Từ nguy cơ 'thành thảm họa', vì sao Nhật được ca ngợi chống COVID-19 thành công?

Từ chỗ bị đánh giá là có nguy cơ trở thành ‘vùng thảm họa’ COVID-19 của thế giới, Nhật Bản được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ca ngợi đã thành công trong việc đối phó với sự lây lan của đại dịch.

Từ nguy cơ thành thảm họa, vì sao Nhật được ca ngợi chống COVID-19 thành công? - Ảnh 1.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang tại một ga tàu điện ở Tokyo ngày 27-5 – Ảnh: REUTERS

Hãng tin Kyodo ngày 26-5 dẫn lời tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đánh giá Nhật Bản đã ngăn được dịch bệnh lây lan trong vài tuần qua, với số ca nhiễm giảm từ hơn 700 ca mỗi ngày trong giai đoạn đỉnh điểm xuống còn khoảng 40 ca hiện tại. Số ca tử vong cũng được giữ ở mức thấp.

Đến nay, quốc gia 126 triệu dân với tỉ lệ dân số già cao nhất thế giới có khoảng 16.400 ca nhiễm virus corona và 784 trường hợp tử vong.

Đánh giá của WHO được đưa ra cùng lúc với việc Nhật Bản chấm dứt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau gần hai tháng áp dụng. 

“Chúng ta có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt để gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Chúng tôi đánh giá là chúng ta đã đáp ứng được những tiêu chí này”, Thủ tướng Abe Shinzo phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25-5.

Dù đánh giá cao nỗ lực của Nhật Bản, ông Tedros cũng nhấn mạnh điều quan trọng bây giờ là người dân Nhật Bản tiếp tục duy trì khoảng cách xã hội, các biện pháp phòng bệnh cơ bản và các quy định chung khi bắt đầu nới lỏng các hạn chế.

Cách đây một tháng, giới chuyên gia y tế vẫn lo ngại Nhật Bản có thể trở thành một trong những “vùng thảm họa” COVID-19 của thế giới. Trước đó, chính quyền ông Abe đối mặt với nhiều chỉ trích trong việc xử lý ổ dịch trên tàu du lịch Diamond Princess, bị cáo buộc hạ thấp nguy cơ dịch bệnh với hi vọng tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè, xét nghiệm quá ít…

Dù vậy, Nhật Bản đã sớm nhận ra nguy cơ từ việc tụ tập đông người, đóng cửa các bảo tàng, nhà hát, công viên, ngưng các hoạt động thể thao… từ sớm.

Tờ Guardian dẫn lời các chuyên gia đánh giá sự thành công của Nhật Bản có sự góp phần không nhỏ của sự ý thức và thói quen từ người dân.

Người dân Nhật Bản từ lâu đã hình thành thói quen đeo khẩu trang trong mùa cúm vào cuối và đầu năm. Văn hóa cúi chào thay vì bắt tay, ôm hôn, ý thức giữ vệ sinh cá nhân cao, tháo giày khi đi vào nhà… cũng có thể là những yếu tố giải thích cho sự lây nhiễm thấp ở Nhật Bản.

Các chuyên gia cũng đánh giá cao hệ thống y tế, kinh nghiệm trong việc điều trị viêm phổi và tỉ lệ béo phì thấp ở Nhật Bản.

“Tôi không nghĩ việc giảm số ca nhiễm là nhờ các chính sách của chính phủ. Dường như Nhật Bản làm tốt là nhờ những điều không thể đo đếm được, như thói quen hằng ngày và ‘cách cư xử Nhật Bản”, chuyên gia Ryuji Koike, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Nha khoa và y tế Tokyo, đánh giá.

Theo TRẦN PHƯƠNG

https://tuoitre.vn/tu-nguy-co-thanh-tham-hoa-vi-sao-nhat-duoc-ca-ngoi-chong-covid-19-thanh-cong-20200527121410746.htm
2,868 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết