'Tôi là F0' - Trải nghiệm của một người bệnh vừa 'chạm' lằn ranh sinh tử

 Chị Đỗ Kim đã trải qua quá trình nhiễm bệnh kéo dài đầy mệt mỏi, có lúc phổi trắng xóa, khó thở tưởng chừng gục ngã, nhưng chị đã vượt qua được lưỡi hái tử thần.

Tôi là F0 - Trải nghiệm của một người bệnh vừa chạm lằn ranh sinh tử - Ảnh 1.

Bệnh viện dã chiến số 8, khu người ở cách ly – Ảnh: ĐỖ KIM

Dưới đây là câu chuyện của chị.

Không mất mùi vẫn bị COVID-19

Trước ngày 9-7, khi TP.HCM có đợt giãn cách đầu tiên, tôi đã đi mua ít Panadol, vitamin C dự trữ và ra siêu thị mua thực phẩm. Sau đó, tôi không hề ra khỏi nhà.

Đến 16-7, tôi hơi bị sốt, nên tối uống một viên Panadol rồi đi ngủ. 17-7, tôi uống tiếp ba viên Panadol và hai viên vitamin C, thấy êm. Tối 18-7, tôi thấy đau rát họng dữ dội. Và đến sáng 19-7, tôi nhắn cho bạn làm bác sĩ tai mũi họng. Bạn nghĩ tôi bị viêm họng cấp nên đề nghị tôi uống bảy ngày thuốc: Augmentine 1g 14v, 1v×2. Medrol 8mg 3v, 1v sáng. Alpha choy 30v, 2v×3. Panadol 500mg 6v, 1v×2. Một người bạn đi mua thuốc giúp tôi.

Các bạn khác khuyên tôi nên ăn thức ăn dễ tiêu, như nấu cháo trắng với hành. Tôi xông được một lần, xông xong thấy khỏe hẳn ra, nhưng làm một mình lười, không xông nữa. Sáng nào tôi cũng nấu gừng, cho thêm chanh, mật ong vào uống.

Sau năm ngày uống kháng sinh, ăn cháo, tôi mệt lả người, không còn hơi sức. Lúc đó, con trai nấu canh thịt ức gà, canh thịt bò cho tôi húp. Ráng húp thôi, chứ tôi cảm thấy rất mệt. Tuy nhiên, tôi không bị mất mùi, mất vị, vì thế tôi nghĩ mình không bị nhiễm COVID.

Xong bảy ngày kháng sinh là 25-7, tôi cảm thấy người rất mệt. Họng đã hết đau hoàn toàn, nhưng tôi lại bị tiêu chảy, nên một bạn bác sĩ khác cho tôi thuốc trị tiêu chảy. Tôi vẫn sốt nhẹ, và bắt đầu ho nhiều, nên mệt, khó thở, hai bàn tay tím đen.

Sáng 28-7 (sau 12 ngày bệnh), tôi đã bớt ho, đi vệ sinh bình thường, sốt nhẹ và vẫn khó thở. Bạn bác sĩ khuyên tôi nên vào bệnh viện xét nghiệm. 

Tuy nhiên, lúc đó việc vào bệnh viện đã khó khăn. Con trai tôi nói chuyện với anh bạn là bác sĩ trong Bệnh viện 30-4, cậu ấy cũng khuyên nên đưa tôi vào bệnh viện ngay. Nhưng tôi và con trai không tìm được bệnh viện để vào. 

Sang ngày thứ 13 (29-7), cậu bạn bác sĩ cho con trai tôi mượn thiết bị đo SpO2 để đo cho tôi, chỉ số SpO2 của tôi là 88, tôi rất mệt và khó thở. Đột nhiên, cậu ấy điện thoại cho con trai tôi: “Lên bệnh viện gấp, vì có giường trống, lên ngay, không cần mang gì cả, đồ đạc chuyển sau”. 

12h trưa, con trai chở tôi đến Bệnh viện 30-4, bảo vệ không cho vào, phải có bảo hiểm tại bệnh viện mới được vào. Ngay lúc đó trời lại mưa to, tôi tựa người vào tường cổng bệnh viện, đứng không vững. Cậu bạn bác sĩ phải chạy ra tận cổng nói bảo vệ cho vào khám sàng lọc. 

Khai báo y tế xong, vào khu khám sàng lọc, họ đo SpO2 còn 76. Tôi mệt lả người, trong đầu không có một suy nghĩ gì cả. Nhân viên y tế đề nghị test, nếu dương tính mới được vào cấp cứu, nếu âm tính, vào sẽ rất nguy hiểm, vì trong đó toàn là người bệnh. 

Test nhanh dương tính, lập tức nhân viên y tế đưa tôi vào khu cấp cứu.

Bước vào cửa tử

Xe đẩy đưa tôi vào phòng hồi sức – cấp cứu, lên giường nằm, và cho thở oxy ngay. Các nhân viên y tế đo huyết áp, lấy máu xét nghiệm, chụp X-quang phổi ngay tại giường. Vài tiếng sau tôi được chuyển sang phòng hai giường, WC trong phòng, chỉ có một giường có máy tạo oxy. Tôi thở oxy tại giường có gắn máy tạo oxy.

Ban đầu tôi không biết nên khi cần đi tiểu, tôi tháo dây thở oxy ra để vào WC. Mỗi khi như thế tôi cảm thấy choáng váng, muốn té và rất mệt.

Sang ngày thứ 15 kể từ ngày mắc bệnh (31-7), cậu bác sĩ bạn con trai vào thăm, thấy tôi tháo dây oxy ra, cậu ấy la quá chừng: “Cô không được tháo dây oxy ra, cô phải nằm suốt trên giường, tiêu tiện tại chỗ”. 

Lúc này, tôi không rời ống oxy nữa và rõ ràng, khi thở suốt như thế, tôi đỡ mệt hẳn, sức khỏe tăng lên rõ rệt.

Trong bệnh viện, sáng nào cũng kiểm tra đo huyết áp, đo chỉ số SpO2, chích vào bụng, vào ven tay, truyền dịch, pha Oresol uống cả ngày. Tối, bác sĩ khám lại lần nữa.

Bệnh viện phát cơm ăn ba bữa/ngày. Tôi cố gắng ăn đầy đủ, không bỏ bữa nào. Khẩu phần khá nhiều, đầy đủ chất bổ dưỡng.

Sức khỏe tôi tiến triển rõ rệt, dù vẫn còn mệt, hay bị lo âu, hồi hộp, tim đập mạnh. Khi khỏe một chút, tôi bắt đầu xoa bóp bàn tay, các ngón tay, vì nghe nói trên bàn tay có rất nhiều huyệt đạo liên quan đến nội tạng trong cơ thể. Ngày đầu tiên, xoa bóp bàn tay, tôi rất ngạc nhiên khi thấy bàn tay cứng ngắc, đụng vào rất đau, nhưng tôi vẫn kiên trì. Tôi vỗ hai bàn tay, tập thở, tập nằm sấp.

Đầu óc tôi không thể tập trung. Tôi khó ngủ, chỉ ngủ giấc ngủ ngắn.

Đến ngày 3-8, tôi ở bệnh viện được năm ngày, có thông báo, tôi và cô bạn cùng phòng phải chuyển sang Bệnh viện dã chiến số 8.

Xe cứu thương chở chúng tôi sang Bệnh viện dã chiến số 8. Đến bệnh viện dã chiến, vào khoa cấp cứu – hồi sức số 3, tôi được đưa ngay lên băng ca để tiếp tục thở oxy. Đây là hầm để xe của chung cư nên trần thấp, quạt để khắp nơi, nhưng vẫn nóng hầm hập. Tại đây, họ phát tã cho mọi người để mặc, tiêu tiện tại chỗ. Phát nước, giấy vệ sinh, cơm ba bữa, và nhiều sữa hộp để uống thêm. Điều dưỡng đo huyết áp, đo chỉ số SpO2 sáng và chiều. Tôi được truyền dịch, chích thuốc 1 lần, sau đó chỉ phát thuốc ho và vitamin C.

Tại đây, tôi thường không ngủ được một giấc dài, mỗi giấc ngủ chỉ 2 – 3 tiếng là dậy. Phần vì ồn ào, do những ca cấp cứu nặng, phần vì tiếng di chuyển bình oxy, đập ầm ầm xuống nền nhà, va vào nhau, nghe đinh tai nhức óc.

Tối 5-8, bác sĩ tháo ống thở oxy của tôi, đề nghị tôi thử không thở oxy nữa, đồng thời chuyển tôi sang nằm ghế bố, nhường băng ca cho người bệnh nặng.

Tôi là F0 - Trải nghiệm của một người bệnh vừa chạm lằn ranh sinh tử - Ảnh 2.

Nơi ở của bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến khá sạch sẽ – Ảnh: ĐỖ KIM

Ra khỏi cửa tử

Trưa 6-8 (bước qua ngày thứ 21), tôi được chuyển lên phòng, nơi những người cách ly. Khi tôi đến, khoa chỉ có ba dãy băng ca và ghế bố cho người bệnh. Khi tôi đi, đã tăng lên năm dãy băng ca, ghế bố la liệt.

Phòng của người cách ly là những căn hộ chung cư cao tầng. Tôi ở tầng 16. Căn hộ tôi ở có hai phòng nhỏ, một phòng khách, một phòng bếp, hai WC. Ba người đàn ông đặt giường ngoài phòng khách, mở rộng cửa ra bancông, nên rất thoáng mát. 

Tôi vào một phòng nhỏ ở một mình, có cửa sổ nhỏ. Bốn người sử dụng chung 1 WC. Mỗi người một ghế bố. Lên đây, xem như đã được lên một bậc thiên đường, bởi không phải đeo ống thở, được đi lại, không phải dính liền với băng ca, và được vào nhà vệ sinh tắm rửa thoải mái.

Ngày đầu mới lên phòng tôi rất yếu, đi muốn té, có lẽ do suốt tám ngày nằm trên giường nên chân yếu. Và tôi gặp một điều lo lắng mới. Trong người tôi dường như virus đã hút cạn kiệt năng lượng dự trữ nên ăn cơm xong, 2 – 3 giờ sau tôi đã đói lả người, hoa cả mắt. 

Dưới cấp cứu, tôi được phát sữa để uống thêm. Còn trên đây chỉ có ba bữa cơm, mà thường trễ và ít hơn, chất lượng không bằng. Những người đi cách ly từ nhà, hầu hết đều thủ sẵn một ít thực phẩm, chỉ có mình tôi đi vào cấp cứu nên không mang gì cả. 

Khi bạn gửi đồ vào có dầu gội đầu, tôi mới được gội đầu sau 20 ngày chưa gội, vì lúc bị bệnh ở nhà, tôi chỉ nằm không gội đầu được. Xin ít xà bông của hai cậu thanh niên, tôi giặt hai bộ quần áo để thay đổi. Tôi cảm thấy được bước lên thêm một nấc thiên đường nữa…

Mỗi ngày tôi bắt đầu tập vài động tác thể dục, tập đi bộ. Ở nhà tôi tập mỗi ngày 1.800 cái vẫy tay trong 30 phút. Tập vài động tác thể dục. Ăn xong mỗi bữa, tôi đều đi bộ nhẹ nhàng 10 – 15 phút. 

Mỗi ngày tôi cố gắng tập tăng lên một chút và cảm thấy sức khỏe cũng tăng theo. Tuy nhiên, tôi vẫn không ngủ được nhiều, sáng nào cũng 2h đã dậy, ráng nằm thêm, đến 4h là tỉnh luôn. Nằm ghế bố, không thẳng người, nên cổ lúc nào cũng đau.

Đến 11-8, tôi đến bệnh viện dã chiến được 8 ngày, tôi được test. Ngày hôm sau, 12-8, tôi được thông báo cho về nhà, sau gần 1 tháng tôi bị bệnh, mừng hết lớn!

Một vài điều tôi đã làm đúng – Khi vào bệnh viện, tôi không bỏ một bữa ăn nào. – Tập vỗ tay, xoa bóp bàn tay, ngón tay. – Tập thở, nằm sấp, tập mọi thứ để mau hồi phục. Mấy ngày trước khi tôi nhập viện cấp cứu, tối tôi ngủ, hơi thở rất nặng nề, phát tiếng rất to như tiếng người kêu rên vì bị nghẹn không thở được (con trai tôi kể lại). Khi nằm cấp cứu, tôi đã nghe những tiếng thở như thế và không ngờ chính tôi cũng đã vậy. Phim phổi của tôi trắng xóa từ cuống phổi. Sau khi tôi nhập viện một ngày, bệnh viện có kêu con trai tôi lên để ký giấy cam kết, bởi tình trạng tôi khá nặng, tỉ lệ sống là 50%, và bệnh viện không biết được tôi có hồi phục được hay không. Khi tôi đến bệnh viện, máy tạo oxy HFNC mới được tài trợ đem đến, lắp ráp trước đó vài phút. Nghĩa là, tôi hồi phục được nhờ gặp nhiều may mắn, nhiều sự giúp đỡ và ý chí cố gắng của tôi. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm cũng đều bị nặng như tôi. Vì thế, quan trọng là mỗi người hãy cố gắng giữ bản thân được khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt bằng cách ăn, ngủ thật tốt. Như thế, dù nhiễm bệnh cũng dễ dàng lướt qua, đừng lo lắng, sợ COVID thái quá.
Những sai lầm nên tránh * Sai lầm đầu tiên là khi bệnh ở nhà, tôi chỉ xông có một lần, rồi lười không xông nữa. * Sai lầm thứ hai, tôi ăn cháo loãng, không đủ sức để tôi chống lại virus. * Sai lầm thứ ba, tôi không nghĩ mình bị COVID vì không bị mất mùi, mất vị, tôi không hề biết đến chỉ số SpO2.

THEO ĐỖ KIM (TUOITRE ONLINE)

https://tuoitre.vn/toi-la-f0-trai-nghiem-cua-mot-nguoi-benh-vua-cham-lan-ranh-sinh-tu-20210819214559156.htm

1,144 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết