Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7: Người lính hi sinh ở dinh Độc Lập ngày 30-4-1975

Đúng hơn một tháng sau tin vui nước nhà thống nhất 30-4-1975, gia đình ông Đào Nguyên Cường lại nhận tin dữ: anh Đào Nguyên Hồng hi sinh! Giấy báo tử ghi anh hi sinh ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập đúng thời khắc lịch sử kết thúc chiến tranh.

Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7: Người lính hi sinh ở dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 - Ảnh 1.

Chiến tranh kết thúc, nhưng anh chỉ trở về bằng di ảnh liệt sĩ và giấy báo tử – Ảnh: VŨ TUẤN

Phải đến gần trưa chúng tôi mới tìm được căn nhà của liệt sĩ Đào Nguyên Hồng ở thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Căn nhà “hiên tây mái chảy” đã cũ núp dưới bóng cây nhãn cổ thụ. Trong nhà thoang thoảng mùi hương.

Trước khi nhập ngũ hơn một tháng, gia đình chúng tôi đã làm đám hỏi cho anh Hồng. Một đám hỏi đơn sơ nhưng đầm ấm, yêu thương. Anh ấy hẹn chị hết chiến tranh sẽ về làm đám cưới.

Ông ĐÀO NGUYÊN CƯỜNG

Anh ngã xuống ngay ngày lịch sử

Ông Đào Nguyên Cường – em trai liệt sĩ Hồng – cho hay: “Anh Triển vừa ở đây về. Năm nào giỗ anh Triển cũng về thắp hương cho anh tôi”. Ông Phạm Ngọc Triển chính là bạn cùng chiến đấu ở đơn vị đại đội 10, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64A, sư đoàn 320A, Quân đoàn 3. Gia đình liệt sĩ Hồng từ lâu đã coi ông Triển như người nhà ruột thịt. Chính người đồng đội này của liệt sĩ Hồng kể lại ngày 28-4-1975, đơn vị hiệp đồng với binh chủng tăng thiết giáp đánh chiếm được Củ Chi, cửa ngõ phía Tây Sài Gòn.

Ông Triển, ông Hồng (tên thường gọi là Hùng) và ông Nguyễn Minh Chung (quê Lào Cai) cùng một tổ chiến đấu. “Lúc đó chúng tôi mới nhập ngũ được hơn 10 tháng. Anh Hồng hiền lành, anh em trong đơn vị ai cũng quý” – ông Triển ôn lại ký ức không thể nào quên với chúng tôi.

Ngày 30-4-1975, đơn vị của ông Triển theo hướng Hóc Môn, Bà Điểm tiến vào trung tâm Sài Gòn để chiếm dinh Độc Lập. “Chúng tôi đi nhờ xe khách của dân vào trung tâm. Khi cách dinh Độc Lập khoảng 1km thì xe không chạy nữa, chúng tôi xuống xe hành tiến theo đường Hồng Thập Tự (bây giờ là đường Nguyễn Thị Minh Khai) tiến vào dinh Độc Lập.

Đến trước cửa dinh Hoa Lan (nhà ông Dương Văn Minh) thì tốp của tôi có anh Hồng và anh Chung gặp một ổ đề kháng. Một khẩu đại liên đặt trên tầng hai dinh Hoa Lan bắn xuống xối xả. Anh Hồng nấp ở một gốc cây, tôi với anh Chung nấp ở một lô cốt ngay gần đó. Anh Hồng ra hiệu cho chúng tôi chuẩn bị tiếp cận, rồi anh nhoài người ra bắn áp chế về hướng ụ súng.

Khi bắn được vài loạt đạn thì anh Hồng bị trúng một viên vào đầu. Anh ấy ngã xuống, loang máu đỏ ngay trước mắt tôi. Lúc ấy là khoảng giữa trưa ngày 30-4-1975 lịch sử, bộ đội đã treo cờ được trên dinh Độc Lập. Chúng tôi tiếp tục bắn áp chế về hướng ụ súng vài loạt đạn nữa thì thấy ụ súng im. Tôi không biết có bắn trúng hay lính đối phương bỏ chạy”. Đơn vị của ông Triển được lệnh tiến vào dinh, anh Hồng được đơn vị tuyến sau lo liệu an táng cho liệt sĩ.

Ông Triển nhớ như in những đêm ngưng tiếng súng, nằm bên đường nói chuyện với liệt sĩ Hồng. “Anh ấy khoe với tôi có cô người yêu quê ở Hải Phòng. Vào Nam chiến đấu nhưng lúc nào anh cũng nhớ cô ấy. Anh nôn nao dự định hết chiến tranh sẽ làm đám cưới” – ông Triển chùng giọng, tay run run đưa cho tôi tờ giấy báo tử và bức thư chia buồn. Hai tờ giấy được ông Triển giữ như báu vật, lúc bố mẹ liệt sĩ Hồng còn sống đã ủy quyền cho ông giữ vì đã coi ông như anh em ruột thịt của người con đã hi sinh. Tờ giấy nhuốm màu thời gian ghi rõ: Liệt sĩ Đào Nguyên Hồng, hi sinh ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập – Sài Gòn.

Ông Đào Nguyên Cường kể lại, gia đình ông quê ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 1962, gia đình chuyển lên xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) khai hoang. “Một lần chúng tôi theo bố mẹ về quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, anh Hồng quen chị Hường. Họ yêu nhau, biên thư cho nhau suốt. Trước khi nhập ngũ khoảng hơn một tháng thì gia đình chúng tôi đã làm đám hỏi cho anh Hồng. Một đám hỏi đơn sơ nhưng đầm ấm, yêu thương. Anh ấy hẹn chị hết chiến tranh sẽ về làm đám cưới.

Rồi hết chiến tranh, tin báo chiến thắng dồn dập, nhà nhà hân hoan, nhưng không có tin tức gì của anh tôi. Mãi sau chúng tôi mới nhận được thư nhưng lại là giấy báo tử của anh. Mẹ tôi suy sụp vì thương anh. Chị Hường cũng đau đớn, suy sụp. Hơn chục năm sau, hai gia đình khuyên bảo mãi chị ấy mới chịu lấy chồng” – ông Cường ngậm ngùi kể.

 
Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7: Người lính hi sinh ở dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 - Ảnh 3.

Di ảnh liệt sĩ Đào Nguyên Hồng

45 năm tìm mộ anh

Chiến tranh kết thúc, đến thời khó khăn kinh tế. Cho đến tận bây giờ, gia đình ông Cường vẫn chưa có điều kiện để viếng mộ liệt sĩ Hồng. “Trước khi bố mẹ tôi mất, ông bà có ước nguyện tìm lại được mộ của anh tôi. May có anh Triển, anh ấy đã giúp gia đình tôi tìm lại phần mộ của anh tôi”.

Tờ giấy báo tử ghi liệt sĩ Hồng được an táng tại mộ số 15, nghĩa trang Gia Định. Thế nhưng khi ông Triển tìm lại được gia đình bạn chiến đấu thì nghĩa trang Gia Định không còn. Chiến tranh kết thúc, đơn vị ông Triển tập kết ở Tây Nguyên. Năm 1980, ông chiến đấu ở chiến trường K, cùng quân dân Campuchia đánh Pol Pot. Khoảng năm 1984 ông về công tác tại báo Hoàng Liên Sơn, tòa soạn ở Yên Bái.

Đến năm 1991, tái lập tỉnh Lào Cai, ông Triển về báo Lào Cai. Năm ấy ông viết một bài xúc động về chính người đồng đội hi sinh ngay trước cửa dinh Độc Lập. Bài báo ấy được người nhà giữ lại. Em rể liệt sĩ Hồng mang bài báo gặp ông Triển để nhờ ông tìm mộ. “Đến lúc ấy tôi mới biết gia đình bạn tôi chưa tìm được mộ anh ấy. Tôi nhờ anh Vũ Cao (phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng) đi tìm giúp. Nghĩa trang Gia Định lúc ấy đã không còn, không ai biết mộ anh Hồng đã chuyển đi đâu”.

Ông Vũ Cao đã tìm khắp các nghĩa trang liệt sĩ khu vực TP.HCM chỉ thấy một phần mộ tại nghĩa trang Tân Thạnh Tây ghi tên liệt sĩ Đào Thiên Hùng. Hơn 40 năm đất nước thống nhất, gia đình chưa tìm lại được phần mộ. Trong giấy báo tử ghi tên liệt sĩ Đào Nguyên Hồng, tên ở nhà thường gọi là Hùng, còn bia mộ lại ghi tên Đào Thiên Hùng.

Năm 2000, nhân một chuyến công tác vào TP.HCM, ông Triển tìm đến nghĩa trang Tân Thạnh Tây. Ông đến thắp hương ở phần mộ của liệt sĩ Đào Thiên Hùng nhưng không nghĩ đó chính là bạn mình. “Cách đây vài tháng, tôi tình cờ đọc được thông tin trên trang web lietsi.com. Trong đó có thông tin “Liệt sĩ Đào Nguyên Hồng, an táng tại nghĩa trang Tân Thạnh Tây”. Tôi tra lại ngày sinh, ngày nhập ngũ, đơn vị… khẳng định phần mộ của liệt sĩ Đào Thiên Hùng đúng là của liệt sĩ Đào Nguyên Hồng” – ông Triển xúc động kể.

“Tôi thấy ấm lòng khi phần mộ của bạn tôi được an táng rất trang trọng. Gia đình anh Hùng cũng được an ủi. Họ rất xúc động khi biết anh mình được hương khói chu đáo. Anh Cường mong muốn có dịp đến thăm mộ của anh trai. Gia đình anh ấy còn khó khăn quá” – ông Triển trải lòng.

Muốn tặng kỷ vật liệt sĩ cho bảo tàng
ky vat
Tờ giấy báo tử, thư chia buồn và những bức ảnh của liệt sĩ Đào Nguyên Hồng được ông Triển gìn giữ như kỷ niệm. Ông dự định sẽ tặng những kỷ vật này cho Bảo tàng tỉnh Lào Cai để tri ân người đồng đội đã ngã xuống trước cửa dinh Độc Lập ngay trong thời khắc lịch sử của ngày thống nhất đất nước 30-4-1975.

Theo VŨ TUẤN

https://tuoitre.vn/ky-niem-ngay-thuong-binh-liet-si-27-7-nguoi-linh-hi-sinh-o-dinh-doc-lap-ngay-30-4-1975-20200727083602517.htm
1,445 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết