Bão số 6 vào đất liền gió giật cấp 13, rất phức tạp, vì sao?

Sáng sớm ngày 7-11, tâm bão số 6 cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 340km, sức gió mạnh nhất 75-90km/h (cấp 9). Dự báo bão sẽ đổi hướng và gây gió giật cấp 13 khi vào gần đất liền Quảng Ngãi – Khánh Hòa.

Bão số 6 vào đất liền gió giật cấp 13, rất phức tạp, vì sao? - Ảnh 1.

Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 6 – Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Mô hình dự báo của Mỹ lúc này cho thấy bão số 6 có khả năng đổ bộ vào khu vực giữa tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Khánh Hòa vào khoảng ngày 10-11.

Bão tăng tốc khi vào gần bờ, gió giật cấp 13, 14

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 4h sáng nay 7-11 tâm bão số 6 cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 340km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Đông, sau đó có khả năng đổi hướng, di chuyển chậm về phía Tây và có khả năng mạnh thêm. 

Đến 4h ngày 8-11, tâm bão số 6 cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 12.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 9-11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 14.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ nhanh hơn, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 4h ngày 10-11, tâm bão cách đất liền các tỉnh Quảng Ngãi – Khánh Hòa khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/h), giật cấp 13.

Bão số 6 vào đất liền gió giật cấp 13, rất phức tạp, vì sao? - Ảnh 2.

Vị trí bão số 6 trên trang windy.com

Di chuyển chậm

Bà Lê Thị Xuân Lan – nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ – nhận định cơn bão này di chuyển chậm nên năng lượng tiêu hao do ma sát khá ít. Mặt khác khi cơn bão chuyển hướng quay vào đất liền sẽ đi qua vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đây là vùng biển có độ ẩm cao, ấm nóng, cơn bão sẽ tích tụ thêm năng lượng để mạnh lên.

Thêm vào đó từ ngày 7-11, áp cao lạnh lục địa dồn xuống phía Nam, sự kết hợp của không khí lạnh phía Bắc và bão số 6 ở phía Nam tạo ra gió đông bắc rất mạnh ở rìa phía bắc của cơn bão khiến bão số 6 tăng cấp nhanh.

Về tình hình mưa gió trên đất liền, bà Lan cho biết trong hai ngày tới khu vực miền Trung sẽ ngớt mưa, mưa chỉ xảy ra rải rác vài nơi. Nhưng bắt đầu từ ngày 9-11 trở đi, miền Trung sẽ đối mặt với một đợt mưa lớn kéo dài trong 2-3 ngày, khu vực từ Đà Nẵng đến tỉnh Khánh Hòa sẽ là trọng tâm của đợt mưa lũ do bão số 6 gây ra.

Khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên từ ngày 6-11 đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên xảy ra mưa tại một số nơi, trời nhiều mây.

Sau khi bão số 6 tan, tại khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện một cơn bão mới trong khoảng ngày 13 đến 14-11. Cơn bão này lại có hướng di chuyển vào miền Trung nước ta.

Theo LÊ PHAN

https://tuoitre.vn/bao-so-6-vao-dat-lien-gio-giat-cap-13-rat-phuc-tap-vi-sao-20191107072038051.htm

9,771 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết