Chấp nhận đeo khẩu trang, phương Tây lại lo bị tội phạm lợi dụng

Khẩu trang đang dần trở nên vật bất ly thân với người dân các nước phương Tây trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang hàng loạt cũng ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đặc biệt là nhận dạng tội phạm.

Chấp nhận đeo khẩu trang, phương Tây lại lo bị tội phạm lợi dụng - Ảnh 1.
 

Tổng thống Emmanuel Macron đeo khẩu trang có hình cờ Pháp khi ghé thăm một trường tiểu học vào ngày 5-5 – Ảnh: REUTERS

Các chính trị gia ở phương Tây khá bất ngờ khi phần lớn người dân đã tuân thủ hướng dẫn cách ly xã hội một cách nghiêm ngặt. Nỗ lực phong tỏa tại nhiều nước đã hiệu quả đến mức chính quyền đang cân nhắc gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế mà không làm người dân hoảng sợ.

Những ngày gần đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trấn an những người dân hoang mang về nỗi lo lây nhiễm bệnh khi gỡ bỏ lệnh cách ly, bằng cách cổ xúy đeo khẩu trang.

“Về phần gỡ bỏ lệnh phong tỏa, tôi nghĩ che mặt sẽ rất hữu ích”, ông Johnson phát biểu vào đầu tháng này, kèm theo lời nhận định rằng khẩu trang sẽ giúp công chúng “tự tin hơn để có thể trở lại làm việc”.

Tuy nhiên, khi tất cả mọi người đều giấu mặt sau lớp khẩu trang, đã xuất hiện không ít quan điểm lo ngại về vấn đề tội phạm, an ninh cũng như tương tác xã hội.

“Vấn đề chính về ý tưởng đeo khẩu trang là số lượng người đột nhiên sử dụng khẩu trang để che mặt tăng lên – Francis Dodsworth, giảng viên về tội phạm học tại Đại học Kingston, gần London, trao đổi với CNN – Những người muốn che mặt vì những lý do bất chính giờ đây có cơ hội để làm vậy mà không bị nghi ngờ”.

Sự hoang mang này có phần do sự khác biệt giữa châu Á, nơi đã từng chiến đấu với dịch SARS cùng các dịch bệnh khác và người dân có thói quen đeo khẩu trang hơn một thập kỷ nay, và Mỹ với châu Âu, nơi có bằng chứng cho thấy nhiều hành vi phạm tội được thực hiện bởi những người đeo khẩu trang.

Vừa tháng trước ở Tây Ban Nha, Bộ Nội vụ nước này cho biết đã bắt giữ một tên khủng bố ISIS đang lẩn trốn sau khi đào tẩu khỏi Syria. Theo truyền thông Tây Ban Nha, người này hiếm khi ra ngoài vì dịch COVID-19 hoành hành và nếu có thì “luôn đeo khẩu trang để tránh bị phát hiện”.

Chấp nhận đeo khẩu trang, phương Tây lại lo bị tội phạm lợi dụng - Ảnh 2.

Thủ tướng Justin Trudeau đeo khẩu trang đến căn cứ quân sự ở Ontario, Canada ngày 6-5 – Ảnh: REUTERS

Khi nhận diện khuôn mặt trở thành nghệ thuật

Nhiều chuyên gia thừa nhận việc đeo khẩu trang hàng loạt có thể gây khó khăn cho quá trình điều tra tội phạm, vì nhận diện khuôn mặt là một phần quan trọng để theo dõi các đối tượng tình nghi. Dù con người rất giỏi nhận diện khuôn mặt quen thuộc và các thuật toán nhận dạng cũng đã cải tiến nhiều, khẩu trang lại là vật cản đáng kể.

“Nhiều nhân chứng bắt đầu mơ hồ. Ngay cả khi một nhóm người chứng kiến ​​cùng một tội ác, một người sẽ nhìn thấy đối tượng có ria mép và mũ, trong người khác lại có thể thấy râu và kính râm”, Dodsworth nói.

Một công ty Trung Quốc tuyên bố họ đã phát triển phần mềm có thể nhận dạng chính xác đối tượng ngay cả khi có đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các chuyên gia nghĩ rằng con người vẫn là tiêu chuẩn nhận diện khuôn mặt phù hợp nhất trong các trường hợp.

Che mất khuôn mặt còn cản trở việc thực thi pháp luật thông thường của các các cơ quan chức năng. Mới năm ngoái, Hong Kong và Pháp đã ban hành luật quy định việc che mặt trong lúc biểu tình là bất hợp pháp. Trong tình hình mới này, cảnh sát sẽ gặp trở ngại trong việc đánh giá động cơ của con người khi họ đeo khẩu trang, Dodsworth cho biết.

Chấp nhận đeo khẩu trang, phương Tây lại lo bị tội phạm lợi dụng - Ảnh 3.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đeo khẩu trang khi ghé thăm một nhà máy sản xuất máy thở – Ảnh: AFP

Tập thích nghi với các tín hiệu xã hội mới

Trên thực tế, không chỉ tội phạm có thể lạm dụng việc đeo khẩu trang, việc không thấy được những biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt của người khác cũng gây khó khăn trong đời sống bình thường.

Nếu khẩu trang được sử dụng rộng rãi, cách con người tương tác có thể bị ảnh hưởng và dẫn đến những căng thẳng khác lớn hơn về việc bảo mật thông tin cá nhân trong cộng đồng.

“Vì lý do sinh tồn, ta cần biết ý định của ai đó khi gặp họ. Không thể làm điều đó một cách dễ dàng sẽ khiến con người thận trọng và phòng thủ hơn, trong một số trường hợp không may có thể dẫn đến bạo lực”, Ian H. Robertson, giáo sư tâm lý học tại Trinity College Dublin, nhận định.

Đây có thể là một thử thách cho các quốc gia phương Tây, như Dodsworth nói, ban đầu con người có thể trở nên không tin tưởng lẫn nhau và thậm chí có thể tránh mặt nhau vì đeo khẩu trang không phải là văn hóa ở các nước này.

Tuy vậy, Dodsworth cho rằng vẫn còn hi vọng: “Tội phạm nguy hiểm hiện nay cũng đã giảm bớt và chúng ta có thể tìm cách khác để đọc vị lẫn nhau”.

Kate Grey, chuyên về xử lý cảm xúc tại Đại học Reading, Anh thì tin rằng mọi người sẽ thích nghi nhanh chóng với việc đeo khẩu trang, chọn lọc các tín hiệu xã hội và cảm xúc từ giọng nói hoặc ngôn ngữ cơ thể thay vì từ khuôn mặt.

Theo LINH TÔ https://tuoitre.vn/chap-nhan-deo-khau-trang-phuong-tay-lai-lo-bi-toi-pham-loi-dung-20200511212426795.htm

2,123 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết