Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020

Đại dịch COVID-19 khiến nghiên cứu khoa học năm 2020 bị ảnh hưởng và không có nhiều phát hiện mới được công bố. Dù vậy vẫn có những phát hiện khoa học tích cực trong năm khiến chúng ta vui vẻ.

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 1.

Điều chế được vắc xin phòng ngừa COVID-19 là tin tức khoa học được mong chờ nhất trong năm 2020 – Ảnh: Liam McBurney / PA

Tin vui nhất trong năm chính là các nhà khoa học đã tạo ra được vắc xin chống COVID-19. Trong vòng 12 tháng, các nhà khoa học toàn cầu đã phát triển được 223 loại vắc xin được coi là “ứng cử viên sáng giá” để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Theo thống kê của WHO, 57 loại vắc xin trong số này đã được thử nghiệm trên người, và đến nay đã có ít nhất 2 loại được phê duyệt đưa vào sử dụng.

Sao Kim có thể có dấu hiệu của sự sống

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 2.

Sao Kim – Ảnh: NASA

Vào giữa tháng 9, các nhà khoa học công bố tìm thấy một loại khí cho thấy dấu hiệu của sự sống trong bầu khí quyển sao Kim. Phát hiện này được người đứng đầu NASA gọi là “bước phát triển có ý nghĩa nhất” trong cuộc săn tìm sự sống ngoài Trái đất từ trước đến nay.

Hóa chất được phát hiện trên bầu khí quyển sao Kim là một loại khí phosphine (PH3) cũng được tạo ra trên Trái đất bởi các vi khuẩn và của con người. Phosphine cũng tồn tại trong bầu khí quyển của các hành tinh khí khổng lồ nhưng trước nay không có nghiên cứu khoa học nào cho thấy một quá trình hóa học như vậy xảy ra trên Sao Kim.

Mặc dù khí này có thể được tạo ra bởi một quá trình hóa học mà chúng ta chưa biết đến nhưng cũng rất có thể đó là “dấu hiệu của sự sống” giống như trên Trái đất.

Sự trở lại của cá voi xanh

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 3.

Sự xuất hiện của cá voi xanh đem lại hi vọng phục hồi loài động vật to lớn này – Ảnh: GETTY

Gần 100 năm sau khi cá voi xanh được liệt vào danh sách gần như tuyệt chủng do nạn săn bắt cá voi công nghiệp, chúng được phát hiện ở vùng biển của đảo Nam Georgia gần Nam Cực.

Vùng biển này từng là trung tâm săn bắt cá voi công nghiệp cho đến khi hoạt động này bị cấm vào những năm 1960. Từ năm 1904 đến năm 1971, có khoảng 42.000 con cá voi xanh đã bị giết và chỉ có một con duy nhất được nhìn thấy từ năm 1998 đến năm 2018 ở khu vực này.

Nhưng một cuộc khảo sát vào đầu năm nay đã đem đến một khám phát bất ngờ rất đáng vui mừng: các nhà khoa học đã đếm được 58 con cá voi xanh ở khu vực, đem lại hi vọng phục hồi loài động vật to lớn này.

Bạch tuộc biết “đấm” vào đầu cá

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 4.

Ảnh: Sampaio, E., M.C. Seco, R. Rosa, and S. Gingins. 2021. Ecology. doi.org/10.1002/ecy.3266

Một phát hiện hài hước và kỳ lạ khác của năm 2020 là việc bạch tuộc đôi khi biết dùng xúc tu để “đấm” vào đầu cá.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy những con bạch tuộc xanh lớn (Octopus cyanea) thường liên kết với cá để tìm thức ăn. Nhưng đôi khi không hài lòng với những con cá đó hoặc không muốn chia sẻ thức ăn cùng săn được, chúng sử dụng “chuyển động một xúc tu cực nhanh” để tạo ra một cú đánh thẳng vào đầu con cá.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát hành vi này 8 lần trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2019 ở các vùng biển thuộc Israel và Ai Cập.

Phát hiện thú vị này được công bố ngày 18-12 trên tạp chí Ecology đã khiến không ít người yêu khoa học bật cười.

Phát hiện hải cẩu biết vỗ tay

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 5.

Ảnh: Ben Burville

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Marine Mammal Science vào tháng 1 năm nay, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một con hải cẩu “vỗ tay” trong tự nhiên mà không cần đến sự huấn luyện của con người.

Điều đặc biệt là mặc dù vùng biển gần quần đảo Farne ở đông bắc nước Anh có rất nhiều hải cẩu sinh sống nhưng chỉ những con hải cẩu đực vỗ tay và chúng có xu hướng làm như vậy khi những con hải cẩu khác, bao gồm cả con cái và con đực, ở gần đó.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về hành vi này xem liệu có phải chúng vỗ tay để thu hút bạn tình hay để xua đuổi đối thủ cạnh tranh.

Khủng long biết bơi

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 6.

Ảnh: Jason Treat, NG Staff, and Mesa Schumacher Art: Davide Bonadonna Source: Dr. Nizar Ibrahim, University of Detroit Merc

Khủng long trước nay được biết là loài thú to lớn sống trên cạn và không biết bơi. Nhưng các nhà khảo cổ đã phát hiện một chiếc đuôi giống mái chèo ở miền đông nam Maroc thuộc về loài khủng long ăn thịt, có răng sắc nhọn tên là Spinosaurus aegyptiacus.

Trong công bố hồi tháng 4 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết chiếc đuôi mới này cao và phẳng như vây, gợi liên tưởng đến những chiếc đuôi được tìm thấy ở cá sấu hiện đại.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng vì hóa thạch được tìm thấy trong đất liền, nên loài khủng long này có thể sống cả ở trên cạn và bơi dưới nước, nhưng có thể chỉ ở các con sông hoặc hồ nhỏ, nông.

Bằng chứng đầu tiên về kích thích tố sinh dục ở loài linh trưởng

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 7.

Ảnh: Shutterstock

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Current Biology vào tháng 4, các nhà khoa học công bố phát hiện những con vượn cáo đực biết cách sử dụng hợp chất pheromone để tạo ra mùi thơm cho mục đích sinh sản.

Khi mùa giao phối đến, những con vượn cáo đuôi vòng (tên khoa học: Lemur catta) sẽ chà xát cổ tay với đuôi để khuếch tán một mùi hương tựa như trái cây để thu hút vượn cái.

Khi bình thường, vẫn bằng hành động chà xát này nhưng chúng sẽ tạo ra mùi khó chịu khi gặp kẻ thù hoặc con đực cạnh tranh, nhưng khi tiếp xúc với bạn tình tiềm năng thì mùi hương sẽ “ngọt và dịu” hơn, thu hút con cái hơn.

Điều này có thể đánh dấu bằng chứng đầu tiên về kích thích tố sinh dục ở động vật linh trưởng.

“Sự kết hợp tuyệt vời” của Sao Mộc và Sao Thổ

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 8.

Ảnh: NASA

Vào ngày 21-12, Sao Mộc và Sao Thổ xuất hiện gần nhau trên bầu trời đêm đến nỗi chúng trông giống như “chỉ một vì sao”.

Hiện tượng hiếm gặp này được gọi là “Great Conjunction”. Các ghi chép khoa học cho thấy hai khối khí khổng lồ này đã không ở gần nhau kể từ năm 1623.

Vẹt là nhà vô địch trong trò chơi trí nhớ

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 9.

Chú vẹt Griffin với nhà tâm lý học Irene Pepperberg – Ảnh: Courtesy Harvard / Stephanie Mitchell

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 trên tạp chí Scientific Reports, một con vẹt xám tên Griffin đã vượt qua 21 sinh viên Harvard trong trò chơi trí nhớ kinh điển.

Vẹt xám châu Phi (Psittacus erithacus) có thể sống hơn 50 năm và luôn được biết đến là có thể ghi nhớ hàng chục từ. Chú vẹt Griffin đã thể hiện ấn tượng hơn thế. Griffin đã ghi nhớ tốt hơn các sinh viên ở 12 trong số 14 thử nghiệm.

Điều này khiến các nhà khoa học hết sức kinh ngạc và thay đổi hướng nghiên cứu về trí nhớ và sự thông minh của các loài động vật.

Giả thuyết mới: phụ nữ săn bắn, đàn ông hái lượm

Những khám phá khoa học vui nhất năm 2020 - Ảnh 10.

Ảnh: Matthew Verdolivo (UC Davis IET Academic Technology Services)

Một ngôi mộ 9.000 năm tuổi của một nữ thợ săn được phát hiện gần đây đã thay đổi nhận định trong nhiều năm rằng thời cổ đại, đàn ông săn bắn còn đàn bà hái lượm.

Qua các phân tích về ngôi mộ này và nhiều khu mộ khác trên khắp châu Mỹ, các nhà khảo cổ phát hiện vào thời cổ đại ở châu Mỹ, phụ nữ cũng săn bắn chẳng kém gì đàn ông.

Điều này cho thấy giả định về những người đàn ông cổ đại đi săn thú và làm công việc nặng nhọc trong khi phụ nữ thu thập các loại thảo mộc và thực vật không phải lúc nào cũng đúng.

Theo MINH HẢI (Theo Livescience)

https://tuoitre.vn/nhung-kham-pha-khoa-hoc-vui-nhat-nam-2020-20201228110721454.htm
1,100 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết