Tổng thống Donald Trump (trái) cầu nguyện cùng Phó tổng thống Mike Pence tại Nhà Trắng. Nước Mỹ đã trải qua lễ Phục sinh kỳ lạ nhất từ trước đến nay khi các nhà thờ trên khắp đất nước đều vắng lặng, trái ngược với cảnh đông đúc của mọi năm – Ảnh: Reuters
“Còn người là còn của”, như bao cuộc khủng hoảng kinh tế khác, họ tin rằng nước Mỹ sẽ hồi phục trở lại một cách mạnh mẽ sau đại dịch. Nhưng với Tổng thống Trump, “ở nhà cũng dẫn tới cái chết và kết cục đau thương cho nước Mỹ. Ở nhà thì chết theo cách khác, nhưng cũng là chết”. Khoảng cách giữa những người này với Tổng thống Trump đang ngày càng lớn.
Không ai muốn chọn giữa chiến lược y tế công cộng và chiến lược kinh tế. Chúng tôi cần một chiến lược y tế công cộng an toàn, phù hợp với một chiến lược kinh tế.
Andrew Cuomo, thống đốc bang New York – tâm đại dịch COVID-19, nói về lựa chọn giữa người và của.
Ông Trump không muốn nước Mỹ “đóng cửa”
Khi được hỏi sẽ dựa trên cơ sở nào để đi tới quyết định mở cửa hay tiếp tục đóng cửa nền kinh tế, Tổng thống Trump đã chỉ vào đầu mình trong cuộc họp báo hôm 10-4. “Tôi sẽ cố gắng tập hợp xung quanh mình những bộ óc vĩ đại nhất, những bộ óc tài năng nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi sẽ cùng ra quyết định và hi vọng đó là một quyết định đúng đắn”. Một “Hội đồng quốc gia về mở cửa lại nền kinh tế” đang được tập hợp và dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 14-4 (giờ Mỹ).
Tổng thống Trump không giấu ý định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội do nhóm chuyên trách chống COVID-19 của Nhà Trắng đưa ra và nhấn mạnh nước Mỹ chưa bao giờ được thiết lập để trở thành một nước “đóng cửa”. Một số quan chức đã bắt đầu nói về mốc thời gian 1-5 là ngày các doanh nghiệp có thể nối lại hoạt động. Nhưng các chuyên gia y tế đã cảnh báo về nguy cơ mở cửa quá sớm có thể khiến các nỗ lực chống dịch đổ sông đổ biển, lo ngại một đợt bùng phát dịch thứ hai sẽ đánh sập hệ thống y tế của nước Mỹ.
“Người Mỹ rất kỷ luật và đó là vinh dự của tôi khi trở thành tổng thống của họ. Tôi sắp có một quyết định hệ trọng và cầu Chúa rằng đó sẽ là một quyết định đúng đắn” – những phát ngôn này một lần nữa cho thấy Tổng thống Trump đang đối mặt với áp lực vô cùng lớn về thời điểm mở cửa lại nền kinh tế.
Các bang không mặn mà
Sự tin tưởng của công chúng đối với các thống đốc và thị trưởng thành phố về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất của nước Mỹ đang ngày một cao hơn. Tổng thống Trump không thể đơn giản yêu cầu các bang chấm dứt sắc lệnh ở nhà hay nới lỏng giãn cách xã hội, vì quyền lực của các bang được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 10 trong Hiến pháp Mỹ.
Tại các bang có thống đốc là người của Đảng Dân chủ như Connecticut và Michigan, chưa kể New York và California là những vùng dịch lớn, tình hình còn khó khăn hơn cho Tổng thống Trump, một người của Đảng Cộng hòa. Thống đốc Ned Lamont của Connecticut đã gia hạn sắc lệnh yêu cầu “nhà nào ở nhà đó” đến hết ngày 20-5, trong lúc Thống đốc Gretchen Whitmer của Michigan tuyên bố kéo dài lệnh giãn cách xã hội đến hết tháng 4, cấm cả việc những người có nhiều nhà tự do đi lại giữa những căn nhà này.
Ông Ralph Northam, thống đốc của bang Virginia, thừa nhận sự mâu thuẫn giữa mong muốn mọi thứ trở lại bình thường và các bằng chứng khoa học đang ngày một lớn. “Không người nào muốn cuộc sống trở lại bình thường như trước hơn chính tôi nhưng thực tế là điều phải đối mặt. Tôi là một bác sĩ nên càng hiểu tầm quan trọng của việc đảm bảo cho mọi người khỏe mạnh. Tôi sẽ xem xét các số liệu và nghĩa vụ của tôi, với tư cách thống đốc của Virginia, là giữ cho mọi người dân của bang được an toàn”, ông Northam nêu quan điểm.
Phần lớn các lập luận của những tiểu bang này là Mỹ chưa tiến hành đủ các xét nghiệm để bảo đảm người dân thực sự an toàn. Đáp lại, ông Trump cho rằng việc xét nghiệm trên diện rộng là không cần thiết và nhấn mạnh Mỹ là nước xét nghiệm sàng lọc virus corona nhiều nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại với hơn 2,8 triệu người đã được xét nghiệm.
Cuộc tranh luận trong nội bộ chính quyền Trump sẽ bắt đầu dữ dội hơn trong những ngày tới, với một bên là những chuyên gia kinh tế lo ngại số người thất nghiệp sẽ không dừng lại ở con số 16 triệu người và bên còn lại là các cố vấn y tế hàng đầu đất nước. Việc ông Trump ngả về phe nào sẽ sớm được thể hiện.
Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, ngay cả các chuyên gia thuần về khoa học như bác sĩ Anthony Fauci – gương mặt uy tín nhất trong nhóm chuyên trách chống dịch của Nhà Trắng – cũng đã bắt đầu tính bài chính trị, khi cho rằng nước Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng sau nhưng cần phải thận trọng.
Xét nghiệm diện rộng, chìa khóa mở cửa?
Theo Đài CNN, để mở cửa lại nền kinh tế vào đầu tháng 5, Mỹ cần xét nghiệm ít nhất vài triệu người mỗi ngày để bảo đảm sẽ không có đợt bùng phát thứ hai. Các chuyên gia y tế công cộng cũng kêu gọi xét nghiệm máu các bệnh nhân COVID-19 và nếu tìm thấy kháng thể, nên “trả người này trở về cuộc sống bình thường”.
Cựu phó tổng thống Joe Biden, người chắc chắn trở thành đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, cũng tranh thủ công kích và nhấn mạnh “tội lỗi gốc” của chính quyền đương nhiệm là đã không tiến hành các xét nghiệm quy mô lớn.
Trong lúc các tranh cãi vẫn chưa dứt, chính quyền của Tổng thống Trump đã lẳng lặng tiếp nhận các bộ kit xét nghiệm từ Hàn Quốc, cho phép kiểm tra thêm ít nhất 600.000 người. Dân số của Mỹ là hơn 325 triệu người nên khả năng cao, như ông Trump nói, sẽ không có xét nghiệm toàn dân.
Tính đến chiều 13-4 (giờ Việt Nam), toàn nước Mỹ có hơn 560.000 người mắc COVID-19, trong đó hơn 22.000 người đã tử vong.
Theo DUY LINH
https://tuoitre.vn/quyet-dinh-kho-nhat-cua-ong-trump-thoi-diem-va-cach-thuc-mo-cua-lai-nen-kinh-te-20200414082144098.htm