết liệt, đến nay Đà Nẵng đã cơ bản khống chế được dịch”.

Xét nghiệm cho từng đại diện hộ gia đình

* Thưa ông, chỉ trong 3 ngày vừa qua thành phố đã xét nghiệm hơn 80.000 người đại diện các hộ gia đình nhưng chỉ phát hiện 1 ca mắc trong cộng đồng. Đây là một tỉ lệ rất nhỏ nếu tính cả số lượng người mà 80.000 người này đại diện. Vậy thành phố có thể an tâm rằng dịch đã được kiểm soát tốt hay chưa?

– Trước hết phải khẳng định thành phố đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Điều này có thể được nhìn thấy bằng những kết quả rất cụ thể.

Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, thành phố đã họp khẩn, nhanh chóng triển khai các biện pháp giãn cách như tạm ngừng bán hàng tại chỗ, các hoạt động tập trung đông người, dừng tắm biển… Cùng với đó, công tác khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm đã được triển khai một cách quyết liệt.

Thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay góp sức khẩn trương thực hiện truy vết để cách ly, xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân, cung cấp thông tin dịch tễ của bệnh nhân đến các tỉnh, thành phố liên quan để phối hợp trong công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Đơn cử như ngày 11-5, ngay sau khi phát hiện ca N.T.N. (ca bệnh số 3545, là nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ Trường Minh), thành phố đã nhanh chóng truy vết, xét nghiệm cho 128 nhân viên, người lao động của Công ty Trường Minh, cho kết quả 33 người dương tính cùng ngày.

Xác định khu công nghiệp (KCN) là một nơi hết sức trọng yếu, lãnh đạo thành phố đã họp khẩn và yêu cầu các đơn vị chức năng ngay lập tức triển khai các hoạt động trong đêm 11-5 đến sáng 12-5.

Ngay lập tức tổ chức phong tỏa tạm thời KCN và 4 cụm dân cư xung quanh. Lập 34 chốt chặn, kiểm soát y tế, dịch bệnh tại các khu dân cư liên quan đến 34 ca dương tính (kể cả ca 3545). Thiết lập thêm 1 khu cách ly tập trung F1 tại quận Sơn Trà với 155 giường để kịp thời đáp ứng tập trung F1.

Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm cho 660 mẫu tại 4 cụm dân cư xung quanh KCN, lấy mẫu và xét nghiệm cho gần 4.500 trường hợp liên quan tại 34 chốt kiểm soát tại khu dân cư liên quan. Ngay sáng hôm sau, tiến hành lấy mẫu toàn bộ gần 8.000 công nhân, người lao động làm việc tại KCN.

Sau gần ba tuần triển khai các biện pháp tích cực, số ca bệnh phát hiện mới đã giảm hẳn. Số xét nghiệm luôn đạt trên 20.000 trường hợp/ngày, có ngày lên đến gần 37.000 trường hợp, nhưng chỉ phát hiện thêm 1, 2 ca bệnh mới (trong đó đa số là các trường hợp F1 đã được cách ly).

Điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn yên tâm, vì thành phố vẫn ghi nhận ca cộng đồng chưa rõ nguồn lây, do vậy trong cộng đồng vẫn có thể còn người nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, với chiến lược phong tỏa hẹp, xét nghiệm diện rộng và sau đó là xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình trên toàn thành phố, thành phố sẽ chủ động trong việc phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn.

Xét nghiệm gộp thần tốc, Đà Nẵng khống chế dịch - Ảnh 2.

Ông Lê Trung Chinh – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

* Quá trình tiên phong trong việc tổ chức xét nghiệm gộp có gặp khó khăn gì, thưa ông? Lợi ích trong việc xét nghiệm gộp là gì?

– Vào cuối tháng 7-2020, đợt dịch thứ 2 bùng phát tại thành phố Đà Nẵng. Ở thời điểm đó, chỉ có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng là đơn vị đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR, với công suất 400-500 mẫu đơn/ngày.

Nhưng với tình hình dịch bệnh căng thẳng, chỉ trong 1 ngày phát hiện 45 ca bệnh, tập trung ở bệnh viện – nơi tuyến đầu của ngành y tế và là nơi có rất đông người là bệnh nhân, người chăm bệnh… đòi hỏi thành phố phải có giải pháp truy vết, khoanh vùng, đẩy tiến độ xét nghiệm nhanh nhất, nhiều nhất các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.

Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các địa phương, nhất là với sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của tập thể CDC Đà Nẵng, chúng tôi đã thực hiện thành công việc xét nghiệm mẫu gộp nhóm 5.

Đến cuối đợt dịch thứ 2, đã có 9 đơn vị được Bộ Y tế, Sở Y tế công nhận đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2. Thành phố đã nâng cao năng suất xét nghiệm của toàn thành phố gần 4.000 mẫu đơn/ngày, tương ứng với hơn 15.000 lượt xét nghiệm/ngày.

Xác định dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, với tinh thần chủ động, TP tiếp tục đầu tư, huy động thêm trang thiết bị xét nghiệm cho các đơn vị, riêng đối với CDC Đà Nẵng đã được trang bị thêm 2 máy tách chiết tự động và đang có kế hoạch trang bị 2 máy Realtime-PCR.

Đến đợt dịch thứ 3, năm 2021, CDC Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10 và lượng mẫu tối đa có thể xét nghiệm là 20 mẫu/phản ứng.

Với phương pháp này, từ ngày 3-5 đến 21-5, toàn thành phố xét nghiệm 271.962 trường hợp, ngày cao nhất chúng tôi đã thực hiện xét nghiệm được gần 37.000 trường hợp.

Ngành y tế thành phố đã rất chủ động trong công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố để có thể thực hiện được tất cả các khâu công việc xét nghiệm, đồng thời triển khai và duy trì tốt hệ thống nhập, trả kết quả online của CDC Đà Nẵng với các đơn vị.

Do đó, khi có dịch xảy ra trên diện rộng, ngành y tế sẽ chủ động được nguồn lực cũng như vận hành thông suốt ở tất cả các khâu, từ việc lấy mẫu, nhập số liệu, trả kết quả… nhằm có kết quả nhanh nhất, chính xác nhất.

Hiện nay, thành phố đang thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng theo đại diện hộ gia đình trên địa bàn thành phố các đối tượng có nguy cơ cao như tài xế taxi, Grab, tiểu thương, và tiến tới sẽ xét nghiệm cho công nhân các KCN trên địa bàn thành phố.

Xét nghiệm gộp thần tốc, Đà Nẵng khống chế dịch - Ảnh 3.

Xét nghiệm ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cách làm sáng tạo

* Xin ông đánh giá những nguy cơ và các biện pháp thành phố đã thực hiện ở đợt dịch lần này so với đợt dịch hồi tháng 8-2020. Những kinh nghiệm từ lần trước đã giúp ích gì trong lần này?

– Từng trải qua đợt dịch bệnh trước đây, thành phố Đà Nẵng đã có ít nhiều kinh nghiệm, do đó bình tĩnh hơn và có một số cách làm mới so với đợt dịch trước.

Để hạn chế ít nhất đến đời sống người dân, thành phố chủ trương phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng, thực hiện phong tỏa cứng, phong tỏa mềm và triển khai tạm dừng từng bước các hoạt động đông người, đóng cửa các dịch vụ có nguy cơ cao…

Ví dụ như tại các chợ, chúng tôi cho xét nghiệm toàn bộ tiểu thương và người dân sống trong khu vực chợ, sau khi có kết quả âm tính toàn bộ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch sẽ cho hoạt động trở lại, đồng thời thực hiện việc phát phiếu đi chợ, đo thân nhiệt…

Thành phố cũng đang thí điểm áp dụng thẻ đi chợ QR code nhằm kiểm soát tốt hơn tại các khu thương mại, các chợ, quầy thuốc trên địa bàn. Tại các KCN, thành phố chủ động thiết lập các hoạt động bảo vệ vòng ngoài, tổ chức các đoàn liên ngành đi kiểm tra thường xuyên, liên tục về tình hình phòng chống dịch cũng như xem xét triển khai xét nghiệm cho công nhân tại đây.

Để đánh giá tình hình dịch bệnh nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu, sát nhất với thực tế, hằng ngày lãnh đạo thành phố, trực tiếp là bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND thành phố, chủ trì giao ban với các đầu cầu là lãnh đạo các địa phương, các sở ban ngành.

Những chỉ đạo tại buổi giao ban ngay lập tức được các đơn vị triển khai, không hành chính hóa, không chờ có các văn bản mới triển khai. Đặc biệt, thành phố giao quyền chủ động cho cơ sở và đã phát huy tích cực chủ trương này.

Ngay khi phát hiện ca bệnh trên địa bàn, các địa phương nhanh chóng cử lực lượng tại chỗ khoanh vùng, trung tâm y tế quận huyện vào cuộc.

Đơn cử như quận Sơn Trà, nơi có số ca mắc nhiều và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tập thể lãnh đạo quận phối hợp với Trung tâm Y tế quận và các đơn vị chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp để khống chế dịch bệnh; trên cơ sở đánh giá, đề xuất của quận, thành phố đã thống nhất cho xét nghiệm đại diện toàn bộ các gia đình trên địa bàn quận.

* Thưa ông, qua quan sát chúng tôi nhận thấy người dân chấp hành chủ trương chống dịch của thành phố rất tốt, với ý thức cao. Nhưng Đà Nẵng cũng đã qua 2 đợt dịch lớn, người dân cũng bị ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động kinh doanh. Ông chia sẻ thế nào với người dân? – Người dân thành phố Đà Nẵng đã luôn trong tâm thế sẵn sàng phối hợp với chính quyền trong công tác phòng chống dịch. Có thể nói, cả thành phố đồng lòng với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau và không ai đứng ngoài cuộc. Các biện pháp giãn cách xã hội như tạm dừng các hoạt động có nguy cơ cao, không tụ tập đông người, không giao hàng qua ứng dụng công nghệ, đeo khẩu trang… đều được các doanh nghiệp, người dân thành phố thực hiện nghiêm túc. Có những doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỉ đồng vào sự kiện nhưng nhanh chóng chấp thuận dừng tổ chức “vì sự an toàn của cả cộng đồng”. Các doanh nghiệp, tổ chức vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vẫn tìm cách huy động nguồn lực để hỗ trợ, cung cấp hàng ngàn suất ăn, nước uống, khẩu trang y tế, nước xịt khuẩn… cho các điểm trực chốt cách ly y tế, các hộ dân khó khăn trong khu vực phong tỏa… Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn đối với sự chung tay, chia sẻ của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp; cảm ơn sự tin tưởng, sự phối hợp, không quản ngại khó khăn của tất cả các đơn vị chức năng, của doanh nghiệp, của người dân.
* Nếu tình hình khả quan, xét nghiệm đại diện hộ gia đình không phát hiện ca mắc mới, Đà Nẵng dự kiến sẽ gỡ các lệnh cấm như thế nào? – Trước mắt, thành phố đã nâng thời hạn phong tỏa tại các khu cách ly y tế và thời hạn cách ly các trường hợp F1 lên 21 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm các khu vực, các đối tượng có nguy cơ cao và tiến đến thực hiện xét nghiệm cho công nhân trong các KCN. Nếu tình hình khả quan, trong thời gian tới thành phố sẽ xem xét từng bước tháo dỡ các lệnh hạn chế, mở dần một số hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực hiện 5K, trong đó đặc biệt đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi đông người phải luôn được duy trì và sẽ được kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn nữa.                                    Theo Hữu Khá – Trường Trung https://tuoitre.vn/xet-nghiem-gop-than-toc-da-nang-khong-che-dich-20210524081730982.htm
891 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết