Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước đoàn kết vượt qua COVID-19 tại G20

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để vượt qua thách thức, các quốc gia cần đoàn kết, xây dựng lòng tin, thực tâm hợp tác, không để một quốc gia hay người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước đoàn kết vượt qua COVID-19 tại G20 - Ảnh 1.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 22-11 – Ảnh: Bộ Ngoại giao

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến ngày 22-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có sức chống chịu”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã kéo lùi thành quả phát triển của thế giới hàng thập kỷ, đẩy hàng chục triệu người rơi vào nghèo đói. Dịch bệnh, thiên tai, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, đói nghèo, khoảng cách số, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước vẫn là những thách thức toàn cầu mà không riêng một quốc gia nào có thể xử lý được.

Để vượt qua thách thức, các quốc gia cần đoàn kết, xây dựng lòng tin, thực tâm hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung hướng tới phát triển bền vững, bao trùm và không để một quốc gia hay người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng cũng kêu gọi G20 cùng với sự hợp tác của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức thương mại thế giới (WTO)… cần tích cực kiến tạo những nền tảng phát triển mới, như chuyển đổi nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… để vượt qua thách thức và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đề nghị các nước G20 hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận thị trường và các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nhất là chống suy giảm chất lượng đất, bảo tồn san hô, giảm rác thải nhựa và quản lý bền vững nguồn nước…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước đoàn kết vượt qua COVID-19 tại G20 - Ảnh 2.

Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến ngày 22-11 – Ảnh: Bộ Ngoại giao

Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, nỗ lực giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và có thể giảm tới 27% khi có thêm các nguồn hỗ trợ quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và bao trùm. Điều này chỉ có được khi quan hệ quốc tế được duy trì thông qua hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để G20, Liên Hiệp Quốc và các thể chế đa phương phát huy vai trò trong xử lý các vấn đề toàn cầu trong bối cảnh mới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh dịch COVID-19 đã khiến các nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý suy thoái môi trường, phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước đoàn kết vượt qua COVID-19 tại G20 - Ảnh 3.

Lãnh đạo các thành viên G20 – Ảnh: Bộ Ngoại giao

Các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ xây dựng “nền kinh tế carbon tuần hoàn”, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, ổn định, an toàn, bền vững với chi phí hợp lý; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giảm suy thoái đất, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh lương thực và quản lý bền vững nguồn nước.

Lãnh đạo các thành viên G20 cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của G20 trong thúc đẩy thực hiện đúng thời hạn Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; tăng cường hơn nữa trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, bao gồm việc nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy phát triển tài chính bao trùm, thu hẹp khoảng cách số.

Kể từ năm 2010 trở lại đây, Việt Nam đã 5 lần được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20, một diễn đàn đa phương quan trọng trong quản trị kinh tế toàn cầu. Việc người đứng đầu chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến đã khẳng định đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 vào các vấn đề chung của toàn cầu.

Theo BẢO DUY

https://tuoitre.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-keu-goi-cac-nuoc-doan-ket-vuot-qua-covid-19-tai-g20-20201122224243001.htm
883 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết