Chờ Sổ sức khỏe điện tử…“khỏe” hơn

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi phải giãn cách xã hội thì ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử ra đời, được người dân rất quan tâm. Qua ứng dụng này, người dân dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động trong việc phòng ngừa dịch, cũng như giảm bớt áp lực cho đội ngũ y tế.
Chị Trần Thị Thanh Trang, huyện Bình Chánh, TPHCM  hướng dẫn thành viên gia đình sử dụng app sổ sức khỏe điện tử trên nền điện thoại thông minh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chị Trần Thị Thanh Trang, huyện Bình Chánh, TPHCM hướng dẫn thành viên gia đình sử dụng app sổ sức khỏe điện tử trên nền điện thoại thông minh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dễ dàng sử dụng

Mặc dù chỉ mới được đưa vào sử dụng từ tháng 7, nhưng Sổ sức khỏe điện tử đã trở thành một trong những ứng dụng được cài đặt nhiều nhất. Để cài đặt ứng dụng, người sử dụng điện thoại thông minh chỉ cần truy cập vào CH Play (đối với hệ điều hành Android) hoặc App Store (đối với hệ điều hành iOS), tìm kiếm ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” sau đó nhấn cài đặt để tải về và làm theo hướng dẫn. 

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng giúp quản lý thông tin sức khỏe trên điện thoại di động thông minh. Ứng dụng giúp người dân chủ động trong việc theo dõi, phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Những thông tin sức khỏe của người sử dụng được lưu trữ, cập nhật và kết nối trực tiếp với hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, qua đó giúp các cán bộ y tế có thể dễ dàng nắm bắt, hỗ trợ sức khỏe của người sử dụng. Về phía người dân, qua Sổ sức khỏe điện tử, tình hình sức khỏe sẽ được quản lý, giúp phát hiện bệnh sớm và có các phương án điều trị kịp thời. Một trong những tiện ích được tích hợp trên Sổ sức khỏe điện tử là người dân có thể tìm các cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến nhanh chóng khi kích chọn chức năng “Tìm bác sĩ” hoặc “Tìm cơ sở y tế”.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, Sổ sức khỏe điện tử giúp người dân dễ dàng đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19, theo dõi lịch sử tiêm vaccine, chứng nhận tiêm chủng và thuận tiện thực hiện khai báo y tế. Theo ông Nguyễn Trường Nam, để đăng ký tiêm vaccine Covid-19 trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, người dân phải cung cấp thông tin cá nhân, kê khai trên bảng đăng ký. Sau khi nhận được thông báo đăng ký thành công, người dân sẽ được liên hệ qua điện thoại. Tiếp đến, các thông tin được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vaccine, nơi tiêm chủng sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể. 

“Việc đăng ký tiêm vaccine qua mạng là hình thức giúp người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng, các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin. Đồng thời, giảm ùn tắc ở các điểm tiêm vaccine, hạn chế khả năng lây nhiễm cho người dân”, ông Nam chia sẻ. Ông cho biết thêm, đối với chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19, trong ứng dụng, chứng nhận này gồm một mã QR với nền trắng, nếu người dùng chưa tiêm. Sau khi tiêm 1 mũi vaccine, nền chuyển sang màu vàng, tiêm đủ 2 mũi sẽ chuyển sang màu xanh. Mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử sau này sẽ thay thế cho giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 và mở đường cho “Hộ chiếu vaccine” sau này.

Từng bước khắc phục trục trặc

Là một trong số nhiều người đã cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, anh Nguyễn Xuân H. (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ cần một điện thoại thông minh có kết nối mạng, tôi có thể tải ứng dụng về máy để sử dụng. Qua ứng dụng này, tôi đã được tiêm 1 mũi vaccine và được cấp chứng nhận tiêm chủng điện tử có mã QR giúp lưu trữ thuận lợi vì không sợ mất giấy xác nhận”. Trong khi đó, anh Lê Tiến L. làm nghề lái xe cho biết, công việc của anh phải đi lại nhiều nên việc khai báo y tế qua mã quét QR cũng giúp anh dễ dàng khai báo, rút ngắn thời gian khi tới những nơi phải khai báo y tế và hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Cùng với những tiện ích Sổ sức khỏe điện tử mang lại, do mới triển khai nên cũng có không ít trục trặc, nhược điểm. Nhiều người sử dụng phản ánh, ứng dụng có lúc hoạt động chập chờn, không đăng ký được tài khoản, không quét được mã QR. Đặc biệt, chức năng về chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 nhiều lúc không hiệu quả, còn sai sót khi có người đã được tiêm 1 mũi, thậm chí đủ 2 mũi vaccine, nhưng ứng dụng vẫn báo chưa tiêm, hoặc nếu có báo thì thông tin chưa chính xác về cá nhân người được tiêm. Cùng với đó, tại phần đăng ký khám bệnh trực tuyến chưa hiển thị đủ danh sách các bệnh viện, hay phòng khám để người dân có thể lựa chọn.

Trước những trục trặc trên, đại diện nhà cung cấp ứng dụng cho biết, đang tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành chức năng liên quan xây dựng các hướng dẫn để người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc đăng ký và sử dụng, đồng thời tiếp tục nâng cấp, cập nhật phần mềm để khắc phục, xử lý triệt để các lỗi. Ông Nguyễn Trường Nam cho biết, hiện nay lượng dữ liệu về tiêm chủng tương đối lớn nên có thể một thời gian nữa, những người đã tiêm vaccine mới có thông tin trên hệ thống. Đồng thời, thông tin tiêm chủng của người dân trên hệ thống còn phụ thuộc vào việc nhập liệu của cơ sở tiêm chủng, khi mà số người được tiêm vaccine ngày càng tăng cao thì các cơ sở y tế cần thời gian để nhập thông tin của từng người vào hệ thống và cũng khó tránh khỏi thông tin chưa chính xác, nên cần từng bước điều chỉnh.

TPHCM đang hoàn thiện quy trình cập nhật điều chỉnh thông tin tiêm chủng
Các ứng dụng khai báo y tế điện tử đang được sử dụng tại TPHCM là Khai báo Y tế điện tử TPHCM, Bluezone, NCovi và VHD. Sở TT-TT TPHCM đã phối hợp Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) liên thông dữ liệu từ hệ thống của Bộ Y tế, hệ thống của TP về Trung tâm Dữ liệu quốc gia và Trung tâm Dữ liệu TP.
Từ đó, các cơ quan y tế, địa phương quản lý thông tin của tất cả người ra/vào các địa điểm; tra cứu, thống kê thông tin checkin (khai báo) theo thời gian, địa điểm; truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện có trường hợp nghi mắc Covid-19. Hệ thống khai báo y tế điện tử của TP sử dụng mã QR theo tiêu chuẩn do Bộ TT-TT quy định.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM, TP sử dụng hệ thống tiêm chủng quốc gia cho chiến dịch tiêm chủng từ ngày 22-7-2021. Hiện nay, dữ liệu tiêm chủng của TP đã được cập nhật trực tiếp vào hệ thống tiêm chủng quốc gia tại địa chỉ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (tiemchungcovid19.gov.vn) đạt tỷ lệ 93,27%. Sở TT-TT và Sở Y tế TP đang khẩn trương tập hợp dữ liệu đã tiêm từ các đợt trước tại các bệnh viện để đưa vào hệ thống tiêm chủng quốc gia. Để xem kết quả tiêm chủng, người dân đã tiêm vaccine mũi 1 hoặc mũi 2 có thể  tra cứu kết quả tiêm tại Cổng Thông tin tiêm chủng Covid-19 http://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh.
Do một số dữ liệu của người tiêm chưa chính xác nên Bộ Y tế đã mở ứng dụng ghi nhận phản ánh của người dân để điều chỉnh (tiemchungcovid19.gov.vn). Sở Y tế và Sở TT-TT đang phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ TT-TT để hoàn thiện quy trình cập nhật điều chỉnh thông tin tiêm chủng do người dân phản ảnh. Sở TT-TT TP phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ TT-TT để liên thông dữ liệu tiêm chủng của TP phục vụ công tác phòng chống dịch và kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh của TP một cách an toàn trong giai đoạn phòng chống dịch.
Để nhanh chóng có chứng nhận tiêm vaccine, người dân cần cài app Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y Tế, đăng ký, đăng nhập và cập nhật đủ thông tin cá nhân, kiểm tra chứng nhận tiêm chủng. Những cá nhân đã đăng ký tiêm chủng sẽ có dữ liệu, còn trường hợp dữ liệu chưa được cập nhật hoặc cập nhật chưa chính xác thì tự mình có thể cập nhật tại link 
https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/portal-report để cùng hỗ trợ cơ quan chức năng. 
                                                                                BÁ TÂN

MINH KHANG (SGGPO)

https://www.sggp.org.vn/cho-so-suc-khoe-dien-tukhoe-hon-759860.html

1,664 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết