Đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2020

Chiều 14-5, Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2020 - Ảnh 1.
Theo kế hoạch ngày 16-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến về vấn đề này.

Sau 7 năm, giảm trừ gia cảnh thêm được 2 triệu đồng

Theo đề xuất của Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế được nâng từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng thay cho mức 3,6 triệu đồng so với hiện nay. Dự kiến mức giảm trừ mới sẽ được áp dụng luôn cho kỳ tính thuế năm 2020.

Về căn cứ nâng mức giảm trừ gia cảnh như nêu trên, ông Phạm Đình Thi – vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, thành viên ban soạn thảo dự thảo nghị quyết này – cho biết Luật thuế TNCN năm 2012 quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. 

Quy định này phù hợp với biến động của giá cả thời điểm hiện nay, do đó việc nâng mức giảm trừ gia cảnh có thể áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 tăng 23,2%. Nên mức tăng giảm trừ gia cảnh là bằng với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng. Bộ Tài chính ước tính, đề xuất nêu trên nếu được áp dụng thì ngân sách sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 10.300 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cũng đánh giá việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như trên sẽ giúp tất cả người lao động có thu nhập từ tiền công, tiền lương đang nộp thuế được hưởng lợi, tức giảm số tiền thuế phải nộp so với hiện nay. 

Như quy định hiện hành, người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng, có 1 người phụ thuộc thì mỗi tháng phải nộp 120.000 đồng. Nếu áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới thì người này sẽ không phải nộp thuế. 

Nếu người nộp thuế có thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng, có 2 người phụ thuộc thì dự kiến năm nay số tiền thuế TNCN mỗi tháng chỉ phải nộp 10.000 đồng, thay cho hiện nay đang phải nộp thuế TNCN là 190.000 đồng.

Đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2020 - Ảnh 2.

Theo đề xuất, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc sẽ được nâng lên so với hiện nay – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thu nhập giảm vẫn miệt mài nộp thuế

Nhận xét về mức giảm trừ gia cảnh và thuế TNCN mới đề xuất, dưới góc độ người đang nộp thuế, chị Minh Thảo (Q.2, TP.HCM) cho biết từ tháng 2 đến nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty chị đang làm gặp khó khăn. Doanh thu sụt giảm, công việc ít đi dẫn đến lương bị sụt giảm, thưởng không có. Thế nhưng mỗi tháng chị vẫn bị tạm khấu trừ thuế TNCN.

“Năm 2009 khi kinh tế khó khăn, chúng tôi đã được miễn thuế 6 tháng đầu năm. Còn năm nay ảnh hưởng từ dịch bệnh, tình hình còn khó khăn hơn. Thế nhưng tôi chưa thấy Bộ Tài chính đề xuất chính sách nào cho người làm công ăn lương. Trong khi đó nhiều đối tượng khác đã nhận được hỗ trợ” – chị Minh Thảo nêu ý kiến.

Tương tự, anh Trung Nhân (Q.7, TP.HCM) cho hay anh vẫn bị tạm khấu trừ thuế với mức 2 triệu đồng/tháng dựa trên thu nhập của năm 2019. 

“Năm trước kinh tế còn tốt, chưa xảy ra dịch bệnh, còn năm nay tôi đã bị giảm thu nhập, khó khăn hơn trước nhưng hằng tháng đều bị giữ lại một khoản thu nhập. Tất nhiên cuối năm khi tổng hợp để quyết toán có thể tôi sẽ được hoàn thuế nhưng như vậy cũng có nghĩa thu nhập của tôi bị “chiếm dụng” trong suốt một năm. Lúc này chúng tôi lại đang rất khó khăn” – anh Trung Nhân nói.

Do đó, theo anh Trung Nhân, Nhà nước nên có chính sách miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2020 – cũng là thời điểm xảy ra dịch COVID-19 – để hỗ trợ người làm công ăn lương. “Đó cũng chính là cách nuôi dưỡng nguồn thu” – anh Trung Nhân kiến nghị.

Điều anh Nhân, chị Thảo cũng như những người làm công ăn lương bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng vẫn phải “ứng” thuế TNCN được thể hiện rất rõ trong số liệu của cơ quan thuế. 

Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, chỉ trong 4 tháng đã có 1.523 doanh nghiệp trên địa bàn TP giải thể, tăng 54,82% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động kinh doanh bị đình trệ do giãn cách xã hội nhằm chống dịch COVID-19, nên tổng số thu thuế lũy kế 4 tháng trên địa bàn chỉ đạt hơn 30% so với dự toán, giảm 7,9% so với cùng kỳ 2019. 

Hàng loạt sắc thuế chịu ảnh hưởng mạnh, như số thu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 11,08%, thu thuế giá trị gia tăng giảm 6,27% so với cùng kỳ 2019. Số thu lệ phí trước bạ 4 tháng đầu năm 2020 giảm 28,11%, tương ứng giảm 638 tỉ đồng. Đây là mức giảm sâu nhất trong giai đoạn 2017 – 2020. Thế nhưng, thu thuế TNCN vẫn tăng 8,96%.

Đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2020 - Ảnh 3.

Người dân và doanh nghiệp làm các thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nên miễn thuế TNCN 6 tháng hoặc 1 năm

Để hỗ trợ người lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, tại dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Bộ KH-ĐT đã đề xuất lùi thời hạn nộp thuế TNCN đến hết ngày 31-12-2020. Việc lùi nộp thuế này áp dụng đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 của các cá nhân làm việc tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Công Hùng – chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội – nhìn nhận khó khăn năm nay rất đặc biệt do tác động của đại dịch COVID-19. Hiện VN đã bước đầu khống chế được đại dịch này nhưng doanh nghiệp nhiều ngành nghề như vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú… không thể phục hồi trong 1-2 quý mà thậm chí phải 1-2 năm mới có thể gượng dậy như bình thường được. 

Như trong tháng 3, nhất là tháng 4 khi Chính phủ áp dụng biện pháp cách ly xã hội để phòng chống dịch, doanh nghiệp vận tải không có doanh thu. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động lao đao khi phải luân phiên nghỉ, làm 1 ngày nghỉ 3 ngày, thu nhập giảm sâu, thậm chí không có.

Đến nay, ông Hùng cho hay hoạt động kinh doanh vận tải bắt đầu trở lại nhưng với doanh nghiệp và người lao động vẫn còn đó rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người lao động làm công ăn lương, ông Hùng đề nghị Chính phủ nên xem xét miễn tiền thuế TNCN trong năm nay. Còn nếu lùi thời hạn nộp thuế thì đến cuối năm người lao động vẫn phải đóng thuế. 

Trong khi đó, thị trường rất mong mỏi chính sách khuyến khích kích cầu tiêu dùng sau mấy tháng vừa qua phải tạm đóng cửa, ngưng hoạt động vì dịch. Nếu có tiền thì người dân sẽ tiêu dùng và Nhà nước sẽ thu thêm được thuế.

Còn theo ThS Trần Minh Hiệp – giảng viên khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 – 2008, Quốc hội ban hành nghị quyết số 32 điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế. Trong đó có việc miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2009 cho người làm công ăn lương. 

Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của cá nhân, nhất là cá nhân làm công ăn lương. Trong khi đó, Chính phủ chỉ ban hành nghị định 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Riêng đối với thuế TNCN thì vẫn nộp theo quy định của pháp luật. 

“Tôi cho rằng để tạo điều kiện cho người lao động ổn định cuộc sống, pháp luật cần quy định chính sách miễn thuế TNCN cho người lao động với thời gian ít nhất 6 tháng năm 2020” – ông Hiệp kiến nghị.

Đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2020 - Ảnh 4.

Đồ họa: TUẤN ANH

Áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới ngay kỳ tính thuế năm 2020 Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Chiểu, ủy viên Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, cho biết tại phiên họp thẩm tra vào chiều 14-5, đa số ý kiến đại biểu đã đồng tình với đề xuất của Chính phủ về mức giảm trừ gia cảnh mỗi tháng cho người nộp thuế và người phụ thuộc là 11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng. Để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và thực thi quy định của Luật thuế TNCN, mức giảm trừ gia cảnh mới áp dụng ngay cho kỳ tính thuế năm 2020.
1505-thue tncn dong gop ngan sach hang nam

Đồ họa: TUẤN ANH

* Ông Nguyễn Đức Nghĩa (chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM):

Người làm công ăn lương bị thiệt thòi

Dịch COVID-19 kéo dài khiến hầu như tất cả doanh nghiệp đều gặp khó khăn, dẫn đến người làm công ăn lương cũng bị ảnh hưởng. Lẽ ra khi xem xét các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng nên xem xét thuế TNCN cho các đối tượng này. Rất tiếc đến nay chưa có chính sách nào hỗ trợ họ.

Song song với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh nên tăng mức khởi điểm khấu trừ thuế với người có thu nhập vãng lai từ mức 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng và giãn cách các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần để giảm mức điều tiết thuế. Tôi cũng đề xuất mức thu nhập chịu bậc thuế cao nhất nên là 120 triệu thay vì 80 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Ngoài ra, việc tính đến lộ trình giảm thuế suất thuế TNCN cũng cần được áp dụng để tương ứng với thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

Theo tôi, mức điều tiết thuế TNCN hiện quá cao. Do đó trên thực tế nhiều người có thu nhập cao đã lách bằng cách lập doanh nghiệp và đưa hết các chi phí vào để được trừ chi phí nhằm giảm số thuế phải nộp. Chỉ có những người làm công ăn lương chịu thiệt thòi do đã bị chặn trừ ngay từ đầu. Tôi cho rằng xây dựng chính sách nên dựa trên quan điểm “bắt cá lớn” nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, lọt sàng xuống nia chứ nếu “gom tất” thì không còn gì là nuôi dưỡng nguồn thu nữa.

* Ông Nguyễn Văn Được (tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín):

Giảm thuế để tiếp sức người lao động

Theo tôi, nên miễn thuế TNCN cho người nộp thuế có thu nhập nộp thuế ở bậc 1 và 2 của biểu thuế lũy tiến từng phần và giảm 30% thuế số thuế TNCN của các đối tượng còn lại. Dù rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng không nên vì thế mà chần chừ, vì người lao động đang rất cần được tiếp sức lúc này.

* Chuyên gia Nguyễn Thái Sơn:

Giảm thuế TNCN ít nhất 6 tháng

Hiện nay mới chỉ có những đối tượng như bị chấm dứt hợp đồng lao động, người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do bị mất việc làm, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động… mới được hỗ trợ. Trong khi rất nhiều người làm công ăn lương bị sụt giảm thu nhập thì chưa có chính sách hỗ trợ họ.

Trước đây khi người lao động thu nhập tốt họ đóng góp thuế cho ngân sách thì nay cơ quan thuế cũng nên có sự hỗ trợ ngược lại cho họ theo hướng giảm thuế TNCN và tạm ngưng thu thuế ít nhất 6 tháng.

Theo A.HỒNG – L.THANH

https://tuoitre.vn/de-nghi-mien-thue-thu-nhap-ca-nhan-nam-2020-20200515074517153.htm
1,360 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết