Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề về thực trạng giá điện chưa bám sát cơ chế thị trường – Ảnh: CTV
Tại sao giá điện “chỉ có tăng?”
Đó là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên tại phiên giải trình. “Cả giá điện đầu vào, giá điện bán ra đều chưa bám sát cơ chế thị trường nên giảm động lực phát triển, có phải như vậy không?” – Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hỏi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để từng bước hoàn thiện môi trường điện cạnh tranh. Đến nay môi trường phát điện cạnh tranh đã hoàn chỉnh, 94 nhà máy điện đã tham gia thị trường này. Môi trường bán buôn điện cạnh tranh từng bước được hoàn thiện.
Khâu cuối cùng là bán lẻ điện cạnh tranh, hiện nay đang tiến hành thí điểm để đến năm 2024 thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn. “Theo đó, giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Hoàng Quang Hàm chất vấn: “Từ năm 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá điện bán lẻ, trong đó cả 9 lần đều điều chỉnh tăng chứ không điều chỉnh giảm. Có ý kiến cho rằng biểu giá bán lẻ lỗi thời… Xin hỏi đến bao giờ chúng ta có thể bàn chuyện giảm giá điện?”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích thực tế là từ năm 2011 đến nay chúng ta chưa đảm bảo được cân đối giá thành sản xuất điện của EVN và các nhà sản xuất khác. Các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất điện luôn tăng chứ chưa giảm.
Hơn nữa, theo Luật giá thì chúng ta quy định biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng phê duyệt để đảm bảo điều tiết kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Vừa qua, do tác động của dịch COVID-19, giá dầu và giá ga trên thế giới có giảm, bộ cũng đã chủ động cùng với EVN đề xuất phương án giảm khoảng 10% giá điện (khiến EVN giảm doanh thu hơn 10.000 tỉ đồng), góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu ngành công thương cũng khẳng định đang tích cực nghiên cứu, hoàn thiện các phương án về biểu giá bán lẻ điện. Vừa qua, sau khi lấy ý kiến nhân dân, trong đó dư luận phản ánh những điểm chưa phù hợp, bộ đã chỉ đạo tiếp thu tối đa để nghiên cứu, tiếp tục điều chỉnh các phương án cho thật sự phù hợp thì mới áp dụng.
Đồng tình với đại biểu Hàm về quan điểm phải thật sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong phát triển điện lực theo cơ chế thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định rằng đến năm 2024 khi đủ điều kiện để thị trường hóa hoàn toàn trong lĩnh vực điện năng thì Nhà nước sẽ không can thiệp giá, giá điện tăng, giảm sẽ do thị trường quyết định.
“Khi đó chúng ta chỉ áp dụng các chính sách hỗ trợ giá điện với người nghèo, các đối tượng chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu 6 kiến nghị nhằm đảm bảo đủ nguồn cung điện
1. Bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỉ đồng đến dưới 5.000 tỉ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư. Kiến nghị thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án này thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.
3. Cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.
4. Đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cho phép chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
5. Cho phép các dự án điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
6. Xem xét ủy quyền cho các bộ quản lý ngành một số nội dung công việc trong quá trình triển khai xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch ngành.
Theo LÊ KIÊN