Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết, các báo cáo sơ bộ cho thấy hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, giống với bệnh viêm máu cấp tính Kawasaki, có thể liên quan đến Covid-19; vì thế cần phải nhanh chóng tìm hiểu hội chứng lâm sàng, hiểu biết về nguyên nhân, hậu quả cũng như các biện pháp can thiệp điều trị. Ông Ghebreyesus cũng cảnh báo cần hết sức lưu tâm về những trường hợp mắc bệnh viêm hiếm gặp này.
Những biểu hiện của hội chứng viêm giống với bệnh Kawasaki
Cho đến nay, các nước châu Âu và Mỹ đã ghi nhận hàng trăm ca bệnh nhi mắc bệnh hiếm gặp như vậy. Mới nhất, một bé trai 9 tuổi ở Pháp đã tử vong do hội chứng viêm trên. Theo ông Fabrice Michel, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Timone ở TP Marseille và cũng là bác sĩ điều trị ca bệnh trên, bệnh nhi tử vong do chấn thương thần kinh sau 7 ngày điều trị vì có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là ca tử vong đầu tiên tại Pháp có nguyên nhân tương tự một số ca tử vong tại Mỹ, Anh và hiện đang được điều tra.
Hôm 13-5, Bệnh viện Nhi Evelina ở thủ đô London (Anh) thông báo, một thiếu niên 14 tuổi không có bệnh nền đã tử vong với các biểu hiện lâm sàng giống như bệnh Kawasaki có liên quan đến Covid-19. Trước đó, bệnh nhân này đã được điều trị 6 ngày tại khoa tích cực do có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tại New York, giới chức Mỹ cho biết đã có 3 ca tử vong do hội chứng hiếm gặp trong khi cơ quan chức năng nước này đang theo dõi hơn 100 ca bệnh tương tự khác.
Liên quan đến gene?
Từ ngày 1-3 đến 12-5, Pháp ghi nhận 125 bệnh nhi dưới 14 tuổi mắc hội chứng viêm hiếm gặp nói trên. Còn tại Mỹ, trong số 102 ca chẩn đoán mắc hội chứng viêm hiếm gặp có 82 ca ở thành phố New York, trong đó có 53 ca cho xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc có kháng thể với virus này. Trong khi đó, tại Italy, khi kiểm tra hồ sơ bệnh nhân tại khoa nhi của Bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở TP Bergamo, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự bùng phát bệnh Kawasaki trong đại dịch. Trong 5 năm, từ ngày 1-1-2015 đến ngày 17-2-2020, chỉ có 19 trẻ em mắc triệu chứng tương tự như bệnh Kawasaki phải nhập viện. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 2 tháng, từ ngày 18-2-2020 đến ngày 20-4-2020, khi dịch Covid-19 hoành hành tại Italy, có 10 trẻ em mắc bệnh Kawasaki được đưa vào bệnh viện, 8 em trong số đó đã xác nhận mắc Covid-19. Như vậy, tỷ lệ mắc hội chứng này hiện cao gấp 30 lần so với tỷ lệ mắc bệnh trong 5 năm qua.
Trước những diễn biến đáng lo ngại trên, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã phát lời cảnh báo đến giới y tế nước này. CDC yêu cầu những người đã chữa trị hoặc đang chữa trị các bệnh nhân dưới 21 tuổi có những hiện tượng của bệnh hội chứng viêm hiếm gặp phải thông báo các ca nghi ngờ này cho cơ quan y tế địa phương.
Bác sĩ nhi khoa Sunil Sood thuộc Trung tâm Y tế dành cho trẻ em Cohen, New York, cho biết, các triệu chứng nói trên dường như xuất hiện trong khoảng thời gian 4-6 tuần sau khi trẻ bị nhiễm virus, khi trong người đã phát triển các kháng thể, tức là virus đã bị cơ thể khống chế. Căn bệnh càng bí ẩn ở chỗ tại châu Á, kể cả Trung Quốc, nơi bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên, cho tới nay chưa có ca bệnh nào tương tự. Theo bác sĩ Sunil Sood, một số nhà nghiên cứu nhận định căn bệnh này khả năng có những nguyên nhân liên quan đến gene.
Bệnh Kawasaki – bệnh viêm mạch máu cấp tính – được đặt theo tên bác sĩ nhi khoa người Nhật đã tìm ra bệnh này vào năm 1967. Trẻ em mắc bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, mẩn đỏ, đau bụng dữ dội, tim đập nhanh và lưỡi chuyển màu đỏ.
|
Theo ĐỖ CAO tổng hợp
https://www.sggp.org.vn/who-dieu-tra-hoi-chung-viem-hiem-gap-nghi-lien-quan-covid19-662715.html