COVID-19 sáng 28-7: Châu Âu đối diện làn sóng lây nhiễm thứ 2

Nhiều nước tại châu Âu đang lo ngại làn sóng dịch COVID-19 thứ hai do tình hình dịch xấu trở lại. Nhưng gần 2/3 ca nhiễm toàn cầu đã hồi phục, trong đó Mỹ có số ca hồi phục nhiều nhất (2,1 triệu ca).

COVID-19 sáng 28-7: Châu Âu đối diện làn sóng lây nhiễm thứ 2 - Ảnh 1.
 

Gần 2/3 số ca nhiễm toàn cầu hồi phục

Theo cập nhật của trang Worldometers sáng 28-7, số ca nhiễm trên toàn cầu đã lên tới 16,6 triệu. Trong đó, có 10,2 triệu ca đã khỏi bệnh (tức chiếm gần 2/3 trong tổng số ca nhiễm) và hơn 655.000 ca tử vong do COVID-19.

Hãng tin Reuters cho biết đến nay các ca bệnh COVID-19 đã được ghi nhận tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ lúc những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 12-2019.

Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất, với 4,4 triệu ca. Kế đến là Brazil với 2,4 triệu ca và Ấn Độ với 1,4 triệu ca. Xét về số ca hồi phục, Mỹ có khoảng một nửa số ca nhiễm đã hồi phục, cụ thể là hơn 2,1 triệu ca hồi phục (nhiều nhất thế giới).

Việt Nam đang nằm ngoài nhóm 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu.

Châu Âu chuẩn bị ứng phó làn sóng COVID-19 thứ hai

Báo Guardian (Anh) ngày 27-7 đưa tin châu Âu chuẩn bị sẽ ứng phó làn sóng dịch COVID-19 thứ hai trong bối cảnh tình trạng bùng phát dịch liên tục làm gia tăng viễn cảnh tái áp đặt các biện pháp hạn chế, giữa một thời điểm khi hàng triệu người đang di chuyển trên khắp lục địa này trong kỳ nghỉ hè.

Tại Bỉ, chính phủ cảnh báo nước này có thể sẽ bị đặt vào tình trạng “phong tỏa hoàn toàn” lần thứ hai sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt trở lại.

“Nếu chúng ta không thể làm suy yếu con virus, đây sẽ là một thất bại tập thể. Như mọi khi, hãy chăm sóc cho bản thân bạn và chăm sóc cho nhau” – Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès phát biểu ngày 27-7 khi bà công bố áp dụng thêm các biện pháp hạn chế. Bà nói rằng Bỉ hiện không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu chứng kiến dịch bùng phát trở lại.

Trong khi đó, vùng Catalonia của Tây Ban Nha có thể cũng sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu không kiểm soát được các đợt bùng phát mới trong vòng 10 ngày.

COVID-19 sáng 28-7: Châu Âu đối diện làn sóng lây nhiễm thứ 2 - Ảnh 2.

Nhiều người biểu diễn Taekwondo trong một cuộc biểu tình phản đối đóng cửa phòng gym tại quảng trường Sant Jaume ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 27-7 – Ảnh: REUTERS

Tại Pháp, bộ trưởng y tế nước này kêu gọi giữ cảnh giác cao hơn sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh ở người trẻ. Còn cơ quan cố vấn y tế công của Đức nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” về số ca nhiễm gia tăng ở nước này trong vài tuần qua.

Ngày 27-7, Đức cũng công bố kế hoạch xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với những người đi nghỉ mát quay về từ những nước có nguy cơ cao để ngăn dịch lây lan. Đức đã chỉ định 130 quốc gia có nguy cơ cao, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Mỹ.

Vắcxin của Moderna có thể sẵn sàng sử dụng cuối năm 2020

Hãng tin Reuters ngày 27-7 dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ cho biết vắcxin của Moderna (công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ) có thể sẽ sẵn sàng sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay. Ứng viên vắcxin của Moderna là mRNA-1273.

“Có được một vắcxin an toàn và hiệu quả để sử dụng cuối năm 2020 là một mục tiêu mang nhiều tham vọng, nhưng đó là mục tiêu đúng đắn đối với người Mỹ” – giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ Francis Collins nói trong thông cáo thông báo bắt đầu cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 của Moderna.

Ngày 27-7, vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna đã bước vào một giai đoạn thử nghiệm mới và mang tính quyết định: Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên tại 87 địa điểm trên khắp nước Mỹ.

Moderna đã hợp tác với Viện Nghiên cứu dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ để nghiên cứu vắcxin COVID-19. Ứng viên của họ là một trong vài ứng viên vắcxin được chính phủ Mỹ tài trợ, nằm một phần trong “Operation Warp Speed” – sáng kiến nhằm cung cấp 300 triệu liều vắcxin an toàn và hiệu quả vào tháng 1-2021.

Một cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 thường là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của thuốc hoặc vắcxin trước khi được bán cho công chúng. Các thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 – tiến hành trên các nhóm tình nguyện viên nhỏ hơn – nhằm cho thấy ứng viên vắcxin tạo ra được phản ứng kháng thể và an toàn.

COVID-19 sáng 28-7: Châu Âu đối diện làn sóng lây nhiễm thứ 2 - Ảnh 3.

Google kéo dài chính sách làm việc từ xa đến giữa năm 2021

Ngày 27-7, Google cho biết sẽ cho phép hầu hết nhân viên làm việc từ nhà cho tới giữa năm 2021 để phản ứng với đại dịch COVID-19.

Trong một email (thư điện tử) gửi tới nhân viên, giám đốc điều hành Sundar Pichai của Google viết: “Để trao cho nhân viên khả năng lên kế hoạch sắp tới, chúng tôi sẽ kéo dài lựa chọn làm việc tại nhà mang tính tình nguyện trên toàn cầu của chúng tôi tới ngày 30-6-2021, dành cho những vị trí không cần có mặt tại văn phòng”.

Báo Wall Street Journal, nơi đầu tiên tường thuật thông tin trên, cho biết gần như tất cả 200.000 nhân viên và đối tác của Google trên khắp thế giới sẽ tiếp tục làm việc từ xa để đảm bảo giãn cách xã hội. Trước đó, kế hoạch ban đầu chỉ dự kiến được thực hiện cho tới tháng 1-2021.

Quyết định của Google có thể sẽ báo hiệu những nỗ lực tương tự của các công ty công nghệ và công ty lớn khác nhằm gia hạn chính sách phòng chống dịch giữa nỗi lo ngày càng tăng về các nguy cơ khi quay lại nơi làm việc.

Theo BẢO ANH

https://tuoitre.vn/covid-19-sang-28-7-chau-au-doi-dien-lan-song-lay-nhiem-thu-2-20200727224904312.htm
1,249 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết