Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền

Bão số 9 đang áp sát đất liền vào rạng sáng 28-10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15…

 
Trực tiếp: Hình ảnh bão số 9 đang áp sát đất liền gây sóng to, gió mạnh Ông Hoàng Phúc Lâm – phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết, diễn biến của bão từ đêm hôm qua cho đến thời điểm 6h sáng nay vẫn theo đúng dự báo, bão đang di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ 20-25 km/giờ: “Trong đêm qua, tác động của bão bắt đầu tăng dần trên đất liền. Ngoài khu vực huyện đảo Lý Sơn, khu vực cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 9, giật cấp 11. Trong ngày 28-10, chúng tôi dự báo gió sẽ tiếp tục tăng dần, khi mà bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25 km/giờ.
Chính vì thế, gió mạnh nhất trong ngày hôm nay sẽ rơi vào thời điểm sáng và trưa. Các khu vực phía bắc như Đà Nẵng, Quảng Nam sau 9h sáng nay gió sẽ bắt đầu tăng mạnh.” Theo ông Lâm, do ảnh hưởng của bão, trong ngày hôm nay, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên, trọng tâm ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.  Sau đó khi bão vào bờ và suy yếu dần thì vùng mưa dịch dần lên các tỉnh phía bắc, trọng tâm mưa ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế và có thể mở rộng ra cả Hà Tĩnh.  Còn theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng, đến 6h sáng 28-10, vẫn 46 tàu/368 ngư dân của Bình Định đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. 

 CHÍ TUỆ Từ lúc 0h ngày 28-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở hầu khắp các khu vực ven biển các tỉnh miền Trung được dự báo nơi bão số 9 sẽ đổ bộ để ghi nhận tình hình ứng phó của người dân và chính quyền địa phương… Hồi 4h ngày 28-10, vị trí tâm bão số 9 ở ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.

Lượng lớn đất đá nằm ngổn ngang trên đường sau khi bị từng đợt sóng cao đánh vào bờ – Ảnh: MINH CHIẾN

Sáng 28-10, tại đường Phạm Văn Đồng đoạn qua xã Vĩnh Lương TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa hầu như bị tê liệt vì khối lượng đất đá bị sóng đánh lên bờ.  Anh Nguyễn Văn Minh (45 tuổi) người dân sống tại địa phương cho biết: “Ngay từ đêm hôm qua từng đợt sóng cao cuốn theo đất đá văng lên bờ rất nguy hiểm may là lúc đó ít người qua lại, hơn nữa tàu thuyền của bà con đã đưa đi trú bão nếu để lại gặp sóng lớn như đêm qua chắc chắn bị đánh chìm.”  Theo ông Nguyễn Duy Tuân – chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương – từ 22h đêm qua đã UBND xã đã cho dựng barie cấm người qua lại khu vực này để đảm bảo an toàn, hiện UBND xã đã báo lên Sở Giao thông – vận tải tỉnh Khánh Hòa tiến hành xử lý, dọn dẹp hiện trường khơi thông xe. 

MINH CHIẾN

Quy Nhơn, bão chưa tới cây cối đã tan hoang

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.

Người dân tự ý ra đường dù đã có lệnh cấm – Ảnh: M.VINH

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 2.
Ngư dân quay lại vùng bờ biển di dời tài sản – Ảnh: M.VINH
Từ 11h đêm 27-10 gió bắt đầu quật mạnh ở khu vực TP. Quy Nhơn (Bình Định). Thực tế bão chưa đổ bộ vào đất liền và cấp gió hiện đang ở mức 8-9 (tuỳ thời điểm) nhưng khắp thành phố cây cối đã ngã đổ rất nhiều.  Một số ngư dân lo sợ thuyền hư hại đã liều lĩnh ra khu vực đầm Thị Nại để gia cố tàu thuyền. Nhiều người dân bất chấp gió lớn ra đường dù cho đêm 27-10, UBND tỉnh Bình Định đã có lệnh cấm ra đường cho đến khi có quyết định mới được ban hành.  Ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngoài các 2 thuyền gặp nạn ngoài khơi trên đường về bờ tránh bão thì tất cả thuyền đánh cá thuộc khu vực Quy Nhơn đã neo đậu vào khu vực chịu được gió lớn. 
Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 3.

Cây đổ nhiều ở Quy Nhơn – Ảnh: M.VINH

Lúc 8h30, ngày 28-10, ông Hồ Quốc Dũng – bí thư kiêm chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – cho biết: đến thời điểm này, thống kê cho thấy Bình Định không có thiệt hại về người, chỉ có một số cây cối ngã đổ dọc đường tại TP Quy Nhơn và các huyện, thị xã.  Ngoài ra, một số nhà dân ở vùng ven biển bị tốc mái.  Tuy nhiên ông yêu cầu tất cả các lực lượng không được chủ quan. Trường hợp 2 tàu cá Bình Định bị đắm trên biển đã khiến 26 ngư dân mất tích là thiệt hại rất nặng nề. 
Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 4.

Người dân được nhân viên y tế kiểm tranh tình hình sức khỏe và phát thuốc – Ảnh: LÂM THIÊN

Ngoài ra, Hải quân vùng 4 báo về hiện tại có thêm 1 tàu chết máy trên biển thuộc vùng nguy hiểm đang trôi tự do. Lực lượng chức năng vẫn chưa nắm được có bao nhiêu thuyền viên trên tàu, đang cố gắng liên lạc và tìm cách hỗ trợ. Một số tàu thuyền đang trú bão tại cảng Đề Gi và cảng Quy Nhơn bị đứt neo. Theo ông Dũng, ưu tiên số một của lực lượng chức năng và địa phương là cứu người.  Tại các điểm trú bão, địa phương phải cử y bác sĩ, đến chăm sóc sức khỏe cho các cụ già, trẻ em phòng có việc đau ốm xảy ra để đảm bảo sức khỏe cho bà con.

MAI VINH – LÂM THIÊN

Cây xanh, cổng chào bắt đầu đổ – ngã ở Quảng Ngãi

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.

Cổng chào đổ – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lúc 8h45, trung tâm thành phố Quảng Ngãi gió rất lớn, giật liên tục . Hàng loạt cây xanh đã bật gốc, một cổng chào bằng thép trên đường Lê Lợi đã ngã đổ.  Các mái tôn đã bị gió thổi bay. Tuy gió đang rất lớn nhưng một số người dân vẫn bất chấp nguy hiểm di chuyển trên đường.  Trên các tuyến đường thành phố Quảng Ngãi ngập tràn cành cây, bảng hiệu quảng cáp và cả những tấm tôn.

PHƯỚC TUẦN

Quảng Ngãi mưa gió lớn dần khi tâm bão tiến gần bờ

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.

Mái ngói nhà dân ở Văn Hà, Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi bị gió thổi bay – Ảnh: HỒNG HƯNG

Lúc 8h15 sáng 28-10, tại TP Quảng Ngãi mưa rất lớn kèm gió giật mạnh. Những tiếng rít dài của gió ngày càng dài và liên tục. Gió mạnh cũng làm bay vài mái tôn, biển hiệu quảng cáo của nhiều nhà dân thành phố Quảng Ngãi.  Trên các tuyến đường, nhiều nhánh cây, bảng hiệu bị xô ngã. Các bảng hiệu quảng cáo nhiều cửa hàng lớn đã bị gió quật biến dạng, nghiêng vẹo. Khu vực cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi đang trải qua đợt gió giật khá mạnh. Đứng bên trong một căn nhà cấp bốn, dù mái tôn đã được chủ nhà gia cố từ trước bằng cách cột giây chằng vào bao cát, nhưng gió vẫn như đang dành giật với sức người, từng mảng tôn đã bị lóc lên. 
Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 2.

Cây bật gốc ngã trên đường Lê Lợi, thành phố Quảng Ngãi – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ở trong các nhà kiên cố hơn, gió quăng giật vào cửa kính liên tục đến muốn rung nhà. Quan sát ra toàn bộ khu vực nơi tàu bè đang trú ngụ, chúng tôi ghi nhận đã không còn ai vì lo cho ghe của mình mà dám ở lại.  Trước đó, chúng tôi cũng đã theo những người ra thăm ghe ra đến khu vực cảng, nhưng vì gió quật, chúng tôi gần như không thể đứng yên để tác nghiệp.  Hiện toàn bộ các loại sóng điện thoại như viettel, mobifone, vinafone, vietnammobil đều rất yếu, nhiều khi gần như mất hẳn. Dù chúng tôi đã chuẩn bị trước phương tiện tác nghiệp nhưng hiện vẫn gặp khó khăn khi chuyển tư liệu về tòa soạn. 
Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 3.

Bữa cơm được UBND xã Phổ An chuẩn bị cho bà con tránh bão tại đây – TẤN LỰC

Sáng 28.10, UBND xã Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi, nấu cơm cho khoảng 15 người dân đang tránh trú bão tại đây. Bữa cơm tránh bão được cán bộ xã chuẩn bị khá tươm tất với thịt luộc, cá kho, rao xào, cá chiên, canh và rau tươi. Chị Võ Thị Hồng Liên 25 tuổi, cùng 2 con ăn cơm với mọi người tại UBND xã cho biết rất cảm động trước sự lo lắng chu đáo của cán bộ cho những hôn dân chạy bão.  Chị Huỳnh Thị Lệ, phó chủ tịch xã Phổ An, cho biết đã chuẩn bị đồ ăn thức uống từ hôm qua cho bà con tránh bão.  Từ 6h sáng nay mọi người xắn tay nấu nướng để cho bà con bữa ăn ấm bụng. Tổng cộng bếp nấu cho người dân và lực lượng chống bão của xã khoảng 50 người. 

PHƯỚC TUẦN – S.LÂM – M.HÒA – TẤN LỰC

Quảng Nam yêu cầu một doanh nghiệp ngưng làm việc trong bão

Sáng 28-10, người dân phản ánh công nhân của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng tại KCN Tam Thăng (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn đi làm trong khi bão số 9 đã gây gió mạnh tại Quảng Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh P. (ngụ xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cho biết các công nhân ở xã Tam Tiến thường đi bằng xe trung chuyển công nhân sang TP Tam Kỳ, hiện gió to nhưng các công nhân vẫn đến nhà xưởng rất nguy hiểm.

Ông Lê Văn Sinh – chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết ông vừa tiếp nhận thông tin người dân phản ánh và đã điện thoại lãnh đạo TP Tam Kỳ xác minh, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp đảm bảo an toàn cho người dân trong lúc bão đổ bộ.

Ông Bùi Ngọc Ảnh – chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết ngay trong sáng 28-10, sau khi tiếp nhận phản ánh, ông đã điện thoại cho lãnh đạo Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng yêu cầu phải cho công nhân nghỉ để tránh bão. Sau đó, lãnh đạo công ty này đã cho toàn thể công nhân của công ty này tạm nghỉ.

Trước đó, UBND TP Tam Kỳ đã có văn bản vào ngày 27-10 yêu cầu các công ty trên địa TP cho công nhân tạm nghỉ việc để tránh bão. 

Được biết, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất lĩnh vực dệt may. Trong khi đó tại âu thuyền Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)  sáng 28-10 vẫn còn các ngư dân quay trở lại bảo vệ thuyền đang neo trú. Tại âu thuyền này, lúc 8h30 gió đã thổi rất mạnh, mái nhà tôn của một hộ dân ngay sát âu thuyền bị gió thổi bay. Còn trên biển, chúng tôi chứng kiến các ngư dân vẫn chèo thuyền thúng từ ngoài thuyền lên bờ. Được biết, tại âu thuyền này hiện có gần 2.000 tàu thuyền của ngư dân đang tránh bão. 

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.
Có 2.000 tàu thuyền đang tránh bão tại âu thuyền Tam Quang – Ảnh: NGỌC HIỂN

NGỌC HIỂN

Đà Nẵng: gió thổi bay mái tôn, nổ trạm biến áp

Tại TP Đà Nẵng, gió bắt đầu mạnh lên, trời đang đổ mưa lớn. Người dân chấp hành khá nghiêm túc lệnh cấm ra đường, phố phường vắng tanh. Tuy nhiên cũng có một số người ra đường đã bị công an chặn lại yêu cầu quay trở về nhà để đảm bảo an toàn.  Tại các điểm hai bên cầu Sông Hàn, cầu Rồng, Thuận Phước, Trần Thị Lý được công an canh gác kỹ lưỡng, không cho bất kỳ phương tiện nào qua lại, trừ xe chống bão, cấp cứu. Đến 7h50 đã có nhà bị tốc mái tôn, ngoài ra đã xảy ra vụ nổ trạm biến áp ở các khu dân cư ven biển Nguyễn Tất Thành, quận Liên Chiểu. Theo ghi nhận, sức gió sáng nay ở Đà Nẵng tăng rất mạnh. Sóng đánh mạnh và lớn liên tục vào các bờ kè ven biển Nguyễn Tất Thành. Cây cối ven bờ biển xiêu vẹo trong gió. Nước ở sông Hàn dâng cao, đục ngầu vào sáng nay. 

HỮU KHÁ – ĐOÀN NHẠN

Phú Yên đã có gió giật đến cấp 10

Lúc 7h20 ngày 28-10, ông Nguyễn Trọng Tùng – phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho biết từ rạng sáng nay, tại tỉnh này đã có gió giật mạnh. “Tại TP Tuy Hòa gió giật cấp 8, còn tại thị xã Sông Cầu gió giật cấp 10” – ông Tùng cho hay.  Cũng theo ông Tùng, từ 19h ngày 27-10 đến 6h ngày 28-10, Phú Yên có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 20-90mm (cao nhất là xã Sơn Xuân, Sơn Hòa: 90mm). Ông cũng cho biết hiện chưa ghi nhận thiệt hại, chỉ có một số địa phương do ảnh hưởng của bão gây ra mất điện cục bộ, ngành điện đang khẩn trương khắc phục. Theo quan sát của phóng viên, tại TP Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa, nhiều cây xanh, biển hiệu ngã đổ.
Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.

Cây cối, biển hiệu ngã ở TP Tuy Hòa – Ảnh: DUY THANH

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 2.

Cây xanh ngã đổ trên đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) – Ảnh: DUY THANH

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 3.

Một hàng rào tôn công trình bị gió giật ngã đổ tại TP Tuy Hòa, Phú Yên – Ảnh: DUY THANH

DUY THANH

Cảng cá Sa Huỳnh – Quảng Ngãi gió giật dữ dội

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.

Bão số 9 có gió giật mạnh tại cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – Ảnh: MINH HÒA

Cảng cá Sa Huỳnh lúc này, dù gió mạnh lên không ngừng nhưng nhiều người vẫn bất chấp, lao ra kiểm tra ghe.
Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 3.

Cụ Phan Thị Liếc 83 tuổi, trú thôn An Thạch, xã Phổ An, Đức Phổ, được con rể chở đến UBND xã tránh bão sáng 28-10. Cụ Liếc cho hay đã sơ tán sang nhà con rể nhưng sáng nay bão vào gió mạnh quá nên cả nhà sợ, con rể đưa bà và các con ra UBND xã tránh bão. Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng nay khu vực xã Phổ An gió giật rất mạnh, một số cây xanh đã ngã đổ dù bão chưa vào bờ – Ảnh: TẤN LỰC

PHƯỚC TUẦN

Quy Nhơn người dân vẫn di chuyển liều lĩnh

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.

Quy Nhơn cây đã ngã đổ trong gió lớn. Một số người dân vẫn liều lĩnh ra đường – Ảnh: M.VINH

Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) gió to bắt đầu xuất hiện từ 4h sáng. Cây bắt đầu ngã đổ.  Các chậu hoa mặt dù để sát mặt đất nhưng cũng bị gió xô ngã. Ngoài đường, một số người dân vẫn liều lĩnh di chuyển trong gió lớn.
Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 2.

Một số người dân vẫn liều lĩnh ra đường – Ảnh: M.VINH

MAI VINH

Kon Tum bắt đầu mưa, học sinh nghỉ học 2 ngày

Tại TP Kon Tum, thời điểm 6h sáng 28-10, ghi nhận trời âm u, nhiều mây, gió nhẹ tuy nhiên đã bắt đầu có những đợt mưa đầu tiên.  Ông Văn Tất Cường – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum – cho biết sáng nay 28-10 lượng mưa cao nhất ghi nhận được đã ở mức 80mm. Hiện chưa có ghi nhận về thiệt hại do bão số 9 trên địa bàn tỉnh. Sáng cùng ngày, ông Đoàn Thành Nhân – phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết tỉnh đã cho học sinh các khối từ mầm non đến THPT nghỉ học ngày 28 và 29-10. Các điểm trường được đảm bảo an toàn, chằng chống trường lớp tránh lật, tốc mái do mưa bão. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, đến chiều tối qua, 24 hồ chứa, thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn nước đã gần đầy so với dung tích thiết kế.  Tuy nhiên các hồ chứa, thủy điện trên phần lớn là đập tràn, nước mưa dâng, các hồ sẽ tự điều tiết nên chưa đáng lo ngại. Đối với các hồ chứa, thủy điện lớn có chức năng điêu tiết lũ, cơ quan chức năng vẫn theo dõi sát thông tin từ đài khí tượng thủy văn tỉnh để có điều chỉnh, vận hành phù hợp.  Các thủy điện cũng đã được chỉ đạo phối hợp với các địa phương vùng hạ du, đặc biệt là vùng có dân kiểm tra, rà soát, tổ chức sơ tán khi cần thiết. Hiện tại có một điểm có nguy cơ sạt lở tại thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông. Khu vực này được ghi nhận sạt lở từ năm 2018.  Một hộ dân tại đây đã được chính quyền địa phương tổ chức sơ tán đồ đạc, cử cán bộ theo dõi, tổ chức di chuyển đến nơi an toàn khi có nguy hiểm xảy ra. 

ĐÌNH CƯƠNG

Hội An gió thốc dữ dội từ biển

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1.

Gió giật liên hồi từ biển Cửa Đại và duy trì khoảng cấp 6, cấp 7 tại Hội An sáng nay – Ảnh: T.B.D.

Tình hình ghi lại tại Hội An lúc 6h20 phút sáng 28-10, gió thốc dữ dội từ biển. Toàn thành phố đã khép kín cửa, không một bóng người.  Bão đang rít với cấp gió từ 6-7 và chưa gây thiệt hại đáng kể nào. Trong đêm qua và tới sáng nay toàn thành phố vẫn an toàn, chính quyền đang cử lực lượng túc trực, cấm dân ra đường trong thời điểm bão vào.
Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 2.

Chủ các khách sạn chất bao cát đề phòng nước biển dâng tại biển Hội An – Ảnh: T.B.D.

Trong khi đó tại đảo Cù Lao Chàm, gió khiến nhiều cây cối ngã đổ. Lúc 6h sáng nay chính quyền xã Tân Hiệp cho biết xã đảo vẫn chưa có thiệt hại nào, ngoại trừ một vài nhà dân bị tốc mái tôn.

THÁI BÁ DŨNG

Quảng Nam gió cấp 8

Lúc 6h, tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, mưa và gió mạnh, rít lên từng đợt khiến cây cối xiêu vẹo.  Tại một khu khách sạn ở thành phố này, đứng từ gác cao chúng tôi ghi nhân gió thổi rất mạnh hơi chếch về phía Tây, nhiều cây cối nghiêng ngả mạnh trước gió lớn.  Tại huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), những ảnh hưởng của cơn bão số 9 đã xuất hiện rõ hơn khi gió đã thổi mạnh theo từng cơn liên hồi từ 6h sáng nay.  Bên trong trụ sở UBND huyện Núi Thành, gió thổi mạnh khiến mái tôn của trụ sở kêu ầm ầm. Ông Lê Văn Hiệp – phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Núi Thành – cho biết sức gió hiện nay tại Núi Thành khoảng cấp 8. 

 LÊ TRUNG – NGỌC HIỂN

Quảng Ngãi đang mưa lớn

Lúc 6h, tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi, trời đã hửng sáng. Hiện khu vực này mưa rất lớn. Gió rít liên tục. 

Trong cơn mưa, gió lớn, chúng tôi cảm nhận âm thanh rít dài của gió. Nhiều người dân trú bão tại một khách sạn ở Quảng Ngãi cũng dậy từ rất sớm vì lo lắng.

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 4.

Mưa gió tiếp tục gia tăng cường độ tại TX Đức Phổ, Quảng Ngãi, sáng 28-10 – Ảnh: TẤN LỰC

Bão số 9 áp sát, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền - Ảnh 5.

Cây xanh ở xã Phổ An, Đức Phổ, vừa bị quật gãy – Ảnh: TẤN LỰC

PHƯỚC TUẦN

Lý Sơn một số nhà dân đã tốc mái

Cộng tác viên báo Tuổi Trẻ cho biết khu vực trong video trên là thôn Đông, xã An Vĩnh ( Lý Sơn) sóng phủ cao, hình ảnh cho thấy nhiều nhà dân đã bị bão cuốn bay mái tôn.

Cộng tác viên Phạm Văn Mịnh của báo Tuổi Trẻ từ Lý Sơn cho biết bão đã bắt đầu đổ bộ vào Lý Sơn, trời không mưa, chỉ gió rất lớn, một số nhà dân đã bị tốc mái.

LÊ ĐỨC DỤC

Đà Nẵng mưa và gió mạnh

Ghi nhận sáng nay tại TP Đà Nẵng, gió bắt đầu mạnh từng hồi và xuất hiện mưa lớn.  Mặc dù đây không phải là nơi tâm bão số 9 đổ bộ nhưng người dân thành phố đã tuân thủ không ra đường vào sáng sớm nay.  Công nhân tại các công ty, xí nghiệp cũng được cho nghỉ làm, học sinh trên toàn TP cũng nghỉ học. Chỉ lác đác một vài xe máy còn chủ quan di chuyển. 

ĐOÀN NHẠN

 
NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ
1,687 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết