Nhiều tổ chức ở 31 nước kêu gọi Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí Myanmar

Trong thư ngỏ gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, 137 tổ chức phi chính phủ (NGO) thúc giục áp ngay lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu với Myanmar. Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở nước này đã kéo dài khoảng 3 tuần.

Nhiều tổ chức ở 31 nước kêu gọi Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí Myanmar - Ảnh 1.
 

Người biểu tình kêu gọi trả tự do cho cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và thả những người biểu tình ôn hòa bị bắt trong cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Indonesia ở Yangon hôm 24-2 – Ảnh: REUTERS

Hãng AFP ngày 25-2 đưa tin 137 tổ chức phi chính phủ (NGO) từ 31 quốc gia vừa ký thư ngỏ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp ngay lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự tại nước này hôm 1-2.

“Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần áp khẩn cấp lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar để phản ứng với cuộc đảo chính quân sự và ngăn quân đội Myanmar gây ra thêm các vụ ngược đãi” – thư ngỏ ký ngày 24-2 nêu.

Bức thư viết: “Những nước cho phép chuyển giao vũ khí cho Myanmar – gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Philippines, Nga và Ukraine – ngay lập tức nên dừng cung cấp bất kỳ vũ khí, đạn dược và trang thiết bị liên quan”.

Trong số các nước trên, hiện Trung Quốc và Nga đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – vốn có quyền phủ quyết, còn Ấn Độ đang là thành viên không thường trực.

Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Quan sát nhân quyền (HRW), cho biết căn cứ vào những hành động đối với người Rohingya và cuộc đảo chính chống lại chính quyền dân sự ở Myanmar, “điều tối thiểu mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể làm là áp lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu lên Myanmar”.

“Hội đồng Bảo an cũng nên áp các lệnh cấm đi lại toàn cầu và đóng băng tài sản đối với giới lãnh đạo quân đội Myanmar cùng những công ty do quân đội nước này sở hữu” – các bên ký thư ngỏ kêu gọi.

Hãng tin Kyodo ngày 25-2 dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết Nhật Bản đang xem xét dừng khoản Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mới cho Myanmar.

Theo Hãng tin Reuters, các sinh viên và bác sĩ tại Myanmar lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình mới trong hôm nay 25-2 nhằm phản đối quân đội nắm quyền. “Chính vì cuộc đảo chính quân sự mà cuộc sống của chúng tôi đã trở nên không còn hi vọng. Giấc mơ của chúng tôi đã bị dập tắt” – Kaung Sat Wai, 25 tuổi, chia sẻ bên ngoài khuôn viên một trường đại học ở thành phố Yangon.

Theo BÌNH AN

https://tuoitre.vn/nhieu-to-chuc-o-31-nuoc-keu-goi-lien-hiep-quoc-cam-van-vu-khi-myanmar-20210225112803725.htm
795 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết