TUYỂN VN - U22 VN: 2-2: Thử nghiệm chưa như ý

Sự từng trải cộng với việc có nhiều thời gian chơi bóng cùng nhau đã giúp đội tuyển VN chiếm ưu thế hoàn toàn. Dù vậy, họ buộc phải chia điểm 2-2 trước đội bóng đàn em U22 VN trong trận tái đấu vào chiều 27-12 trên sân Phú Thọ.

TUYỂN VN - U22 VN: 2-2: Thử nghiệm chưa như ý - Ảnh 1.

Đội tuyển VN đã có cuộc thử nghiệm chưa được như ý trước đàn em U22 (trái)- Ảnh: HỮU TẤN

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, HLV Trần Công Minh cho rằng việc thay tới 11 cầu thủ trong hiệp 2 là nguyên nhân dẫn tới sự rối rắm khiến lối đá của tuyển VN trở nên lạc nhịp.

Dưới đây là những phân tích của cựu danh thủ này:

Cần cù bù khả năng

Mọi thông số về chuyên môn thống kê cho thấy họ nhỉnh hơn U22 từ sút cầu môn, đá phạt góc, phạt cố định cho đến tỉ lệ đưa bóng đi trúng mục tiêu. Đó chính là sự khác biệt lớn về mặt đẳng cấp cũng như sự kết dính trong việc phối hợp tấn công.

Theo tôi, sự lép vế của U22 nằm ở chỗ họ quá non kém về trận mạc do ít được tin cậy ở V-League lẫn Giải hạng nhất. Nhưng điếm yếu lớn nhất chính là việc họ “cóng chân” khi đối mặt với danh tiếng quá lớn của các bậc đàn anh, cộng với sức ép dữ dội từ khán đài với khoảng 20.000 khán giả trên sân Phú Thọ.

Tuy lép vế về chuyên môn ở phần lớn thời gian thi đấu, nhưng các tuyển thủ U22 VN không kém cạnh đàn anh về sức mạnh lẫn độ lì lợm, ngoan cường khi chơi bóng lăn xả trước đội tuyển VN ở 15 phút đầu và 15 phút cuối trận. Tinh thần thi đấu ngoan cường ấy xứng đáng mang về cho họ trận hòa đầy thuyết phục trước đội tuyển VN.

Nhạt nhòa dấu ấn chuyên môn

Sau hai trận gặp U22 VN, tôi nghĩ rằng HLV Park Hang Seo chưa hài lòng với chính mình lẫn các học trò trong việc xây dựng đội hình chiến thuật với chỉ một tiền vệ trung tâm thay vì hai tiền vệ đá giăng ngang trong những năm qua.

Sơ đồ chiến thuật ấy khá mờ nhạt ở trận đấu với U22 hôm 23-12 vừa rồi. Sang đến trận lượt về, sơ đồ ấy hiện rõ hơn, nhưng cũng chưa thật nhịp nhàng. Chơi với hai tiền vệ trung tâm, khi đánh chặn thành công hoặc chủ động tấn công nhanh thì sẽ lộ ra nhiều hướng tấn công đa dạng.

Với chiến thuật mới, tiền vệ trung tâm ấy chẳng khác gì một cầu thủ đánh chặn ngay phía trên 3 trung vệ (trường hợp của Cao Văn Triền, Tuấn Anh). Khi muốn chuyển đổi trạng thái tấn công, phải mất vài ba đường chuyền ra cánh trái, cánh phải hoặc thẳng lên phía trước khiến yếu tố bất ngờ phần nào mất đi tính hiệu quả.

Trong trận hòa 2-2 trước U22 VN, mỗi khi Tuấn Anh có bóng trong hiệp 1 thì anh phải quan sát một lúc rồi mới đưa ra quyết định chuyền cho ai giữa năm tiền vệ vây quanh mình là Quang Hải, Phan Văn Đức, Hùng Dũng, Hồng Duy hay Văn Thanh.

Với lợi thế từng sát cánh với nhau lâu năm, sự vận hành giữa những cái tên nói trên khá nhịp nhàng trong hiệp 1. Nhờ vậy họ tạo ra được sự áp đảo cũng như lợi thế dẫn bàn trong hiệp 1 từ hai tình huống dàn xếp tấn công mạch lạc để Văn Thanh gỡ 1-1 bằng sút phạt đền (Quang Hải bị phạm lỗi) và Quang Hải vôlê đẹp mắt nâng tỉ số lên 2-1.

Sự nhịp nhàng của tuyển VN mất dạng trong hiệp 2 bởi 11 sự thay người. Trận đấu nát vụn, chiến thuật không rõ nét, tiền vệ không còn là cầu nối với hậu vệ và tiền đạo. Ý đồ của ông Park là xây dựng lối chơi chặt chẽ ở khu trung tuyến, dùng số đông (4 hoặc 5 cầu thủ) để đánh chặn từ xa. Lối chơi ấy hiệu quả ra sao, chưa thể nói được khi mọi chuyện còn đang mang tính thử nghiệm.

Nhưng có lẽ trước khi toan tính tới việc làm mới sức mạnh, tính hiệu quả trong việc làm chủ khu trung tuyến và ghi bàn vào lưới đối phương, có lẽ ông Park cần phải siết lại hàng phòng ngự tuyển VN. 

Họ chơi bóng mất tập trung dẫn tới những bàn thua ngớ ngẩn, kiểu như Việt Anh thoải mái đệm bóng cận thành mở tỉ số (phút 29), hay 3 trung vệ mất dạng ở bàn gỡ hòa 2-2 của Thanh Minh vào cuối trận.

Theo SĨ HUYÊN ghi

https://thethao.tuoitre.vn/tuyen-vn-u22-vn-2-2-thu-nghiem-chua-nhu-y-20201228101058164.htm
1,322 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết