Không để thiếu vật tư, thiết bị y tế chống dịch

Tính đến ngày 27-7, số ca mắc Covid-19 tại nước ta đã vượt mốc 100.000 ca. Lường trước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, cùng các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chuẩn bị để ứng phó với quyết tâm không để khan hiếm, thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch.
 
Trang bị thiết bị mới, hiện đại sẽ giúp việc điều trị bệnh nhân được thuận lợi hơn tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trang bị thiết bị mới, hiện đại sẽ giúp việc điều trị bệnh nhân được thuận lợi hơn tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Rút ngắn quy trình đấu thầu

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM tăng nhanh khiến các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 trở nên quá tải. Đặc biệt, dù chỉ tiếp nhận các bệnh nhân F0 không triệu chứng, nhưng do khả năng nhận bệnh của tầng trên đang ngày càng thấp thì các bệnh viện dã chiến bắt buộc phải xử lý tại chỗ trong các trường hợp bệnh nhân chuyển tuyến. Thế nhưng, thực tế nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết, họ thiếu một số trang thiết bị cần thiết trong điều trị Covid-19 như: máy thở, máy thở di động, thiết bị ECMO (tim phổi nhân tạo), máy monitor (thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân), oxy, khẩu trang N95, đồ bảo hộ, xe cấp cứu… 

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Tâm, Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 1, hiện nay đơn vị này đang có khoảng 4.500 ca F0 không có triệu chứng và có 250 y bác sĩ đang làm việc tại đây. “Trung bình một ngày các BS phải dùng đến 4 – 5 khẩu trang, nếu được trang bị thêm, chúng tôi sẽ an tâm hơn, bên cạnh đó, chúng tôi cần thêm xe cứu thương để có thể vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên kịp thời”, BS Nguyễn Thành Tâm nói.

Tương tự, lãnh đạo Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi cho biết, hiện đơn vị đang điều trị cho 700 trường hợp bệnh nhân từ nhẹ đến nặng, tuy nhiên chỉ có 20 máy monitor và thường xuyên phải đi mượn máy thở từ các đơn vị khác. “Chúng tôi cần thêm 2 máy thở di động và 80 máy monitor để phục vụ điều trị cho bệnh nhân nặng”, BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi cho hay. Tình cảnh thiếu thốn cũng diễn ra tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Gò Vấp.

Ở tầng cuối cùng trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cũng phải lên tiếng vì thiếu trang thiết bị y tế. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, vừa có văn bản hỏa tốc gửi Thành ủy, UBND TPHCM và Sở Y tế đề xuất khẩn trương điều phối trang thiết bị tối cần thiết cho bệnh viện như: Máy thở không sử dụng khí nén trung tâm, máy monitor 6 thông số, máy nội soi phế quản, máy sưởi ấm bệnh nhân…

Theo BS Nguyễn Tri Thức, hiện có trên 800 trang thiết bị với 23 chủng loại, trong khi để điều trị 460 bệnh nhân phải cần đến 2.000 đơn vị trang thiết bị, trong đó có máy ECMO, máy thở, máy lọc máu…

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM đã làm việc đối với các đơn vị sản xuất oxy. Đối với các bệnh viện cũ hoạt động theo mô hình 50% điều trị, 50% phục vụ bệnh nhân mắc Covid-19 thì hầu như các bệnh viện đều đủ oxy. Đối với các bệnh viện dã chiến, có doanh nghiệp đặt 3 bồn oxy cao áp, mỗi bồn 10 tấn, sẽ lắp đặt tại các bệnh viện dã chiến. “Việc cung ứng oxy đáp ứng được nhu cầu điều trị cho các bệnh viện dã chiến của TPHCM”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam khẳng định.
Không để thiếu vật tư, thiết bị y tế chống dịch  ảnh 1
Bộ phận phụ trách thiết bị y tế Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 6 tiếp nhận thiết bị y tế mới cấp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Số lượng lớn trang thiết bị y tế đã vào TPHCM 

Trước số ca mắc tăng cao tại TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết định thành lập kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ngay sau khi kho dã chiến được thành lập, Bộ Y tế đã chuyển đến đây một lượng lớn trang thiết bị y tế, với gần 399 máy thở các loại. Cùng với đó, Bộ Y tế đã huy động 60 hệ thống thở oxy dòng cao, 32 máy lọc máu liên tục, 113 máy theo dõi bệnh nhân, 290 máy tạo oxy, 221 bơm tiêm điện, 160 máy truyền dịch, 13 máy phun khử khuẩn đến kho dự trữ này. 

Ngoài ra, còn có 125.000 khẩu trang N95, 14.500 bộ quần áo chống dịch các loại và hơn 12 triệu khẩu trang y tế. Theo Bộ Y tế, ngoài số trang thiết bị, vật tư y tế được chuyển tới kho dã chiến trên, bộ đã chuyển 3 hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) cho TPHCM (2 hệ thống) và Đồng Nai (1 hệ thống). Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cấp tiếp 500 hệ thống oxy cao áp do một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ. Cùng với đó, Tập đoàn Vingroup đã chuyển 800 máy thở do tập đoàn sản xuất để hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bộ sẽ tiếp tục điều chuyển, hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam trang thiết bị y tế từ nguồn một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ khi nhận được hàng để bảo đảm 2.000 máy thở các loại.

“Chúng tôi tin rằng sẽ đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch tại đây cũng như các địa phương khác trên toàn quốc”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định và cho biết, bộ đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các bệnh viện triển khai mọi giải pháp không để thiếu oxy, cho điều trị Covid-19. Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000m³ khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm 50%-100% công suất. Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất oxy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ và tăng khả năng phân phối cho các cơ sở điều trị để đảm bảo có đủ oxy phục vụ người bệnh.

Sở Y tế TPHCM đã có văn bản đề xuất Thường trực UBND TPHCM, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xem xét chấp thuận chủ trương giao Sở Y tế chủ động rà soát và phê duyệt danh mục, số lượng theo nhu cầu thực tế phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Trong đó, Sở Y tế đề nghị cho phép đơn vị này tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại khoản 1 điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.   Để gỡ khó kịp thời cho các bệnh viện điều trị Covid-19, lãnh đạo UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Y tế huy động một số trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO, máy theo dõi bệnh nhân… có sẵn từ các bệnh viện TPHCM; thực hiện chuyển đổi nhanh các cơ sở hạ tầng sẵn có trở thành bệnh viện dã chiến, sớm đưa vào hoạt động. Thành phố cũng thành lập Trung tâm Mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trực thuộc UBND TPHCM để kịp thời mua sắm các trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu điều trị của các cơ sở cách ly, bệnh viện.

THÀNH AN – NGUYỄN QUỐC (SGGP Online) https://www.sggp.org.vn/khong-de-thieu-vat-tu-thiet-bi-y-te-chong-dich-749662.html

919 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết