Lừa đảo mua bán găng tay xuất khẩu

Do dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu, nhu cầu cao về các sản phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch, nhất là găng tay y tế xuất khẩu khan hiếm, cung không đủ cầu, nhiều đối tượng đã tung chiêu trò để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người khác.

Sản xuất găng tay y tế xuất khẩu tại Công ty VRG-Khải Hoàn

Sản xuất găng tay y tế xuất khẩu tại Công ty VRG-Khải Hoàn

Tung chiêu

Cuối tháng 8, thông qua giới thiệu, ông Phạm Văn B., Giám đốc Công ty TNHH TM- DV AHG, đã liên hệ và ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Công nghệ Zati (đặt trụ sở tại 458/15, phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM; mã số thuế: 0316251842; do ông Phan Nhật Cường làm giám đốc) mua 1.000 thùng găng tay y tế đạt chất lượng xuất khẩu đi Mỹ, giao hàng trong vòng 48 giờ. Hai bên đàm phán và ký kết hợp đồng xong, ông B. chuyển 10% giá trị hợp đồng với số tiền hơn 130 triệu đồng thì không thể liên lạc được với ông Cường (số điện thoại: 0934899263), cả Zalo cũng đóng. Biết mình bị lừa, ông B. làm đơn nhờ công an địa phương can thiệp. 

Trước đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp khu vực phía Nam cũng đã “sập bẫy” tương tự ông B. với số tiền đặt cọc lên đến hàng tỷ đồng bị chiếm đoạt. Cụ thể, Công an huyện Củ Chi TPHCM vừa tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Ngọc T. tố cáo Công ty Thái Bình Dương không trả lại tiền cọc hơn 1 tỷ đồng để mua 20.000 thùng sản phẩm găng tay y tế nhân tạo Nitrile Vglove (tổng giá trị là 33 tỷ đồng) như hai bên đã ký kết, nhưng sau đó không có hàng.

Để thuyết phục đối tác ký kết hợp đồng, đặt cọc, các đối tượng lừa đảo thường “dùng chiêu” giới thiệu là đối tác với Công ty VRG-Khải Hoàn (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), bởi đây là doanh nghiệp duy nhất có đủ tiêu chuẩn sản xuất, xuất khẩu găng tay tại khu vực phía Nam. Đồng thời các đối tượng chuyển hình ảnh kho hàng, nhà máy Công ty VRG-Khải Hoàn đến các “đối tác” để làm tin. Tinh vi hơn, để tạo lòng tin từ người mua, nhiều cá nhân thành lập công ty và thực hiện thông báo, thậm chí làm giả con dấu của các công ty lớn để đóng lên hồ sơ liên quan đến sản phẩm, giả mạo chữ ký của đại diện pháp luật công ty. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lấy hàng kém chất lượng làm giả hình ảnh nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng nhằm đánh lừa người mua. 

Nguồn cung khan hiếm

Theo nghiên cứu thị trường của các nhà sản xuất, bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ chỉ 1 đôi găng tay trong 1 năm. Trong khi đó, ở các nước phát triển là 28,6 đôi/năm, với mức tăng trưởng sản lượng bình quân khoảng 6%-8%/năm. Tại những thị trường như Mỹ, Nhật, tiêu thụ găng tay bình quân đầu người có thể lên tới 70-75 đôi/năm. Trong tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, nhu cầu găng tay y tế càng cao hơn, khiến mặt hàng này ngày càng trở nên khan hiếm. Hiện Malaysia là quốc gia thống trị thị trường găng tay cao su toàn cầu với thị phần 70%. Tuy nhiên, hiện thị trường này đã không sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Việt Nam mặc dù là quốc gia có sản lượng cao su lớn, thuận lợi về nguồn nguyên liệu, nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. 

Đơn cử, tại Công ty VRG-Khải Hoàn vẫn còn rất nhiều đơn đặt hàng từ thị trường EU và Mỹ. Dù các nhà máy của doanh nghiệp này đang tăng công suất tối đa, nhưng với số lượng đơn đặt hàng hiện tại phải đến tháng 7-2021 công ty mới đáp ứng được hết đơn hàng đã ký kết. Gần đây, Công ty VRG-Khải Hoàn đã liên tiếp gửi 2 văn bản tới chính quyền, Công an huyện Bàu Bàng (nơi có nhà máy của doanh nghiệp) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (liên doanh) báo cáo, kêu cứu, xin được hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự để công ty và người lao động yên tâm sản xuất.

Theo văn bản, rất nhiều tổ chức, cá nhân, thậm chí cả người nước ngoài tìm mọi cách thâm nhập trụ sở công ty, dùng vũ lực trấn áp nhân viên, ép VRG-Khải Hoàn bán sản phẩm găng tay y tế với số lượng lớn nhằm xuất đi nước ngoài. Thậm chí, nhiều nhóm người đến công ty hối lộ, chung chi để mong được mua găng tay. Theo ông Dương Duy Phú, Phó Tổng Giám đốc VRG-Khải Hoàn, hiện công ty vẫn giữ mức giá bán như lúc chưa có dịch bệnh, cụ thể giá mỗi thùng găng tay y tế bán tại nhà máy là 550.000 đồng/thùng (1.000 cái) và có tới 80% số lượng xuất đi các nước Mỹ, châu Âu; 20% còn lại chủ yếu được bán tại các cơ sở y tế; số lượng bán ra ngoài gần như không có. Do sản xuất không kịp đơn hàng nên ở thị trường tự do, các đầu nậu tìm mọi cách mua cho được găng tay y tế để xuất ra nước ngoài với giá gấp 2-3 lần giá niêm yết tại nhà máy của Công ty VRG-Khải Hoàn, nhưng vẫn không mua được. Do vậy, Công ty VRG-Khải Hoàn khuyến cáo mọi đối tượng mạo nhận là đối tác của công ty (ngoài danh sách các doanh nghiệp được niêm yết trên website của công ty) là không có cơ sở, thậm chí đa phần là lừa đảo; người có nhu cầu cần đề phòng, nêu cao cảnh giác để tránh bị mất tiền oan uổng.

Theo LẠC PHONG

https://www.sggp.org.vn/lua-dao-mua-ban-gang-tay-xuat-khau-683919.html

2,327 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết