Ngân hàng não ở Singapore

Bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 27-11 năm ngoái, tới nay Ngân hàng não Singapore (viết tắt là BBS) đã tiếp nhận được hai bộ não đầu tiên từ người hiến.

Ngân hàng não ở Singapore - Ảnh 1.
 

Các mẫu nghiên cứu của bộ não được cấp đông bảo quản tại Ngân hàng não Singapore – Ảnh: Straits Times

Tiến sĩ Joan Sim, một nhà quản lý tại BBS, cho rằng việc có một ngân hàng não là điều rất thiết yếu để giới khoa học thần kinh có thể hiểu rõ hơn những đặc trưng về cấu trúc não bộ của người châu Á. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình nghiên cứu thuốc và phương pháp điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson, vốn đang có xu hướng gia tăng.

Thiết yếu cho khoa học thần kinh

“Nền tảng di truyền của mô não trong các bộ sưu tập do châu Âu và Mỹ cung cấp không giống với đặc điểm di truyền học của người châu Á, điều này sẽ ảnh hưởng tới các khám phá nghiên cứu và cả tới những loại thuốc mới được phát triển” – tiến sĩ Sim mới đây giải thích với báo Straits Times (Singapore).

Đồng quan điểm với tiến sĩ Joan Sim, tiến sĩ Adeline Ng – nhà thần kinh học, cố vấn cao cấp tại Viện Khoa học thần kinh quốc gia Singapore, nói: “Rất khó để hình dung mức độ khổ sở các bệnh nhân phải đối mặt khi họ dần mất kiểm soát với cơ thể và trí não. Do đó, những người đã đăng ký hiến não cho BBS thực sự đã mang lại hi vọng cho nhóm người bệnh này và gia đình họ về cơ hội tìm ra cách chữa, giúp các thế hệ tương lai có thể có một bộ não khỏe hơn”.

Trong một năm đi vào hoạt động, ngân hàng não của Singapore đã tiếp nhận 71 trường hợp đăng ký hiến não, trong đó hai người đã qua đời. Người hiến não đầu tiên là một phụ nữ ở độ tuổi 70. Em gái bà cho biết trong nhiều năm còn sống, chị bà là người thường xuyên hiến máu và cũng đã hiến các bộ phận cơ thể sau khi chết.

“Thật tuyệt vời khi tôi biết mình đã có thể hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của chị là giúp các bộ phận trong cơ thể chị được sử dụng một cách ý nghĩa” – người em gái chia sẻ sau khi đại diện gia đình ký vào cam kết hiến tặng bộ não cho BBS phục vụ các nghiên cứu y khoa.

Làm gì với bộ não được hiến?

Công đoạn lấy bộ não ra khỏi hộp sọ người hiến thực sự là một thử thách không đơn giản. Các nhà khoa học đã phải thao tác rất cẩn trọng và nâng niu để có thể lấy được “bộ điều khiển” nặng khoảng 1,2kg này ra khỏi hộp sọ.

Việc lấy bộ não phải được tiến hành trong khoảng thời gian từ 24-48 tiếng sau khi người hiến qua đời để bảo toàn chất lượng và quá trình lấy não mất khoảng một giờ. Sau khi hoàn tất công đoạn này, một phần việc quan trọng không kém nữa là khâu thay thế hộp sọ và khâu lại phần da đầu để đảm bảo dung mạo người hiến vẫn nguyên vẹn và trang nghiêm trong lễ tang.

Giáo sư Richard Reynolds, giám đốc tại BBS, cho biết họ đặc biệt coi trọng việc chăm sóc cho thi thể người hiến sau khi lấy não. “Những người hiến của chúng tôi là những người thực sự đặc biệt và thi thể của họ được ứng xử theo cách tôn trọng tuyệt đối để đảm bảo mọi nghi thức tang lễ có thể diễn ra bình thường” – ông nói.

Tại BBS, một nửa bộ não sẽ được cắt thành các khối nhỏ hơn có kích thước 2cmx2cm và bảo quản lạnh ở nhiệt độ -80 độ C. Nửa còn lại sẽ được giữ trong dung dịch bảo quản và sau đó được nhúng vào sáp paraffin để nghiên cứu.

Các mô não và dịch não tủy (dịch trong não và trong tủy sống) có thể được trữ đông trong khoảng từ 10 đến 20 năm.

Những ai có thể hiến não? Sau một năm hoạt động, BBS vẫn đang trong giai đoạn đầu tiếp nhận đăng ký hiến não từ mọi người sau khi qua đời. Tất cả những ai trên 21 tuổi đều có thể đăng ký, không có giới hạn trên về độ tuổi người hiến. Tuy nhiên, người hiến phải không mắc các bệnh lây nhiễm như viêm gan B và HIV. Những người chết vì tai nạn cũng sẽ không thuộc diện hiến não nếu cần phải khám nghiệm tử thi.

Theo D.KIM THOA

https://tuoitre.vn/ngan-hang-nao-o-singapore-20201125091658919.htm
1,895 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết