Kịch bản đáng sợ: chủng Delta tiếp tục đột biến

 Số ca nhiễm biến chủng Delta đang gia tăng. Phải tiêm đầy đủ hai liều vắc xin ngừa COVID-19 mới đối phó được biến thể này.

Kịch bản đáng sợ: chủng Delta tiếp tục đột biến - Ảnh 1.
 

Khử khuẩn tại nhà ga Rizhsky ở Matxcơva (Nga) ngày 17-6 – Ảnh: REUTERS

Từ lâu giới khoa học đã lo ngại khả năng virus SARS-CoV-2 phát sinh một biến chủng hội đủ ba yếu tố nguy hiểm gồm dễ lây lan hơn, gây bệnh nặng hơn và thoát khỏi hiệu quả của vắc xin.

Không may biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) đã hội đủ ba yếu tố này như GS Mark Woolhouse ở Đại học Edinburgh (Anh) đánh giá.

Biến thể Delta hoành hành

GS Bob Wachter ở Đại học California (Mỹ) nhận xét: “Quả thật đáng sợ!”.

Tại cuộc họp báo ngày 18-6, bà Soumya Swaminathan – nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – đã cảnh báo: “Biến thể Delta đang trở thành biến thể thống trị trên thế giới do khả năng lây nhiễm gia tăng”.

Tại Mỹ, GS Eric Topol – giám đốc Viện nghiên cứu Scripps – ghi nhận với trang web Business Insider: “Biến thể Delta đang rất phổ biến”.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đánh giá biến thể Delta là biến thể đáng lo ngại.

Biến thể Delta đã chiếm 10% số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ và dự kiến sẽ trở thành chủng virus thống trị trong vài tuần nữa.

Tại Canada, trong tuần này số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta tăng vọt 66%.

Tại châu Âu, số ca nhiễm biến thể Delta ở Anh, Đức và Nga tăng nhanh.

Biến thể Delta chiếm gần 90% số ca mắc COVID-19 mới ở Nga. Còn tại Anh, biến thể Delta đang chiếm 96% số ca nhiễm mới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson dự tính dỡ bỏ đợt phong tỏa thứ tư vào ngày 21-6.

Rốt cuộc ông phải tuyên bố kéo dài phong tỏa thêm một tháng (đến ngày 19-7) vì lo ngại biến thể Delta.

Tại Đức, GS Lothar Wieler – chủ tịch Viện Robert Koch – dự báo: “Biến thể Delta đang chiếm 6% số ca COVID-19 nhưng tỉ lệ này đang tăng… Chậm nhất đến mùa thu, biến thể Delta sẽ chiếm thế thượng phong”.

 

Ông kêu gọi người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang trong nhà và tiêm chủng vắc xin.

Kịch bản đáng sợ: chủng Delta tiếp tục đột biến - Ảnh 2.

Thông báo phát hiện biến thể COVID-19 đáng lo ngại ở Hounslow (Anh) ngày 11-6 – Ảnh: GETTY IMAGES

Tiêm một liều chưa đủ đô

Theo kênh truyền hình France Info, các nghiên cứu về biến thể Delta đều ghi nhận so với biến thể Alpha (phát hiện ở Anh), biến thể Delta dễ lây hơn 60% và tăng gấp đôi nguy cơ phải nhập viện.

TS Raghib Ali ở Đại học Cambridge (Anh) đánh giá: “Trong khi hàng triệu người chưa tiêm vắc xin hoặc chỉ được tiêm một liều, khả năng lây của biến thể Delta càng lớn, đồng nghĩa với số bệnh nhân nhập viện tăng lên”.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đánh giá các loại vắc xin được tiêm ở Anh vẫn đạt hiệu quả chống biến thể Delta nhưng phải tiêm đủ hai liều mới phát huy hiệu quả.

Theo Cơ quan Y tế công cộng Anh, vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% đối với bệnh có triệu chứng do biến thể Delta và vắc xin AstraZeneca đạt 60% nếu tiêm đủ liều.

Còn nếu chỉ tiêm một liều, hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech chỉ đạt 36% và vắc xin AstraZeneca chỉ 30%.

Một số chuyên gia lo ngại biến thể Delta có thể làm tăng số ca “nhiễm đột phá” (phát hiện virus hoặc kháng nguyên SARS-CoV-2 sau 14 ngày nơi người đã tiêm đủ vắc xin).

GS Bob Wachter còn lo ngại biến thể Delta có thể biến ca nhiễm nhẹ thành ca nghiêm trọng hơn, đặc biệt đối với người già hoặc người bị suy giảm miễn dịch.

Ông lưu ý: “Một người 80 tuổi được tiêm vắc xin đầy đủ không đạt cùng mức miễn dịch như người 30 tuổi”.

Kịch bản đáng lo nhất trong tương lai là biến thể Delta tiếp tục đột biến và vắc xin hiện tại sẽ kém hiệu quả hoặc không còn hiệu quả ngăn ngừa nữa.

Kịch bản đáng sợ: chủng Delta tiếp tục đột biến - Ảnh 3.

Xét nghiệm xem có nhiễm biến thể SARS-CoV-2 ở Bordeaux (Pháp) – Ảnh: AFP

Theo Hoàng Duy Long (tuoitre Online)

https://tuoitre.vn/kich-ban-dang-so-chung-delta-tiep-tuc-dot-bien-20210619180718188.htm

2,028 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết