Nâng mức độ cảnh giác với dịch Covid-19

Chiều 24-10, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu UBND tỉnh, thành phố để kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, các tỉnh thành như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định và một số địa phương ở khu vực Tây Nam bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch. “Chúng tôi lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, đồng thời đề nghị các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn: TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

 

Nâng mức độ cảnh giác với dịch Covid-19 ảnh 1
Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN
 
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, qua 10 ngày thực hiện, các địa phương cơ bản đáp ứng và linh hoạt triển khai theo tinh thần thực tế của địa phương, nhưng còn một số nơi áp dụng cứng nhắc gây khó khăn cho người dân. Trước ý kiến của một số địa phương về việc còn vướng mắc, khó khăn về cách ly, tiêm chủng, xét nghiệm, đi lại, lưu thông hàng hóa…, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, nếu các địa phương có vấn đề phát sinh, cần liên hệ ngay với Bộ Y tế để thực hiện đúng yêu cầu đạt được thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Quan trọng hơn cả là phải kiểm soát được tình hình dịch, tránh để xảy ra đợt dịch tiếp theo.
 

Trong khi đó, tại ĐBSCL đã ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng. Theo đó, tại Bạc Liêu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, đã ghi nhận 155 ca mắc Covid-19, là số ca mắc cao nhất trong một ngày trên địa bàn tỉnh. Trong đó, liên quan ổ dịch tại Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi (khóm 2, phường 1, thị xã Giá Rai) đã ghi nhận đến 107 ca mắc (11 ca ghi nhận tại cộng đồng, 68 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung của thị xã Giá Rai, 28 ca ghi nhận trong khu phong tỏa). Đến nay, tại ổ dịch này đã ghi nhận trên 240 ca mắc Covid-19. Ngoài ra, tỉnh có 4 ca ghi nhận tại cộng đồng và 1 ca ghi nhận trong khu phong tỏa, là nhân viên của Công ty TNHH Châu Bá Thảo (thị xã Giá Rai).

Tại tỉnh Sóc Trăng, 24 giờ qua, tỉnh phát hiện 87 ca mắc Covid-19 (8 ca cộng đồng). Tại Tiền Giang, Sở Y tế tỉnh này vừa công bố bổ sung cấp độ dịch Covid-19. Theo đó, xã Bình Đức (huyện Châu Thành) được nâng từ cấp độ 1 (vùng xanh) lên cấp độ 4 (vùng đỏ) với nguy cơ rất cao. Đồng thời có 2.048 hộ dân ở 3/3 ấp của xã Bình Đức bị phong tỏa trong thời gian 7 ngày.  UBND tỉnh An Giang cho biết, những ngày gần đây tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng; đặc biệt xuất hiện ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang với nhiều ca mắc. UBND tỉnh An Giang yêu cầu người dân không ra đường từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, kể từ ngày 23-10 cho đến khi có thông báo mới.  Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho hay, những ngày qua đều phát hiện hàng chục ca mắc Covid-19 mới; trong đó có ca cộng đồng.

_______________
Sẵn sàng ứng phó và kiểm soát dịch trong tình hình mới Ngày 24-10, lần đầu tiên TPHCM đã đánh giá và chính thức công bố cấp độ dịch của từng phường, xã, quận, huyện cho đến thành phố theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo cách phân loại này, thành phố xếp ở cấp độ 2 về nguy cơ dịch (nguy cơ trung bình), tương ứng với cấp độ nguy cơ này các biện pháp hành chính và các biện pháp sinh hoạt xã hội khác sẽ tiếp tục được nới lỏng theo quy định và tiếp tục hướng đến đạt trạng thái bình thường mới khi thành phố ở cấp độ 1 (mức nguy cơ thấp). Đây là kết quả cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM. Các cấp chính quyền, các sở ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức thiện nguyện và mọi tầng lớp nhân dân đều đồng lòng, đồng sức quyết tâm chống dịch. Hiện nay, số ca mắc mới của thành phố có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (tương ứng mức 3 – nguy cơ cao); nhưng nhờ tỷ lệ tiêm vaccine của người trên 18 tuổi của thành phố đã đạt 99,12% và nhất là tỷ lệ tiêm đủ liều của người trên 65 tuổi đã đạt 89,97% nên thành phố được xếp vào nhóm nguy cơ cấp độ 2. Dù vậy, công tác kiểm soát dịch bệnh của thành phố phải được xem xét và có kế hoạch ứng phó với cấp độ 3 (mức nguy cơ cao), mặt khác, một yêu cầu mới đặt ra đó là thành phố phải hoàn toàn tự lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh khi mà hầu hết các đoàn chi viện đến từ các địa phương trên cả nước đã rút đi.  Các kịch bản ứng phó cho từng tình huống theo từng cấp độ nguy cơ trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần của Nghị quyết 128 đã được ngành y tế TPHCM xây dựng và triển khai, tất cả đều hướng mục tiêu chủ động giám sát diễn tiến dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, tiến hành dập dịch nhanh và triển khai chăm sóc, điều trị F0 an toàn, hiệu quả. Các đội đặc nhiệm kiểm soát dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố được hình thành và sẵn sàng tác chiến khi phát hiện một ổ dịch mới phát sinh. Kế hoạch sẵn sàng thay thế các chiến sĩ quân y và phát huy hiệu quả các trạm y tế lưu động đã được các ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức và ngành y tế thiết lập phù hợp với yêu cầu thực tế, bao gồm cả đội hình dự bị để kịp thời huy động khi cần thiết. Hệ thống các cơ sở thu dung điều trị tại các bệnh viện dã chiến và các bệnh viện điều trị thuộc tầng 2 và tầng 3 cũng đã sẵn sàng cho các tình huống tương ứng các cấp độ dịch. Để luôn sẵn sàng ứng phó với dịch và thực hiện chức năng khám, chữa bệnh thông thường cho người dân, các bệnh viện công lập và tư nhân đang chuyển đổi những khu vực cách ly F0 trước đây trở thành các đơn vị hoặc các khoa Covid-19. Bên cạnh đó, các bệnh viện dã chiến quận, huyện cũng đang được duy trì và phát triển đảm bảo mỗi địa bàn quận, huyện luôn sẵn sàng thu dung và cách ly điều trị thay thế cho các bệnh viện dã chiến của thành phố đã hoàn thành sứ mệnh. Ngoài ra, trong giai đoạn mới, thành phố sẽ hình thành 3 bệnh viện dã chiến 3 tầng, trên cơ sở tổ chức lại 3 bệnh viện dã chiến số 16, 13, 14 và các trung tâm hồi sức của các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế bàn giao lại cho thành phố. Với mô hình 3 tầng trong một bệnh viện, người bệnh sẽ được chăm sóc tại chỗ, không phải chuyển viện khi tình trạng bệnh chuyển nặng.  Cùng với việc xây dựng kế hoạch triển khai trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng, ngành y tế đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó tương ứng với các tình huống dịch bệnh tại các bệnh viện (kiểm soát tốt, kiểm soát, cơ bản được kiểm soát và dịch bùng phát).
 
PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG
Giám đốc Sở Y tế TPHCM
 
4 kịch bản ứng phó tương ứng với các tình huống dịch bệnh tại bệnh viện 1. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố được kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng mức độ 1 thì sẽ sử dụng Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 ba tầng – số 16, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Từ Dũ để điều trị người mắc Covid-19 với 2.000 giường (trong đó có 1.040 giường oxy và 360 giường ICU), 120 giường cho trẻ em và 60 giường cho phụ nữ mang thai.  2. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 2 thì sẽ sử dụng 2 bệnh viện dã chiến thành phố (dã chiến thu dung điều trị Covid-19 ba tầng – số 13 và số 16), bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 quận, huyện; 2 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2); 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương) để điều trị người mắc Covid-19 với 11.623 giường (trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU), 180 giường cho trẻ em và 120 giường chwo phụ nữ mang thai.  3. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3 thì sẽ sử dụng 3 bệnh viện dã chiến thành phố (dã chiến thu dung điều trị Covid-19 ba tầng – số 13, số 14, số 16); bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 quận, huyện; 3 bệnh viện hồi sức Covid-19 (Chợ Rẫy, Quân y 175, Bệnh nhiệt đới); 3 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1) và 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương) để điều trị người mắc Covid-19 với 11.623 giường (trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU), 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.  4. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố bùng phát lại, số ca mắc mới tăng cao tương ứng mức độ 4, ngoài các bệnh viện được huy động ở mức độ 3 thì mỗi quận, huyện phải đảm bảo có một bệnh viện dã chiến 300-500 giường. Tổng giường điều trị Covid-19 là 16.556 giường (bao gồm 6.568 giường oxy và 2.029 giường ICU).

NHÓM PV (SGGPO) https://www.sggp.org.vn/nang-muc-do-canh-giac-voi-dich-covid19-770710.html

1,125 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết