Hội nghị Mekong - Lan Thương: Kêu gọi chia sẻ dữ liệu nguồn nước

Hội nghị cấp cao Mekong – Lan Thương giữa Trung Quốc và 5 nước Mekong ngày 24-8 đã dành nhiều thời gian thảo luận về hợp tác quản lý nguồn nước Mekong nhưng không quên vấn đề cấp bách trước mắt là đại dịch COVID-19.

Hội nghị Mekong - Lan Thương: Kêu gọi chia sẻ dữ liệu nguồn nước - Ảnh 1.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ ba

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Lan Thương lần 3 (MLC) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Nhận lời mời của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội nghị.

Trung Quốc hứa hẹn

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung hợp tác quản lý và sử dụng nguồn nước Mekong đã được các nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian thảo luận trong bối cảnh tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng tại lưu vực sông.

Phát biểu trong hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ lũ lụt và hạn hán như những tháng vừa qua, các nước cần chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn cả năm của cả lưu vực sông Mekong từ thượng nguồn ở Trung Quốc xuống đến hạ nguồn ở Việt Nam.

Song song đó, cần phải tăng cường mạng lưới các trạm quan trắc tự động tài nguyên nước, củng cố hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai và phối hợp với Ủy hội sông Mekong (MRC) cũng như các đối tác quốc tế.

Liên quan tình hình dịch COVID-19, Thủ tướng Việt Nam kêu gọi các nước chú ý phối hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Các thông tin kinh nghiệm về dịch bệnh nên được chia sẻ thường xuyên và kịp thời, minh bạch, nhất là trong hợp tác sản xuất và phân phối vắcxin cho người dân trong khu vực.

Trong Hội nghị MLC ngày 24-8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết kể từ năm nay Trung Quốc sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn thượng nguồn Mekong nhằm “giải quyết tốt hơn vấn đề biến đổi khí hậu cũng như lũ lụt và hạn hán” ở các nước hạ nguồn.

Gọi 6 quốc gia trong MLC là “một cộng đồng trên thực tế với một tương lai chung được liên kết bởi cùng một nguồn nước”, ông Lý nhấn mạnh sự hợp tác giữa các nước bắt nguồn từ nước và chính con sông này đã thúc đẩy tinh thần hữu nghị giữa các quốc gia.

“Trung Quốc sẵn sàng cung cấp nhiều hỗ trợ hơn trong khả năng của mình để các nước trong MLC sử dụng tốt hơn tài nguyên nước”, thủ tướng Trung Quốc khẳng định với 5 nhà lãnh đạo còn lại. Đồng thời ông Lý cũng cam kết sẽ ưu tiên cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước Mekong một khi hoàn tất phát triển và đưa vào sử dụng.

Câu hỏi về sự minh bạch

Cam kết chia sẻ dữ liệu thủy văn của ông Lý rất đáng chú ý trong bối cảnh Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc nói 11 đập thủy điện Trung Quốc xây trên dòng Mekong đang trữ nước, gây ra cảnh hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy tại hạ nguồn. Việc Trung Quốc đưa ra cam kết từ cấp cao như vậy là một điều đáng ghi nhận mặc dù theo một số nhà quan sát lẽ ra nên làm từ lâu. Các quốc gia Mekong như Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan đã chia sẻ dữ liệu thủy văn thông qua MRC.

Theo báo cáo được MRC công bố đầu tháng 8, mực nước tại các con sông ở hạ nguồn Mekong xuống thấp là do lượng mưa giảm trong hai năm và hoạt động của 13 đập thủy điện trên dòng Mekong (2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc). Vấn đề không chỉ nằm ở 11 con đập này mà còn ở hệ thống gần 100 hồ chứa đã được xây dựng ở tỉnh Vân Nam để trữ nước từ dòng Mekong, theo Trung tâm Stimson (Mỹ). “Điều đó đã biến thượng nguồn Mekong thành một dòng sông chết”, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Stimson viết.

Mức độ chia sẻ dữ liệu thủy văn của Trung Quốc cũng cần được tính đến. “Trong 16 năm qua, Trung Quốc chỉ chia sẻ dữ liệu đo được tại hai trạm của họ vào mùa mưa. Dù góp phần giúp các nước hạ nguồn dự báo được lũ lụt, các dữ liệu này không có nhiều ý nghĩa cho những mục đích quản lý và dự báo khác trên dòng Mekong”, báo cáo của MRC kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu từ nhiều trạm quan trắc hơn trong cả mùa mưa lẫn mùa khô.

Việt Nam đề xuất 5 tiêu chí Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những tiêu chí để thực hiện thành công các mục tiêu trong tầm nhìn Mekong – Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. (i) hợp tác trên cơ sở lòng tin, quan hệ chân thành, thẳng thắn, hữu nghị; (ii) bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế; (iii) lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững là nội dung xuyên suốt; (iv) chú trọng tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung và bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước thành viên; (v) hoạt động có trọng tâm, trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nước thành viên; phối hợp hài hòa với ASEAN và các cơ chế hợp tác Mekong khác.

Theo DUY LINH

https://tuoitre.vn/hoi-nghi-mekong-lan-thuong-keu-goi-chia-se-du-lieu-nguon-nuoc-20200825071331271.htm
1,157 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết