Kinh tế toàn cầu từng bước phục hồi

Các nền kinh tế lớn trên thế giới, từ nửa cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, bước đầu đã đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan, khiến giới quan sát có thể hy vọng vào triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng. Do đa số các nước giờ không còn theo đuổi mục tiêu “Zero Covid” nên nhiều chương trình phục hồi kinh tế được mạnh dạn tung ra.
 
Hoạt động nhộn nhịp tại sân bay quốc tế Heathrow, Anh sau khi Mỹ và châu Âu nối lại các chuyến bay

Hoạt động nhộn nhịp tại sân bay quốc tế Heathrow, Anh sau khi Mỹ và châu Âu nối lại các chuyến bay

Chương trình phục hồi kinh tế đa dạng Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã theo đuổi 2 nội dung chính trong chương trình phục hồi kinh tế của nước này sau thông tin về việc làm mới trong tháng 9 không khả quan. Dự luật thứ nhất tập trung vào các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Mỹ như đường sá, cầu, cảng… với chi phí khoảng 1.500 tỷ USD. Dự luật thứ hai dành 3.500 tỷ USD tập trung vào các khoản đầu tư để giúp nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thị trường việc làm của Mỹ trong tháng 9 chỉ tăng 194.000 việc làm, thấp hơn một nửa so với dự báo 500.000, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 5,2% trong tháng 8 xuống 4,8% trong tháng 9. Đảng Dân chủ đặt mục tiêu ngày 31-10, lưỡng viện Quốc hội sẽ thông qua cả hai dự luật của ông Biden. Tuy nhiên, số tiền chi ra có thể thấp hơn. Tại châu Âu, thỏa thuận gần đây của Liên minh châu Âu (EU) về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thể hiện một bước chưa từng có để hội nhập sâu rộng hơn. Nhưng sự thành công sẽ phụ thuộc vào cách phân bổ và giám sát các khoản hỗ trợ tài chính. Gói hỗ trợ tập trung vào các khoản tài trợ và cho vay để xanh hóa nền kinh tế, số hóa các cơ quan hành chính công và cải cách nền kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp của khối.  Trung Quốc đang đặt mục tiêu nâng sức mạnh kinh tế lên một giai đoạn mới trong 5 năm tới. Kế hoạch chi tiết sâu rộng đặt trọng tâm vào việc cải thiện điều kiện kinh tế trong nước, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ và an ninh quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử nước này, kế hoạch 5 năm không đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cụ thể. Thay vào đó, kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) nhấn mạnh các chỉ số khác như tỷ lệ thất nghiệp, tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon dioxide, phù hợp với sứ mệnh cải thiện sinh kế của người dân và chất lượng phát triển. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu trong quá trình phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Trong những năm tới, Trung Quốc tập trung vào sáng kiến khác nhau trong các lĩnh vực như: tiêu dùng, bảo vệ môi trường, cải cách và mở cửa thị trường nhằm mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đang thúc đẩy mô hình phục hồi kinh tế đầy tham vọng. Ông Kishida hướng tới tăng trưởng thông qua các biện pháp: nới lỏng tiền tệ tích cực, chi tiêu tài khóa linh hoạt đi cùng chiến lược tăng trưởng phù hợp. Mô hình này tương tự như của những người tiền nhiệm Yoshihide Suga và Shinzo Abe. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sẽ thu hẹp chênh lệch thu nhập và tạo ra một chu kỳ tăng trưởng, phân phối tài sản hợp lý như một trụ cột trong chính sách kinh tế của mình. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có kế hoạch phục hồi kinh tế gắn kết với du lịch. Thái Lan lên kế hoạch thu hút 1 triệu khách du lịch chất lượng cao đến nước này vào quý 1-2022, xem đây là một kế hoạch chi tiết quan trọng để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo Báo Bangkok Post, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Supattanapong Punmeechaow cho biết, thay vì dựa vào 40 triệu khách du lịch để đạt doanh thu 2.000 tỷ baht (59,47 tỷ USD), Thái Lan sẽ chuyển sang tập trung vào nhóm khách du lịch chất lượng, những người có thể chi tiêu nhiều hơn. Điều này tốt cho môi trường và tài nguyên thiên nhiên của Thái Lan.  Gia tăng hợp tác khu vực

Bên cạnh các mô hình phục hồi kinh tế của từng nước, hợp tác kinh tế khu vực để phục hồi kinh tế hậu Covid-19 cũng là một sáng kiến. Theo CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước công bố quan hệ đối tác mới với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mục tiêu rõ ràng là chống tham nhũng và thúc đẩy cơ sở hạ tầng “chất lượng cao”. Theo ông Blinken, thay vì chạy đua khai thác tài nguyên, sử dụng lao động địa phương ồ ạt, tạo gánh nặng nợ nần cho đối tác, Mỹ sẽ cùng với các chính phủ đối tác, khu vực tư nhân khơi dậy một cuộc đua “đỉnh cao” về cơ sở hạ tầng chất lượng, bền vững trên toàn thế giới.  Trung Quốc cũng không muốn thua kém Mỹ khi khẳng định Thỏa thuận Thương mại tự do lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc – ASEAN và tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế của khu vực sau đại dịch Covid-19. RCEP với 15 quốc gia thành viên thuộc châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN. Ông Ren Hongbin, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, RCEP sẽ “mở ra một chương mới cho quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc – ASEAN”. Bắc Kinh tin rằng thỏa thuận thương mại chiếm 30% GDP toàn cầu này có tiềm năng phát triển lớn, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho cuộc chiến chống đại dịch và phục hồi kinh tế ở Đông Á và trên toàn cầu. Ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN, cho biết RCEP có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch trong khu vực bằng cách liên kết các chuỗi giá trị khu vực chặt chẽ hơn.  Thuận lợi và thách thức

Những tiến bộ trong hoạt động tiêm chủng vaccine Covid-19 và kiểm soát dịch trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dỡ bỏ dần các hạn chế để mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản khiến đà phục hồi của kinh tế thế giới trở nên mong manh. Trong dự báo mới nhất, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tỏ ra lạc quan về hoạt động thương mại – công cụ quan trọng để thúc đẩy khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu. WTO dự báo năm 2021, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt tới 10,8%, tăng 2,8% so với con số công bố tháng 3 vừa qua. Mức dự báo cho năm 2022 là 4,7%, tăng 0,7% so với dự báo trước đó. WTO nhận định, từ năm sau, mọi hoạt động thương mại sẽ dần quay trở lại mức vào thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Một lĩnh vực khác góp phần thúc đẩy nền kinh tế là du lịch đang ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trở lại. Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO) cho biết, trong tháng 7, khoảng 54 triệu lượt người trên thế giới đi du lịch nước ngoài, mức cao nhất kể từ tháng 4-2020, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020. Du lịch thế giới bắt đầu phục hồi sau khi nhiều nước – chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ, mở cửa trở lại các điểm đến du lịch với khách nước ngoài. Với những dữ liệu tích cực này, UNWTO hy vọng du lịch toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2022 và đến năm 2023-2024 có thể quay trở về mức tăng trưởng ghi nhận trước đại dịch Covid-19. Dấu hiệu khởi sắc của “ngành công nghiệp không khói” đã tác động tích cực đến triển vọng của lĩnh vực hàng không. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định, hoạt động kinh doanh của ngành hàng không thế giới sẽ dần phục hồi và mức thua lỗ được dự báo sẽ giảm mạnh từ 51,8 tỷ USD của năm 2021 xuống còn 11,6 tỷ USD năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, phân phối vaccine không công bằng và nguy cơ lạm phát trong bối cảnh đại dịch là những trở ngại chính kìm hãm đà phục hồi này, khiến tăng trưởng kinh tế thế giới thấp hơn mức dự báo 6% mà tổ chức này đưa ra trước đó. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo, nếu không thể thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm phòng hiện nay giữa các nước phát triển và các nước nghèo hơn, GDP toàn cầu có thể mất đi 5.300 tỷ USD trong 5 năm tới. Ngoài ra, những vấn đề tồn tại trong chuỗi cung ứng cũng đang đặt ra không ít khó khăn đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuần qua, thế giới đã chứng kiến những ví dụ điển hình về tình trạng căng thẳng nguồn cung, từ việc Trung Quốc khan hiếm than đá cung cấp cho các nhà máy điện, Anh thiếu lái xe bồn chở nhiên liệu, đến giá khí đốt tăng mạnh trên toàn châu Âu khi cầu vượt quá cung…

Theo chuyên gia Jacob Kirkegaard tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) ở Washington, những vấn đề về chuỗi cung ứng khó có thể gây ra một cú sốc đủ lớn để đẩy kinh tế toàn cầu về vùng suy giảm 2 chữ số. Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia đều nhất trí rằng, đại dịch Covid-19 vẫn là yếu tố gây nguy cơ lớn nhất với tiến trình phục hồi kinh tế. 

KHÁNH MINH tổng hợp (SGGPO)

https://www.sggp.org.vn/kinh-te-toan-cau-tung-buoc-phuc-hoi-767982.html

1,556 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết