QUAD, AUKUS ủng hộ vai trò của ASEAN

Đại sứ Phạm Quang Vinh, người điều phối phiên thảo luận “ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực”, chia sẻ với Tuổi Trẻ một số quan sát đáng chú ý nhân Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13.

QUAD, AUKUS ủng hộ vai trò của ASEAN - Ảnh 1.
 

Đại sứ Phạm Quang Vinh điều phối phiên thảo luận “ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực” vào ngày 19-11 – Ảnh: NVCC

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức, khép lại hôm 19-11. 

Cũng như trong các phiên thảo luận ngày trước đó, các đại biểu nhắc tới nhiều về hai vấn đề nổi bật thời gian qua là sự cạnh tranh nước lớn và việc hình thành các tổ chức, liên minh mới như thỏa thuận hợp tác ba bên (AUKUS) giữa Anh, Mỹ và Úc trong tháng 9.

Tôi rất ấn tượng với phát biểu của đại sứ Igor Driesmans – trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại ASEAN, khi ông nói rằng nhìn tổng thể khu vực này chưa ai có thể thay thế được vai trò của ASEAN.

Đại sứ Phạm Quang Vinh

Trong hơn nửa thế kỷ tồn tại của ASEAN, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chứng kiến nhiều tổ chức liên minh, liên kết như vậy ra đời. Từ sau Thế chiến thứ hai, 5 nước Úc, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ đã thành lập liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ nhãn), hay như năm 2007 nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD) ra đời với 4 nước thành viên là Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ.

Nếu như trước đây, khi nói đến QUAD, người ta nghĩ nhiều hơn tới các câu chuyện chiến lược, tới trật tự dựa trên luật lệ, đặc biệt là kiểm soát cạnh tranh nước lớn, thì giờ đây họ đang mở rộng hơn nhiều.

Gần đây nhóm QUAD đã mở rộng đáng kể chương trình nghị sự, theo đó mối liên hệ giữa 4 nước thành viên không còn chỉ gói gọn trong khuôn khổ những hợp tác quân sự mà đã mở rộng ra cả những hợp tác trước các thách thức phi truyền thống như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và hợp tác công nghệ.

Chẳng hạn để ứng phó COVID-19, trong khi Mỹ chuyển giao công nghệ vắc xin, Nhật và Úc hỗ trợ tài chính và phân phối vắc xin thì Ấn Độ đảm nhiệm khâu sản xuất. Sự đổi mới đó tạo thêm sức sống cho QUAD và cũng không muốn bị hiểu là một “NATO” ở phương Đông.

Dù là tổ chức nào, liên minh cũ hay mới thì trong đó đều có những thành viên vốn là đối tác của ASEAN, do đó ASEAN sẽ có nhiều kênh để sẵn sàng đối thoại, hợp tác với họ.

Cho tới nay, các nước tham gia các tổ chức như QUAD hay AUKUS đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chung của khu vực. Họ ủng hộ cấu trúc mở và dung nạp của ASEAN. Vì các nhóm này có những mục tiêu theo đuổi song trùng với mục tiêu của ASEAN, nên sự hình thành và tồn tại của họ là sự bổ sung chứ không triệt tiêu điều gì.

Trên thực tế, ASEAN có những điểm mạnh mà những liên minh hợp tác khác không có được. ASEAN có một hệ thống các tiến trình khu vực và mạng lưới kết nối với tất cả các đối tác quan trọng nhất trên thế giới và khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, EU, Nhật Bản, Úc… 

Thông qua mạng lưới này, ASEAN có thể chủ động và thường xuyên tham vấn, phối hợp với các đối tác để xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung của khu vực cũng như chương trình nghị sự phối hợp về những vấn đề thuộc quan tâm chung như hợp tác kinh tế, thương mại, kết nối, biến đổi khí hậu hay an ninh hàng hải.

Cũng nhờ mạng lưới quan hệ đó mà thật thú vị khi ASEAN đã trở thành cầu nối, tạo ra không gian và điều kiện để chính những nước đang cạnh tranh với nhau nhưng cùng là đối tác của ASEAN có cơ hội trao đổi với nhau, trao đổi với ASEAN trong những vấn đề cần thương thảo.

Các diễn giả quốc tế tham dự phiên thảo luận ngày 19-11 cũng đã có những đề xuất giải pháp đáng chú ý cho khu vực. GS Carl Thayer – giáo sư danh dự tại ĐH New South Wales, Úc – đặt vấn đề liệu ASEAN với QUAD có nên tính tới một mối quan hệ hay vai trò bổ sung nào không, vì theo ông, chương trình nghị sự của hai bên có nhiều điểm song trùng, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Trong khi đó, tiến sĩ Rizal Sukma – học giả cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Jakarta, Indonesia – cho rằng ASEAN cần phải tăng cường hành động nhiều hơn. Điều này có nghĩa là ASEAN phải tuân thủ hiến chương của khối nhiều hơn để đoàn kết và phát huy sức mạnh.

Biển Đông ngày càng được quan tâm Cuộc hội thảo quốc tế lần này cho thấy Biển Đông tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn từ khu vực cũng như cộng đồng quốc tế khi có gần 600 đại biểu tham dự đến từ các châu lục với rất nhiều chuyên gia nổi tiếng, trong đó gần 200 người dự trực tiếp tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội. Các nước đang ngày càng có những tiếng nói mạnh mẽ hơn trong ủng hộ việc tuân thủ luật lệ quốc tế ở Biển Đông, trong đó nhấn mạnh luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nước ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, cho rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là trái pháp luật, vô căn cứ và chính là yếu tố gây cản trở cho những tiến trình đối thoại giữa các bên để xây dựng các bộ nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông.

Sử dụng công nghệ theo dõi ở Biển Đông

Hai diễn giả dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 chia sẻ với Tuổi Trẻ tầm quan trọng của minh bạch hóa thông tin thực địa ở Biển Đông và tránh bẫy thông tin sai lệch.

Ông Gregory B. Poling (giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI):

Cần minh bạch hóa về Biển Đông

Tất cả các nhà nghiên cứu thuộc chính phủ, học viện hay các trung tâm nghiên cứu đều có vai trò đóng góp vào sự minh bạch ở Biển Đông. Sự minh bạch đó tạo ra sức nặng ngoại giao lên Bắc Kinh và sẽ là một phần quan trọng của bất kỳ nỗ lực nào nhằm thuyết phục Trung Quốc thay đổi hành vi của mình.

Vai trò của AMTI là cung cấp dữ liệu khách quan và đáng tin cậy để Mỹ và các quốc gia đối tác sử dụng ở Biển Đông.

Chúng tôi đã giúp tất cả các quốc gia hiểu được quy mô và phản ứng tương xứng với chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp – PV) mà Trung Quốc tiến hành từ năm 2013 đến năm 2016.

Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp các bên hiểu được quy mô hoạt động của các lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân và dân quân ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động của Trung Quốc với số lượng tàu thuyền và sự cố liên quan nhiều nhất.

Công nghệ theo dõi và giám sát như hình ảnh vệ tinh và dữ liệu AIS (hệ thống nhận dạng tự động) là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Các cuộc tuần tra thực tế có chụp ảnh và quay phim trên thực địa vẫn cần thiết.

Chúng ta đã thấy điều này vào mùa xuân năm 2021, khi Việt Nam và Philippines ghi lại việc triển khai lực lượng dân quân biển của Trung Quốc tại cụm Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – PV) và công khai những hình ảnh đó.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương (thành viên dự án Đại sự ký Biển Đông):

Tỉnh táo để không rơi vào bẫy thông tin

Dữ liệu về AIS công khai nhưng dễ bị thao túng, cắt xén. Gần đây Trung Quốc đã ra luật cấm chia sẻ dữ liệu AIS với các tổ chức nước ngoài. Họ cũng xử lý các thông tin AIS theo hướng bất lợi cho các nước khác, ví dụ không thể hiện thời gian thực và không kết nối vị trí của các tàu cá Việt Nam khiến nhiều người lầm tưởng rất nhiều tàu cá Việt Nam đang xâm phạm vùng biển nước khác.

Để đảm bảo dữ liệu đầu ra “sạch”, cần có đầu vào “sạch” và cách xử lý “sạch”. Điều này đòi hỏi hành động của các chính phủ, các công ty cung cấp dữ liệu và lương tâm của tổ chức xử lý dữ liệu. Trước các thông tin khác nhau diễn giải qua dữ liệu AIS, cần tỉnh táo để không rơi vào bẫy thông tin và luôn kiểm chứng, đối chiếu thông tin đó với các tổ chức khác.

DUY LINH ghi

Đại sứ PHẠM QUANG VINH (nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao) – D.KIM THOA ghi

TTO

https://tuoitre.vn/quad-aukus-ung-ho-vai-tro-cua-asean-20211120084915502.htm

 

1,277 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết