Trẻ em mắc COVID-19 có nguy hiểm không, xử trí thế nào?

 Trẻ em mắc COVID-19 sẽ như thế nào? Có nguy hiểm hay không? Điều trị COVID-19 cho trẻ em có khác gì với người lớn? Trẻ béo phì, mắc bệnh nền cần lưu ý ra sao?

Trẻ em mắc COVID-19 có nguy hiểm không, xử trí thế nào? - Ảnh 1.

Một em nhỏ ở Bệnh viện dã chiến số 4 – Ảnh: BVCC

Khi số ca mắc COVID-19 tăng lên nhiều trong cộng đồng thì đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều trẻ em mắc bệnh COVID-19. 

Từ ngày 7-7, khi bắt đầu chính thức hoạt động đến nay, Bệnh viện dã chiến số 4 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã tiếp nhận khoảng 1.000 trẻ mắc COVID-19, hiện còn khoảng 200 trẻ. Đa số các bé đi cùng gia đình đến bệnh viện để được cách ly, chăm sóc, điều trị.

Sẽ bình an nhé con!

Gia đình bé N., 13 tuổi, ngụ ở Q.10, TP.HCM, có năm người thì cả năm người cùng nhiễm COVID-19. Ông nội bé mất, ba mẹ bé được đưa vào bệnh viện cũng đã chết vì COVID-19.

Hai chị em bé N. được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4. Biết hoàn cảnh của hai bé rất thương tâm, một nhân viên y tế đã xếp cho hai bé ở cùng với người nhà của mình cũng đang được cách ly tại đây, chăm sóc thêm cho hai bé. 

Tối hôm đầu tiên hai chị em khóc suốt vì biết tin ba mẹ mất. Những người ở cùng phòng đã chăm sóc, an ủi, động viên hai bé. 

Nhân viên công tác xã hội cũng luôn gọi điện hỏi thăm hai bé, hỏi xem hai bé thích gì để gửi vào cho hai bé. Gần đến ngày xuất viện, nhân viên của bệnh viện đã liên hệ với bà ngoại của hai bé ở Đồng Nai đến đón hai bé về.

Một nhân viên y tế đã chia sẻ: “Đại dịch khiến các em có thể sẽ không bao giờ nhớ mặt cha mẹ đã mất vì còn quá nhỏ khi COVID-19 xảy ra. Mất mát quá lớn, quá sớm, nhưng may mắn hai chị em N. đã trở về vẹn toàn trong vòng tay thân yêu, rộng mở và bao dung hơn của những người thân còn sót lại. Rất mong hai em sẽ bản lĩnh, vượt khó và mãi bình an trong cuộc sống”.

Cũng trong một đêm mưa, Bệnh viện dã chiến số 4 đã tiếp nhận một bé trai 9 tuổi cũng mới mất cả ba mẹ. Bé K. vừa đi vừa khóc khi cùng cậu ruột bước vào phòng bệnh.

Trước đó, bệnh viện được các nhân viên y tế địa phương thông báo có hai cháu bé là hai anh em ruột đang gặp vấn đề về sức khỏe. Qua kiểm tra, bác sĩ xác định một trong hai bé bị sốt nhưng không có dấu hiệu khó thở. 

Hai anh em K. được xét nghiệm COVID-19. Kết quả bé K. dương tính. Em trai của K. có kết quả âm tính nên được cách ly tại nhà.

Trong khoảng hai tuần theo dõi tại bệnh viện, xét nghiệm hai lần âm tính, bé K. cùng cậu của bé xuất viện. Ngày xuất viện chính là ngày sinh nhật của bé. Dù rất nhiều công việc nhưng nhân viên y tế của bệnh viện vẫn âm thầm chuẩn bị, đặt bánh kem chúc mừng sinh nhật bé. 

“Sóng gió đến sớm với con để con kiên cường và bản lĩnh hơn, chúc con một đời bình an bên cạnh những yêu thương cuộc đời con nhé!”. Đây là những lời động viên, sẻ chia của nhân viên y tế dành cho bé K. trong ngày xuất viện.

Ít bị biến chứng hơn

Ông Nguyễn Trần Nam, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, hiện đang tham gia điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 4, cho biết trẻ em mắc COVID-19 thường bị lây từ gia đình. 

Do vậy khi gia đình đi điều trị thì cũng đưa các bé đi cùng. Bệnh viện dã chiến số 4 có 20 tòa nhà, trải rộng trên 30ha, có 4.000 giường bệnh, là nơi tiếp nhận những gia đình có trẻ em mắc COVID-19.

Có những gia đình khi vào bệnh viện có cả ông bà, ba mẹ và các con. Theo bác sĩ Nam, chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 khác hơn so với người lớn mắc COVID-19. Với trẻ quá nhỏ cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt như trẻ phải ăn cháo, uống sữa. 

Ngoài ra, trẻ còn cần được hỗ trợ về tâm lý. Tại bệnh viện, những nhân viên công tác xã hội sẽ gọi điện động viên những bé bị mất ba mẹ hoặc ba mẹ bị chuyển nặng phải đưa đi cấp cứu. 

Với những bé không có người thân chăm sóc, bệnh viện huy động những người cùng phòng chưa có biểu hiện nặng hỗ trợ chăm sóc các bé.

Các biến chứng COVID-19 ở trẻ em ít hơn so với người già, người có bệnh nền. Đa số các bé khi vào Bệnh viện dã chiến số 4 chỉ có triệu chứng sốt nhẹ, ho… Các bé sẽ được điều trị triệu chứng vì có các bác sĩ nhi tại bệnh viện.

Tuy nhiên, một số trẻ em bị béo phì hoặc có những bệnh lý mãn tính, khi mắc COVID-19 có thể trở nặng, thậm chí tử vong. Với những trường hợp này, các bác sĩ phải sàng lọc sớm để chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM điều trị.

Bác sĩ Nam cho biết ngày 13-8, Bệnh viện Nhi đồng TP đang điều trị cho 120 trẻ mắc bệnh COVID-19. Những trường hợp này đều được xe cấp cứu 115 hoặc các bệnh điều trị COVID-19, bệnh viện dã chiến chuyển đến. 

Ngoài nhiễm COVID-19, các trẻ này cũng có những bệnh lý khác như lồng ruột, suyễn, viêm phổi… Trong 120 bệnh nhi này có 3 bệnh nhi mắc COVID-19 đang phải thở máy.

Ít biến chứng nhưng vẫn là nguồn lây Bác sĩ Nam cho biết trẻ em mắc COVID-19 thường ít bị biến chứng nhưng có thể là nguồn lây cho những người khác. Bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 4 luôn theo dõi rất kỹ, đến khi nào đủ tiêu chuẩn mới cho bệnh nhi xuất viện. Khi bệnh nhi được ra viện, nhân viên y tế còn hướng dẫn cho các bậc phụ huynh, người nhà bệnh nhi cách chăm sóc bệnh nhi tại nhà, nhận biết những dấu hiệu cần báo bác sĩ ngay.
HỎI – ĐÁP về dịch COVID-19 Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI – ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài. Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định… đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch. theo THÙY DƯƠNG (TUOITRE ONLINE) https://tuoitre.vn/tre-em-mac-covid-19-co-nguy-hiem-khong-xu-tri-the-nao-20210812213551003.htm
2,119 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết