Bay thẳng đến Mỹ: Tầm vóc mới của hàng không Việt

Sau thành công của chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên của hàng không Việt Nam trên đường bay Việt – Mỹ vào ngày 28-11, các chuyến bay thẳng từ TPHCM đi TP San Fransisco (Mỹ) sẽ tiếp tục tổ chức với tần suất 4 chuyến/tháng. 
 

Vượt qua nhiều rào cản Theo kế hoạch của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, trong tháng 12-2021 sẽ có 4 chuyến bay thẳng từ TPHCM đi San Fransisco (Mỹ), khởi hành vào các ngày 8, 15, 22, 29. Trong tháng 1-2022, có các chuyến khởi hành vào ngày 5, 12, 19. Hãng dự kiến sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Việt Nam cho mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Trong thời gian đầu khai thác, giá vé cho đường bay thẳng rất hấp dẫn, chỉ từ 430 USD/chiều (9.786.800 VND, chưa bao gồm thuế phí). Mức giá này tương đương, thậm chí còn thấp hơn so với mức giá của các chuyến bay có 1 hoặc 2 điểm dừng mà các hãng hàng không khác đang khai thác.   

Bay thẳng đến Mỹ: Tầm vóc mới của hàng không Việt ảnh 1
 
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết, trong bối cảnh cơ quản lý nhà nước chưa đồng ý mở lại các đường bay quốc tế thường lệ đưa khách vào Việt Nam, hãng đã lên phương án kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa để đảm bảo hiệu quả khai thác, tối ưu hóa doanh thu chuyến bay. Chiều từ Mỹ về Việt Nam hiện chỉ chở khách hạng thương gia, việc bán vé cho hành khách được thực hiện qua đại lý tương tự như các chuyến bay đưa công dân nước ngoài hồi hương. Sau khi đường bay quốc tế thường lệ được khôi phục hoàn toàn, Vietnam Airlines sẽ mở bán vé rộng rãi hai chiều cho tất cả các hạng dịch vụ, trên tất cả các kênh bán như website, ứng dụng di động, phòng vé và đại lý.

 

Bay thẳng đến Mỹ: Tầm vóc mới của hàng không Việt ảnh 2
Những hành khách đầu tiên của chuyến bay thẳng từ Việt Nam đi Mỹ
 
Để mở được đường bay thẳng này, ngành hàng không Việt Nam đã trải qua quá trình chuẩn bị kéo dài tới 20 năm, vượt qua nhiều yêu cầu cực kỳ khắt khe của nhà chức trách hàng không Mỹ. Đầu tiên, hãng hàng không phải có giấy phép Bộ GTVT Mỹ cấp và slot bay ở các sân bay Mỹ. Một trong những thử thách lớn nhất là Cơ quan an ninh vận tải hàng không Mỹ (TSA) sẽ trực tiếp sang khảo sát sân bay của Việt Nam, đảm bảo phía Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh của phía Mỹ. Sau khi có giấy phép của TSA, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mới cấp phép cho mở đường bay thẳng. Đồng thời các hãng hàng không còn phải đáp ứng nhiều thủ tục khác với Cơ quan quản lý thu nhập nội địa Mỹ, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ…
 

Tận dụng cơ hội Theo đánh giá của các chuyên gia, đường bay thẳng Việt – Mỹ rất có tiềm năng bởi Mỹ là quốc gia có số lượng Việt kiều và du học sinh Việt Nam lớn nhất thế giới. Thị trường hàng không Việt – Mỹ  đạt 1,4 triệu lượt khách vào năm 2019, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019. Đây cũng là thị trường có dung lượng đến Việt Nam lớn thứ 10 và thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam trước đó. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ, trong khi Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt kỷ lục 90,8 tỷ USD vào năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn.  Hiện hành khách từ Việt Nam đến Mỹ phải bay chuyển tiếp tại Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Hàn Quốc… với thời gian bay khoảng 20-25 giờ, gồm cả quá cảnh. Với đường bay thẳng, thời gian bay rút ngắn xuống còn khoảng 14-16 giờ. Việc rút ngắn thời gian không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội mà cả chi phí cơ hội cho hành khách. Tuy nhiên, bay thẳng đến Mỹ vẫn là một bài toán khó đối với các hãng hàng không Việt Nam, do gặp cạnh tranh rất lớn với khoảng 20 hãng hàng không đang khai thác bay có điểm dừng, gây sức ép cạnh tranh về giá bán. Trước đây, các chuyên gia về hàng không đã nhận định, các hãng cần phải 5-10 năm mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này.  Tuy nhiều khó khăn nhưng xác định là một thị trường tiềm năng, các hãng hàng không Việt vẫn quyết tâm thực hiện giấc mơ bay thẳng đến Mỹ. Không chỉ Vietnam Airlines, hãng hàng không Bamboo Airways cũng khẳng định quyết tâm mở đường bay thẳng tới Mỹ. Đại diện Bamboo Airways cho biết, hiện hãng đã được sân bay Mỹ cấp slot (lượt cất, hạ cánh theo giờ). Với hãng hàng không Vietjet, mặc dù không tập trung cho việc sớm mở đường bay thẳng tới Mỹ nhưng đại diện hãng cũng cho biết quan tâm đến đường bay này và sẽ tính toán để triển khai khi thấy phù hợp.

Chuyến bay VN98 đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20 giờ 57 ngày 28-11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 19 giờ 42 ngày 28-11 (giờ địa phương, tức 10 giờ 42 sáng 29-11 giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay thẳng từ TPHCM đến San Francisco là 13 giờ 45 phút. 
Chuyến bay chiều về đã cất cánh từ sân bay San Francisco lúc 23 giờ 28 ngày 29-11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại Đà Nẵng lúc 6 giờ 03 ngày 1-12, chở 170 hành khách, tổng thời gian bay thẳng là 15 giờ 35 phút
 
Về năng lực kỹ thuật, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết, để bay thường lệ, hãng hàng không phải chứng minh được năng lực và đáp ứng toàn diện mọi tiêu chuẩn của Mỹ. Chỉ xét riêng về phương tiện, hãng hàng không nào bay vào Mỹ cũng cần đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương tối thiểu 180 phút (khoảng thời gian bay kéo dài thêm bằng một động cơ trong trường hợp một động cơ bị hỏng). Hiện các hãng hàng không Việt Nam đều có thể đáp ứng được điều kiện này..

BÍCH QUYÊN (SGGPO)

https://www.sggp.org.vn/bay-thang-den-my-tam-voc-moi-cua-hang-khong-viet-779956.html

1,206 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết