Thẻ thông hành COVID-19 'mở cửa' bầu trời

Hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines (SIA) đã trở thành hãng bay đầu tiên thử nghiệm thẻ thông hành COVID-19 điện tử (Travel Pass) của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).
 
Thẻ thông hành COVID-19 mở cửa bầu trời - Ảnh 1.
 

Giao diện ứng dụng Travel Pass của IATA – Ảnh: CNN

SIA đã thông báo sẽ thử ứng dụng Travel Pass cho các chuyến bay từ Singapore tới London (Anh) từ ngày 15 tới 28-3, theo Đài Channel News Asia. 

Đài BBC nhận định rằng điều này đồng nghĩa rằng hành khách của SIA sắp tới có thể dùng ứng dụng Travel Pass để xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 cũng như tình trạng tiêm ngừa vắcxin của họ.

Quản lý hiệu quả thông tin y tế

Hãng hàng không của Singapore khẳng định hành khách sử dụng Travel Pass sẽ trải nghiệm “thủ tục lên máy bay nhanh và ít vướng mắc hơn”, trong khi vẫn đảm bảo được kiểm tra đầy đủ về tình hình sức khỏe thông qua ứng dụng này.

SIA đã thực hiện giai đoạn đầu tiên trong thử nghiệm ứng dụng Travel Pass hồi tháng 12-2020. Ở giai đoạn này, khách hàng xét nghiệm COVID-19 tại các điểm y tế được lựa chọn ở Jakarta và Kuala Lumpur sẽ nhận được chứng nhận bằng bản cứng hoặc mềm.

Nhân viên soát vé và hải quan chịu trách nhiệm xác minh những chứng nhận này. Kết thúc giai đoạn 1, SIA tuyên bố nhân viên soát vé đã xác nhận thành công hơn 200 chứng nhận y tế và không có trường hợp làm giả nào.

Tiếp đến ở giai đoạn 2, hành khách của SIA có thể tải ứng dụng của họ trên thiết bị chạy bằng hệ điều hành iOS của Apple. Sau khi tải ứng dụng về máy, người dùng có thể tạo tài khoản điện tử với hình cá nhân, thông tin hộ chiếu và thông tin chuyến bay. 

Từ đó, họ có thể đặt lịch tiêm ngừa COVID-19 trước khi bay tại 7 cơ sở y tế có liên kết với Travel Pass tại Singapore. Ứng dụng của IATA cũng cho phép người dùng theo dõi kết quả xét nghiệm và tình trạng xét duyệt chuyến bay của mình.

SIA khẳng định hành khách sẽ “kiểm soát hoàn toàn” thông tin cá nhân của mình vì dữ liệu được lưu trữ ngay trên điện thoại của họ, không truyền đến bất cứ máy chủ trung tâm nào khác. “Đây là điều tối quan trọng khi cân nhắc đến độ nhạy cảm cao của các thông tin y tế” – SIA nói.

Chìa khóa mở cửa kinh tế

Bên cạnh vắcxin, các giải pháp kiểm soát thông tin xét nghiệm và tiêm chủng trở thành yêu cầu tiên quyết để việc đi lại giữa các quốc gia có thể quay lại như trước đây cũng như mở cửa nền kinh tế.

Ngoài SIA, một số các hãng hàng không khác như Air New Zealand, Qatar Airways và Malaysia Airlines cũng thông báo họ sẽ bắt đầu thử nghiệm Travel Pass.

Trong thông báo hồi tháng 11-2020, IATA nhận định ngành hàng không đòi hỏi một giải pháp toàn cầu, chi phí hợp lý và có thể triển khai theo từng giai đoạn để có thể khởi động lại.

Tổng giám đốc kiêm CEO của IATA, ông Alexandre de Juniac, nhấn mạnh cơ sở hạ tầng thông tin toàn cầu là “chìa khóa thứ hai” để các nước có thể “quản lý, chia sẻ và xác minh dữ liệu xét nghiệm một cách an ninh”.

“Chúng tôi sẽ mang sáng kiến này tới cho thị trường trong vài tháng nữa, cũng là để đáp ứng nhu cầu từ hình thành các bong bóng du lịch và hành lang y tế sắp ra mắt” – ông Juniac nói thêm.

Vào tuần trước, Bộ trưởng Giao thông vận tải Singapore, ông Ong Ye Kung, từng tuyên bố Singapore đang tham gia vào nhiều cuộc thỏa thuận, cả song phương và đa phương, về hệ thống xác nhận tiêm chủng COVID-19 toàn cầu. Vị bộ trưởng này xem đây là “bước tiến quan trọng mới” để phục hồi ngành du lịch và hàng không.

Với cùng mối bận tâm trên, Trung Quốc ngày 9-3 cũng chính thức triển khai chương trình cấp chứng nhận tiêm vắcxin COVID-19 bản kỹ thuật số cho công dân có dự tính ra nước ngoài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo chứng nhận này sẽ bao gồm thông tin về việc tiêm chủng và kết quả xét nghiệm COVID-19.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7-3 tuyên bố mục tiêu của việc cấp chứng nhận là nhằm xác nhận cả hai thông tin quan trọng – kết quả xét nghiệm và tiêm chủng vắcxin, giúp người dân có thể tương tác cùng nhau một cách an toàn và có trật tự.

Dù vậy, Bắc Kinh hiện chưa có thông báo nào về việc nới lỏng các hạn chế cách ly đối với du khách đến Trung Quốc đã được tiêm ngừa COVID-19. Người phát ngôn của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hồi tháng 2 từng thông báo các biện pháp cách ly hiện nay vẫn được duy trì vì người đã tiêm chủng vẫn có nguy cơ bị nhiễm virus.

Theo Hãng tin Reuters, kể từ khi vắcxin COVID-19 bắt đầu được phân phối trên toàn cầu, thế giới chỉ mới có một vài quốc gia thực hiện việc cấp chứng nhận tiêm chủng cho người dân. Liên minh châu Âu (EU) trước đó cũng tuyên bố ủng hộ sáng kiến “hộ chiếu vắcxin” để nối lại các đường bay.

Cục Hàng không Việt Nam đang xem xét

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng – cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết thẻ thông hành COVID-19 điện tử là một ứng dụng do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) triển khai trên hệ thống của tổ chức này.

Ứng dụng này có chức năng số hóa chứng nhận hành khách đã khai báo y tế, tiêm vắcxin, xét nghiệm PCR để hành khách xuất trình. Ngoài ra, một số hãng hàng không nước ngoài cũng làm ứng dụng này. Tuy nhiên, người sử dụng ứng dụng này phải trả phí cho nhà cung cấp ứng dụng.

“Tuần trước, chúng tôi đã tổ chức hội thảo trực tuyến với IATA về nội dung này. Ứng dụng trên thay thế cho chứng chỉ giấy mà hành khách phải xuất trình khi đi máy bay.

Nhưng để áp dụng được thì các quốc gia phải phê chuẩn, công nhận. IATA khuyến cáo các quốc gia thực hiện ứng dụng trên nhưng cũng chưa có nhiều quốc gia thực hiện. Thời điểm chúng tôi hội thảo với IATA mới có Panama phê chuẩn” – ông Thắng cho biết.

Theo ông Thắng, nếu các quốc gia chấp thuận và công nhận thông tin trên ứng dụng của nhau, thực hiện kiểm tra chéo và coi đó là bằng chứng hành khách đã thực hiện các biện pháp phòng dịch rồi không áp dụng các biện pháp xét nghiệm, cách ly thì thuận lợi cho việc đi lại của hành khách.

Lúc đó, công dân giữa các nước đi lại thuận lợi hơn sẽ rất tốt, có thể sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế. Thông tin trên ứng dụng này có ưu việt hơn giấy chứng nhận hiện nay là không làm giả được.

Ông Thắng cho biết Cục Hàng không Việt Nam đang cập nhật, đánh giá vấn đề trên để báo cáo Bộ GTVT đề xuất cơ quan có thẩm quyền. Bởi vì việc xem xét, quyết định công nhận thông tin của hành khách trong ứng dụng trên không thuộc thẩm quyền của Cục Hàng không, Bộ GTVT.

TUẤN PHÙNG

Theo NGUYÊN HẠNH

https://tuoitre.vn/the-thong-hanh-covid-19-mo-cua-bau-troi-20210310074728691.htm
1,543 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết