Gánh nặng bệnh không lây nhiễm

Thời gian qua, chỉ số chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam đã có nhiều cải thiện, song vẫn phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong, nhất là với bệnh không lây nhiễm. Các chuyên gia y tế cho rằng, nước ta đang phải đối mặt và giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì các bệnh không lây nhiễm cũng có xu hướng gia tăng nhanh.
 
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng khả năng chống chọi bệnh tật

Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng khả năng chống chọi bệnh tật

Chiếm 70% gánh nặng bệnh tật toàn quốc 

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tiếp nhận và điều trị cho ông N.V. E. (63 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện do lên cơn đau ngực đột ngột, kèm triệu chứng khó thở. Ông E. có tiền căn về tim mạch như suy tim, rung cuồng nhĩ đã chuyển nhịp, hẹp động mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và nhồi máu não cũ. Kết quả kiểm tra cho thấy, ông E. bị hẹp 70% động mạch vành, mảng xơ vữa hỗn hợp gồm mô sợi và canxi bóc tách vào lớp nội mạc một góc 900. Người bệnh được bác sĩ tiến hành can thiệp bằng phương pháp đặt stent động mạch vành, đồng thời kê toa thuốc điều trị. Sau gần 1 tuần theo dõi, ông được xuất viện, tình trạng sức khỏe ổn định.

GS-TS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, nguyên nhân gây bệnh động mạch vành chủ yếu do xơ vữa động mạch. Người bệnh càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh và bị tổn thương do tác động của bệnh động mạch vành gây ra tăng lên theo cấp số nhân thay vì cấp số cộng. Ba yếu tố nguy cơ không tác động được là giới tính (nam có xu hướng mắc động mạch vành cao hơn nữ), tuổi tác và tiền sử bệnh của người thân trong gia đình. Còn lại, nhóm yếu tố nguy cơ có thể tác động cần được cải thiện để giảm khả năng mắc bệnh bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động, uống nhiều rượu bia…

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám, chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế. Thế nhưng, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhìn nhận thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc, và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. 

Ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội

Tại cuộc họp triển khai hoạt động hợp tác chăm sóc sức khỏe do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 45%; hiện có 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với mức khuyến nghị của WHO; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng trung bình 1%/năm. “Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội; do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ.

Để phòng chống các bệnh không lây nhiễm, các chuyên gia y tế cho rằng, cần tập trung vào nhóm các giải pháp như đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong xây dựng, thực thi các chính sách để kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh, tập trung vào tăng cường vận động thể lực, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt là giảm tiêu thụ muối và nước ngọt, phòng chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá.

Đồng thời cần tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe; trong đó có truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để đi khám, chữa kịp thời, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế các tuyến, tăng cường y tế cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm và thực hiện quản lý, điều trị, chăm sóc lâu dài người mắc bệnh, tập trung giải quyết các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và các rối loạn tâm thần phổ biến.

Ước tính mỗi năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số tử vong, chủ yếu do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. “Đa số những người tử vong do dịch Covid-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác. Bên cạnh đó, nước ta cũng đang phải giải quyết gánh nặng do các rối loạn sức khỏe tâm thần gây ra. Ước tính khoảng 15% dân số (tương đương 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin.

THÀNH AN (TTO) https://www.sggp.org.vn/ganh-nang-benh-khong-lay-nhiem-775540.html

1,264 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết