Mỹ ra tay chống kỳ thị người gốc Á

Vụ xả súng khiến 6 người gốc Á thiệt mạng ở Georgia được ví như giọt nước tràn ly khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á sôi sục. Nhiều tiếng nói đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden hành động.

Mỹ ra tay chống kỳ thị người gốc Á - Ảnh 1.
 

Hàng trăm người tập trung bên ngoài trụ sở nghị viện bang Georgia ngày 20-3 để phản đối tình trạng bạo lực và phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á – Ảnh: Reuters

“Mỗi người ở nước Mỹ đều xứng đáng được sống trong sự an toàn, được tôn trọng phẩm giá.

Tổng thống Joe Biden

Chính quyền ông Biden đã lắng nghe. Các nhà lập pháp Dân chủ, dẫn đầu bởi dân biểu gốc Á Grace Meng, đã đệ trình lại một dự luật nhằm tăng cường phản ứng của cơ quan thực thi pháp luật đối với tội ác chống lại người Mỹ gốc Á. Tổng thống Biden đã thúc giục các nhà lập pháp lưỡng đảng thông qua dự luật.

Luật còn nhiều kẽ hở

Báo New York Times ngày 20-3 đã kể lại một câu chuyện cho thấy khoảng trống luật pháp khiến người gốc Á trở thành đối tượng dễ bị tổn thương bởi nạn phân biệt chủng tộc. 

Sự việc xảy ra hồi tháng 2-2021, tại khu Chinatown ở quận Manhattan sầm uất của New York. Một kẻ lạ mặt không nói lời nào đã cầm dao đâm sau lưng một người đàn ông gốc Á khi ông đang rảo bước về phía Chinatown. 

Vụ tấn công khiến cộng đồng gốc Á kinh hoàng nhưng không ngạc nhiên vì ai cũng hiểu điều đó có thể xảy ra, chỉ là sớm hoặc muộn. Điều khiến họ tức giận là kết luận của cơ quan thực thi pháp luật.

Thông báo của văn phòng công tố nêu rõ kẻ tấn công sẽ bị truy tố tội cố ý giết người chứ không phải tội phân biệt chủng tộc. 

Các công tố viên khẳng định họ không có đủ bằng chứng để kết tội phân biệt chủng tộc, lưu ý rằng kẻ tấn công đã không có hành động phỉ báng nào trước khi đâm nạn nhân. Kết luận của công tố khiến người gốc Á tức giận và bị tổn thương. 

Văn phòng công tố Manhattan bị vây kín bởi những người gốc Á, yêu cầu xử lý vụ tấn công như một tội ác được kích động bởi sự thù hằn người gốc Á. “Hãy gọi đúng tên của nó”, nhà hoạt động Don Lee lên tiếng trong sự kiện.

Cuộc biểu tình ở Manhattan hồi tháng trước đã được tái hiện bên ngoài trụ sở nghị viện Georgia ngày 20-3. 

Nghi phạm Robert Aaron Long khai với các nhà điều tra rằng xu hướng tình dục cá nhân là động cơ gây án, nhưng các nhà lập pháp và những người ủng hộ chống phân biệt chủng tộc cho biết kỳ thị người châu Á có thể góp phần dẫn tới thảm kịch. Long chỉ bị khởi tố tội giết người, một động thái khiến nhiều người gốc Á tức giận. 

Nói như tờ New York Times, người Mỹ gốc Á đã quá mệt mỏi với việc chính quyền xem nhẹ các vụ tấn công mang hơi hướng phân biệt chủng tộc nhắm vào cộng đồng của mình.

Nhiều đề xuất

Vụ xả súng Georgia được ví như chất keo kết dính những người có nguồn gốc châu Á và các đảo trên Thái Bình Dương (AAPI). Với sự tập trung cao độ, các lãnh đạo AAPI đang kêu gọi những phản ứng cụ thể từ Tổng thống Biden và Bộ Tư pháp của ông. 

Mặc dù chiếm 6% dân số và đóng góp nhiều cho nền kinh tế, AAPI không nhận được sự quan tâm đúng mức ở Mỹ. Hôm 18-3, lần đầu tiên trong vòng vài thập niên, Hạ viện Mỹ mới tổ chức một cuộc điều trần về tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử chống người Mỹ gốc Á.

Theo New York Times, khi các cuộc tranh luận trong xã hội nổ ra, nhiều người đã nhận ra định nghĩa của luật như thế nào là “phân biệt chủng tộc” hay “tội ác xuất phát từ lòng căm thù” hoàn toàn khác với những gì các nạn nhân gốc Á đã trải qua. 

“Các tội liên quan chống lại người da đen, Do Thái hay người đồng tính thường có những dấu hiệu rõ ràng. Nhưng với người gốc Á thì không”, giáo sư Lu-in Wang thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) giải thích. 

Câu chuyện của cựu công tố Wu cũng cho thấy tâm lý “ngại khó” và “né tránh” của nhiều người trong hệ thống tư pháp Mỹ. Nhiều vụ tấn công mang tính phân biệt người gốc Á đã xảy ra nhưng không phải kẻ tấn công nào cũng bị bắt giữ, xét xử.

Ông Gregg Orton, đại diện của một tổ chức thuộc cộng đồng AAPI, kêu gọi chính quyền Biden nên dành nhiều ngân sách cho các chương trình hỗ trợ người gốc Á, “đại tu” hệ thống ghi nhận các vụ tấn công bạo lực và phân biệt chủng tộc người gốc Á. 

Bộ Tư pháp Mỹ gần đây đã dịch trang web ghi nhận các vụ phân biệt chủng tộc sang tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Nhật. Nhưng theo ông Nhekar Narasimhan, người đứng đầu tổ chức AAPI Victory Fund, làm như vậy là chưa đủ trong tình hình “cấp bách” hiện nay. 

Ông kêu gọi Chính phủ Mỹ bổ sung thêm các quan chức gốc Á và những vị trí chuyên trách phụ trách cộng đồng AAPI để mọi tiếng nói đều có thể được lắng nghe.

Biểu tình sục sôi tại Atlanta

Ngày 20-3, hàng trăm người tụ tập tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ) để biểu tình phản đối bạo lực chống lại người gốc Á sau vụ xả súng tại 3 tiệm spa ở Atlanta hôm 16-3.

Đám đông đã tụ tập trước thủ phủ của bang. Nhiều người cầm bảng hiệu với dòng chữ “Ngừng thù ghét người gốc Á”.

“Chúng tôi đã sống vô hình và bị phớt lờ tại quốc gia của chúng ta hơn một thế kỷ. Chúng tôi bị tấn công bạo lực. Vấn đề này chỉ được chú ý khi một cụ ông tại San Francisco đã phải chết. Mọi người chỉ bắt đầu quan tâm khi 6 người phụ nữ chết tại Atlanta”, nam diễn viên Will Lex Ham phát biểu trước đám đông biểu tình.

ĐỖ DƯƠNG

Theo DUY LINH
https://tuoitre.vn/my-ra-tay-chong-ky-thi-nguoi-goc-a-20210322102149015.htm
635 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết