Doanh nghiệp kiến nghị được tự test COVID-19 và tự chịu trách nhiệm

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các biện pháp phòng chống dịch cần thực hiện thống nhất trên cả nước, tránh mỗi nơi một kiểu. Đồng thời, phát huy vai trò tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt trong xét nghiệm.

Doanh nghiệp kiến nghị được tự test COVID-19 và tự chịu trách nhiệm - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cho hay gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa vì quy định hàng thiết yếu và xét nghiệm COVID-19 – Ảnh: LÊ PHAN

Chiều 4-8 đã diễn ra hội thảo trực tuyến “Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19: Vấn đề và giải pháp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM phối hợp tổ chức.

Ông Nguyễn Hải Minh – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – cho rằng doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ khó khăn, nhưng nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế thường trực, nên cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể từ Chính phủ, tránh tình trạng mỗi tỉnh áp dụng một kiểu hiện nay, đặc biệt là quy định về hàng thiết yếu.

“Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài hoang mang, không biết điều gì đang xảy ra. Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, không nên phân biệt thiết yếu hay không thiết yếu, mà nên hiểu là sản xuất nói chung. Cần có ngay hướng dẫn, nếu nhà máy có F0 thì cần làm gì, đặc biệt là nhà máy tổ chức ‘3 tại chỗ'” – ông Minh nêu.

Chỉ ra khó khăn của hoạt động vận tải khi có 4 bộ cùng tham gia quản lý, ông Nguyễn Duy Minh – tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam – kiến nghị cần tháo gỡ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 cho lái xe vận tải, khi mà các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang tác động lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, gia tăng chi phí.

“Chúng tôi là người lo lắng nhất cho người lao động, nên hãy cung cấp hoặc bán cho chúng tôi thiết bị xét nghiệm để doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm” – ông Minh kiến nghị.

Đại diện AmCham cũng cho hay có một số ít thành viên tổ chức duy trì “3 tại chỗ ” nhưng cũng gặp không ít khó khăn, nên phải dừng hoạt động từ giữa tháng 7. Do đó, hiệp hội này kiến nghị cần mở cửa sản xuất theo lộ trình phù hợp với việc phòng, chống dịch, gắn với đẩy mạnh tiêm vắc xin.

“Sau đối tượng tuyến đầu, cần ưu tiên người lao động trong các doanh nghiệp, coi họ là lực lượng tuyến đầu sản xuất, có thể tiêm cuốn chiếu từng khu vực. Tiêm tới đâu cuốn chiếu cho mở cửa hoạt động tới đó, gắn với việc tăng cường năng lực y tế địa phương để chăm sóc y tế cho doanh nghiệp, cũng như cho phép công nhận test nhanh tại chỗ” – đại diện AuCham kiến nghị.

Ông Nguyễn Đình Cung – nguyên viện trưởng CIEM – cho rằng Chính phủ cần phải để doanh nghiệp hoạt động bình thường, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch. Như vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”.

“Cũng phải để doanh nghiệp tự xét nghiệm và chịu trách nhiệm bởi dịch còn có thể kéo dài. Kiến nghị bỏ tất cả quy định danh mục hàng thiết yếu, vấn đề là đảm bảo an toàn cho tài xế để không truyền bệnh sang người khác, nên cần áp dụng thống nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn. Hãy để doanh nghiệp có vai trò tự chủ nhiều hơn trong đảm bảo an toàn dịch bệnh cho mình” – ông Cung nói.

Ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI – cũng nhấn mạnh cần phải xác định hai mặt trận chống dịch, chống suy giảm kinh tế luôn phải song hành. Tình hình dịch COVID-19 còn kéo dài nên phải có biện pháp sống chung với dịch, có kịch bản thống nhất từ Chính phủ, áp dụng đồng bộ ở các địa phương, trong đó đề cao vai trò, tính tự chủ của doanh nghiệp.

Theo N.An (tuoitre online)
https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-duoc-tu-test-covid-19-va-tu-chiu-trach-nhiem-20210804190641999.htm
960 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết