Thúc đẩy phục hồi bền vững sau Covid-19

Phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19 đang là mục tiêu mà các tổ chức toàn cầu đặt ra, nhất là Liên hiệp quốc (LHQ). Để đạt mục tiêu này, hôm nay 19-10, hơn 200 nhà đầu tư trên thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tư toàn cầu (GIS) tại London.
 
Lắp đặt turbine phát điện từ thủy triều tại eo biển Anh

Lắp đặt turbine phát điện từ thủy triều tại eo biển Anh

Cần thay đổi toàn diện

Trước tác động của dịch Covid-19, việc đầu tư phát triển trên toàn cầu lộ ra nhiều vấn đề đáng lo ngại: Chiến lược phát triển thiếu tính bền vững, môi trường bị hủy hoại… Thực tế này đòi hỏi các nhà đầu tư phải tìm ra chiến lược mới, để kế hoạch đầu tư phát triển được ổn định, bền vững.

Ngày 17-10, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi nhà đầu tư nghiên cứu, có giải pháp phục hồi mang tính chuyển đổi, toàn diện và bền vững sau đại dịch Covid-19. Qua đó, chấm dứt nghèo đói, tạo ra một thế giới công bằng cho mọi người. Phát biểu nhân ngày Ngày Quốc tế xóa bỏ đói nghèo (17-10), ông Antonio cho biết: “Nghèo đói là một bản cáo trạng đạo đức của thời đại chúng ta. Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, tình trạng nghèo cùng cực đang gia tăng. Năm ngoái, khoảng 120 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói khi đại dịch Covid-19 tàn phá các nền kinh tế và xã hội”.

Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, sự phục hồi không ổn định đang làm gia tăng bất bình đẳng giữa Bắc và Nam bán cầu. Thế giới cần tiếp cận ba mũi nhọn để phục hồi toàn cầu. Thứ nhất, sự phục hồi phải mang tính chuyển đổi thay vì quay lại với những bất lợi về cơ cấu và bất bình đẳng đặc hữu đã gây ra đói nghèo như trước đại dịch. Ông Guterres khẳng định cần có ý chí chính trị và quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn để đảm bảo bảo trợ xã hội toàn dân vào năm 2030 và đào tạo lại kỹ năng cho nền kinh tế xanh đang phát triển. Thứ hai, sự phục hồi phải bao trùm, vì phục hồi không đồng đều sẽ bỏ lại phần lớn nhân loại, các nhóm bị gạt ra ngoài xã hội dễ bị tổn thương… Thứ ba, sự phục hồi phải bền vững để xây dựng một thế giới có khả năng phục hồi, mà trọng tâm là không khí thải carbon.

Đầu tư vào phát triển xanh

Cũng hướng tới phát triển bền vững, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cho biết GIS sẽ là cơ hội tuyệt vời để đảm bảo các giao dịch đầu tư vào ngành công nghiệp xanh. Đây cũng là dịp để các công ty giới thiệu công nghệ xanh và những đổi mới công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực xe điện, nhiên liệu hydro, công nghệ xây dựng turbine gió ngoài khơi… Các cuộc triển lãm bên lề GIS sẽ chứng minh những bước tiến lớn về năng lượng tái tạo, chẳng hạn như công nghệ turbine thủy triều phát điện cũng như những tiến bộ trong công nghệ xanh như xe buýt hydro hai tầng không phát thải đầu tiên trên thế giới…

Với sự chủ trì của Thủ tướng Boris Johnson và được sự ủng hộ của các thành viên Hoàng gia Anh, GIS thể hiện cam kết của Anh đối với cuộc cách mạng công nghiệp xanh ở Anh và tại nhiều nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26 – diễn ra vào đầu tháng 11 tại Scotland).

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quá trình chuyển đổi thế giới về mức khí thải khí nhà kính bằng 0 đòi hỏi sự thay đổi chưa từng có của các công ty và chính phủ, cũng như đầu tư bổ sung lên tới 20.000 tỷ USD trên toàn cầu trong 2 thập kỷ tới. Theo IMF, thế giới cần một quỹ đầu tư chung trị giá 50.000 tỷ USD tập trung vào phát triển bền vững. Quỹ này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và giúp tránh một số tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, IMF cho biết ngay cả khi tính bền vững đang trở thành xu hướng chủ đạo trong các chiến lược đầu tư, các quỹ đầu tư bền vững vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong phần lớn các quỹ đầu tư.

KHÁNH MINH tổng hợp (SGGPO)

https://www.sggp.org.vn/thuc-day-phuc-hoi-ben-vung-sau-covid19-769341.html

1,084 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết