Báo chí phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển “sứ mạng báo chí” cho lực lượng khác

Hiện nay, hầu hết các tờ báo ở Việt Nam đang “đi sau” về công nghệ. Trước những thách thức của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn; hoặc là họ đã bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu. 

Sáng 13-11, tại Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”. Diễn đàn do Bộ TT-TT tổ chức với mục đích để các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin chia sẻ, trao đổi thảo luận đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ phát triển ngành báo chí, truyền thông cũng như giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm của một số cơ quan báo chí đã và đang ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí.

Tham dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, marketing, quảng cáo,… với các tham luận chuyên sâu về xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đây cũng là hoạt động đầu tiên của Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024” do Bộ TT-TT chủ trì.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí Việt Nam phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển “sứ mạng báo chí” cho lực lượng khác ảnh 1                    Quang cảnh phiên khai mạc Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”. Ảnh T.B
 
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây sẽ là Dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực để có thể đóng góp cho sự phát triển của báo chí, và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo nên “Big Bang” ở lĩnh vực lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng hiện nay báo chí đang là người đi sau về công nghệ. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn. Hoặc là họ đã bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu.
Theo Bộ trưởng, thời đại kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Vì vậy phải đổi mới công nghệ với giải pháp nào? Và quan trọng nữa, là với ai? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí Việt Nam phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển “sứ mạng báo chí” cho lực lượng khác ảnh 2                      Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh T.B
 
Hiện nay, một số công ty đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Viettel, Công ty CMC, Công ty Yeah1. Viettel và CMC sẽ có đội ngũ chuyên biệt phát triển hạ tầng và ứng dụng cho báo chí. Các doanh nghiệp viễn thông vừa qua đã có sự hỗ trợ rất thiết thực với báo chí, về kết nối và hosting (lưu trữ) cho báo chí điện tử.
Có thể giá trị chưa lớn, nhưng đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam chung tay hỗ trợ báo chí nước nhà. “Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí Việt Nam phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển “sứ mạng báo chí” cho lực lượng khác ảnh 3                                  Yeah1  giới thiệu mô hình App News Vietnam với nền tảng dùng chung cho tất cả các báo. Qua đó có thể quản trị nội dung quảng cáo và đa dạng hóa kênh thông tin. Ảnh T.B
 
Bên cạnh việc cam kết đồng hành, ủng hộ báo chí phát triển, các doanh nghiệp công nghệ như Viettel, VCCorp, MobiFone, Yeah1 đã giới thiệu những công nghệ, kỹ thuật mới trong hoạt động báo chí thời kỳ 4.0. Nhất là những công nghệ mang tính tương thích đa nền tảng, sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp hoạt động báo chí trở nên thuận tiện hơn, hướng tới vụ phụ tốt các nhu cầu của xã hội cũng như phát triển kinh tế báo chí.
 
Cũng tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024” được thực hiện giữa Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Đối tượng tham gia hưởng lợi từ chương trình này sẽ là tất cả các loại hình báo chí đang hoạt động ở Việt Nam như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam.
Theo Trần Bình 
 
https://www.sggp.org.vn/bao-chi-phai-thay-doi-truoc-khi-cong-nghe-chuyen-su-mang-bao-chi-cho-luc-luong-khac-628265.html
7,571 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết