Xét nghiệm COVID-19 ra sao khi 'mở cửa lại bầu trời'?

Theo Bộ Y tế, hiện đã có nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm thông báo mức phí 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm tại sân bay, tương đương mức phí bảo hiểm đang chi trả.

Xét nghiệm COVID-19 ra sao khi mở cửa lại bầu trời? - Ảnh 1.

Để đảm bảo việc sàng lọc y tế và ngăn chặn dịch COVID-19, tất cả khách nhập cảnh đều phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm ngay tại sân bay – Ảnh: NAM TRẦN

Theo dự kiến, khi Việt Nam “mở cửa lại bầu trời”, nối lại đường bay quốc tế với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia và Lào trong thời gian tới, dự kiến trong tháng 10 sẽ có khoảng 20.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam.

Điều quan trọng hiện nay là tổ chức xét nghiệm COVID-19, cách ly như thế nào để hành khách nhập cảnh không làm xuất hiện các ổ dịch mới. Đặc biệt, xét nghiệm và cách ly như thế nào để đảm bảo thuận tiện cho người mới nhập cảnh, chưa kể chi phí xét nghiệm ở mức chấp nhận được. Yêu cầu nhanh, rẻ, chính xác là một trong những mục tiêu của ngành y tế.

Đủ năng lực xét nghiệm

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, đã có 3 doanh nghiệp được mời cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại sân bay từ 15-9; một doanh nghiệp trong số này cho biết hoàn toàn đủ năng lực cung cấp dịch vụ tại tất cả các sân bay, cửa khẩu, trước mắt có thể trả 5.000 kết quả xét nghiệm COVID-19 sau mỗi giờ, 50.000 mẫu/ngày, sau này công ty có thể trả 250.000 kết quả/ngày.

Với năng lực này, giai đoạn đầu có 20.000 khách nhập cảnh/tuần công ty đáp ứng được ngay, chỉ cần sân bay cung cấp mặt bằng để lập phòng xét nghiệm, đặt tủ an toàn sinh học cấp 2. Về thời gian trả xét nghiệm, doanh nghiệp này cho biết tối đa sau 6 giờ khách nhập cảnh sẽ được trả kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tham gia dịch vụ này sẽ phải tham gia một cuộc đấu thầu tổ chức rộng rãi tới đây nhằm chọn nhà cung cấp có năng lực và có mức giá phù hợp nhất.

Rút ngắn thời gian cách ly

Theo ông Nguyễn Trường Sơn – thứ trưởng Bộ Y tế, hiện đã có nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm thông báo mức phí 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm tại sân bay, tương đương mức phí bảo hiểm đang chi trả.

“Nhưng nếu cho phép áp dụng xét nghiệm bằng phương pháp trộn mẫu, chi phí xét nghiệm rẻ hơn thì mức phí cũng rẻ hơn” – ông Sơn cho biết. Phương pháp trộn mẫu là trộn 5 mẫu bệnh phẩm của 5 người vào xét nghiệm 1 lần.

Nhưng ngay trong thời gian trước mắt, cuối tuần trước các cơ quan chức năng đã họp và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề xuất một số phương án. Cụ thể với người nhập cảnh đến từ 6 thành phố/vùng lãnh thổ là Seoul (Hàn Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Campuchia và Lào, đề nghị rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 5-7 ngày với nhóm khách chuyên gia, doanh nghiệp đến làm ăn, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại (sau khi xét nghiệm cho kết quả âm tính), thay vì cách ly 14 ngày như hiện nay. Riêng công dân Việt Nam về nước vẫn cách ly 14 ngày như bình thường.

Với người đến từ các thành phố khác của các quốc gia kể trên, Bộ Y tế cũng đề xuất áp dụng phương án cách ly riêng, nhưng nếu hành khách đã di chuyển đến 6 thành phố/vùng lãnh thổ này 1 tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đến Việt Nam thì áp dụng cách ly tương tự nhóm đến từ Tokyo, Quảng Châu, Đài Loan…

Bên cạnh đó, hành khách cũng phải áp dụng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không đến nơi đông người…

Theo LAN ANH

https://tuoitre.vn/xet-nghiem-covid-19-ra-sao-khi-mo-cua-lai-bau-troi-20200914222807032.htm
1,274 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết