Ông Tập "nam tuần" đẩy mạnh kinh tế

Chuyến đi nhân kỷ niệm 40 năm lập đặc khu Thâm Quyến của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12-10 được ví như chuyến đi năm 1992 của nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình.

Ông Tập nam tuần đẩy mạnh kinh tế - Ảnh 1.
 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi bộ với các quan chức Triều Châu ngày 12-10 và gặp gỡ người dân địa phương – Ảnh: THX

Trung Quốc nay đã mạnh hơn xưa, nhưng quan hệ với nhiều nước liên tục gặp vấn đề.

Thâm Quyến được chỉ định là đặc khu kinh tế vào ngày 26-8-1980, một phần trong nỗ lực của ông Đặng Tiểu Bình nhằm mở cửa đất nước với thế giới, chỉ hai năm sau khi cách mạng văn hóa kết thúc. Năm 1992, ông Đặng lại một lần nữa “Nam tuần”: khi Bắc Kinh đối mặt với hàng loạt cấm vận sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

“Cải cách và mở cửa”

Trung Quốc hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn khi chứng kiến mối quan hệ xuống dốc với Mỹ. Đại dịch COVID-19, vốn bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc và lan ra toàn thế giới gây thiệt hại không kể xiết, cũng khiến nhiều nước khác đánh giá lại mối quan hệ với Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, Thâm Quyến lại một lần nữa được kỳ vọng trở thành động lực hạt nhân của nền kinh tế Trung Quốc như cách đây 30 năm.

Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 12-10 đã tới tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc để bắt đầu chuyến thị sát địa phương lần thứ 12 trong năm nay và lần thứ ba đến Quảng Đông kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. “Cải cách và mở cửa” là từ khóa trong ba chuyến thăm của ông đến Quảng Đông vào các năm 2012, 2018, 2020, theo Đài CGTN của Trung Quốc.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), ông Tập đã tới thành phố Triều Châu của tỉnh Quảng Đông ngày 12-10. Ông xuống đường đi bộ cùng đoàn tháp tùng và các quan chức địa phương, kêu gọi “tin tưởng vào tương lai” và “nắm bắt cơ hội” mỗi khi bắt gặp dân địa phương.

Sự xuất hiện của ông Tập khiến nhiều người thích thú, một số tranh thủ lấy điện thoại quay lại cảnh chủ tịch Trung Quốc “vi hành”. “Khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2049, chúng ta sẽ xây dựng Trung Quốc trở thành một đất nước mạnh mẽ và tươi đẹp hơn nhiều” – ông Tập nhấn mạnh trong một đoạn clip lan truyền mạnh trên mạng xã hội Trung Quốc.

Hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc đứng ở giữa, tay cầm micro nói chuyện tự nhiên với người dân phố cổ Triều Châu khiến nhiều người có cảm giác ông như một chính trị gia phương Tây đang vận động tranh cử, hình ảnh hiếm thấy ở Trung Quốc.

Trao nhiều tự chủ hơn

Ngay cả trước khi ông Tập đến Thâm Quyến, tin tức chủ tịch Trung Quốc công du Quảng Đông đã khiến thị trường chứng khoán đại lục và Hong Kong khởi sắc. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tuần trước cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh. Các nhà đầu tư tin rằng sẽ có những quyết sách mới trong chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo SCMP, kế hoạch phát triển Thâm Quyến 2020 – 2025 được Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngay trước thềm chuyến đi của ông Tập cho thấy thành phố sát Hong Kong này sẽ được trao nhiều quyền tự chủ hơn trong thời gian tới. Nói như Hãng thông tấn Bloomberg, chuyến đi lần này của ông Tập mang theo quà sinh nhật 40 năm cho đặc khu Thâm Quyến: được tự đưa ra quyết định về một loạt chính sách địa phương, từ sử dụng đất đến tuyển dụng nhân tài toàn cầu.

Mặc dù thiếu các nới lỏng mà phương Tây trông chờ như tự do dòng chảy thông tin hoặc tự do tiền tệ, tài liệu của Quốc vụ viện Trung Quốc đã 28 lần nhắc tới cụm từ “khám phá”, hàm ý Thâm Quyến sẽ trở thành nơi thử nghiệm một loạt chính sách mới – những chính sách sẽ không thể có ở các nơi khác ở đại lục. Nếu thành công, Thâm Quyến sẽ lại trở thành một câu chuyện mà mỗi khi người ta nhắc tới sự thành công của thành phố sẽ lại nhắc tới Đặng Tiểu Bình như người đặt nền móng, còn Tập Cận Bình là người khai phá và xây dựng.

Tuy nhiên, bất chấp ý định rõ ràng của Bắc Kinh trong việc sống lại một lần nữa “phép mầu Thâm Quyến”, môi trường trong và ngoài nước đối với Thâm Quyến hoàn toàn khác so với thời ông Đặng quyết định thành lập đặc khu kinh tế này.

Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận xét chuyến “nam tuần” lần này của ông Tập có ý nghĩa lớn như chuyến đi năm 1992 của ông Đặng. “Bối cảnh quốc tế mà Trung Quốc đối mặt hiện nay khá tương tự năm 1992 nhưng cũng có điểm khác. Năm xưa phương Tây còn bận rộn với giai đoạn hậu Liên Xô tan rã và khu vực Đông Âu, còn ngày nay mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Trung Quốc”, phó giáo sư Wu nêu quan điểm.

“Siêu” trung tâm kinh tế Thâm Quyến

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Thâm Quyến hôm nay 14-10 và gặp lãnh đạo các đặc khu Hong Kong, Macau trong chuyến “nam tuần” lần này.

Theo Bloomberg và nhiều tờ báo khác, Thâm Quyến sẽ trở thành trung tâm của trung tâm kế hoạch tăng cường kết nối các thành phố trong vùng vịnh lớn gồm Macau, Hong Kong và 7 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông thành một trung tâm kinh tế giống vùng vịnh San Francisco của Mỹ hay vịnh Tokyo của Nhật Bản.

“Với sự thù địch hiện tại của phương Tây, Trung Quốc sẽ ngày càng cần phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự đổi mới và công nghệ của mình, thúc đẩy một chiến lược toàn cầu hóa theo định hướng của Trung Quốc” – giáo sư Lau Siu-kai, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hong Kong và Macau có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định với SCMP.

Theo DUY LINH

https://tuoitre.vn/ong-tap-nam-tuan-day-manh-kinh-te-20201014090125668.htm
699 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết