Hôm nay, Quốc hội bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch nước

Theo chương trình kỳ họp thứ 7, từ cuối giờ chiều nay 21-5, Quốc hội sẽ bắt đầu tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2025.

 
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 - Ảnh: GIA HÂN
 

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 – Ảnh: GIA HÂN

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, vào cuối chiều 21-5, Quốc hội bắt đầu tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2025. Cụ thể, từ 16h30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau đó, các đại biểu sẽ về thảo luận tại đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Các quy trình tiếp theo sẽ thực hiện vào sáng 22-5. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước (nếu có). Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Tiếp đó, Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ theo quy định. Chủ tịch nước cũng sẽ có phát biểu nhậm chức. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm – bộ trưởng Bộ Công an – để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2025 tại kỳ họp thứ 7.

Tiêu chuẩn của Chủ tịch nước

Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước có 8 nhiệm vụ và quyền hạn. Đó là công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh, đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh, tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng Nhà nước, danh hiệu vinh danh Nhà nước… Cùng với đó, là thống lĩnh Lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng… Còn theo quy định 214 của Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch nước phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Cũng theo chương trình làm việc, trong sáng 21-5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Buổi chiều, trước khi họp riêng về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo Thành Chung https://tuoitre.vn/hom-nay-quoc-hoi-bat-dau-quy-trinh-bau-chu-tich-nuoc-20240520195319406.htm
118 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết